Chơi trống bỏi

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Tiếng Việt thật phong phú, gọi chính xác các danh xưng: chú, bác, anh, chị, cô, dì, cậu, mợ, thím… Bởi thế cho nên ông nào già rồi thì phải chịu cho người trẻ kêu bằng bác, bằng chú, chứ muốn được gọi bằng anh coi bộ hơi khó, nói chuyện một lát thế nào cũng lộn.
Có một chuyện vừa xảy ra trưa hôm qua trên chuyến xe mình về quê, liên quan đến chuyện xưng hô anh và chú, thấy vui vui nên post lên cho các bạn đọc chơi:
Băng ghế chỗ mình ngồi là 2 số 16-17. Có ông khách kia trạc tuổi mình, đi cùng với cô gái trẻ mà vé lại là 17-18 nên muốn đổi với mình để được ngồi chung. Chuyện thật đơn giản nếu như ông ta xưng hô cho đúng. Không ngờ ông ta lại nói:
– Chú ơi, có thể đổi chỗ cho tụi cháu ngồi chung được không?
Thấy ông ta nói năng nhỏ nhẹ lại kèm với nụ cười trên môi nên mình cũng chả nghĩ ngợi gì thêm, OK liền.
Mình qua ngồi ghế số 18, kế bên cậu trai trẻ. Những người ngồi gần đó nghe ông khách kêu mình bằng chú liền nhao nhao xì xầm. Bao nhiêu cặp mắt đều dồn về phía ông khách và cô gái trẻ. Cậu thanh niên ngồi cạnh mình chợt buột miệng hỏi:
– Chú ơi, chú bao nhiêu tuổi rồi mà kêu ông này bằng chú vậy?
Ông khách quay sang mĩm cười:
– Liên quan gì đến cậu!
Bà sồn sồn ngồi phía sau nói chen vào:
– Tại người ta thấy kỳ cục quá nên hỏi vậy không được sao!
Ông khách tỏ vẻ hơi bực bội:
– Mấy người này nhiều chuyện quá!
Cậu trai trẻ:
– Ê, nói năng cẩn thận nha ông già!
Ông khách quay sang trừng mắt:
– Mày gọi ai là ông già?
Bà sồn sồn cười khẩy, vừa nói vừa quay qua quay lại nhìn mọi người như tìm đồng minh:
– Trời, già mà không chịu già nữa kìa. Ha ha.
Cậu trai:
– Mà công nhận ổng có cô con gái đẹp thiệt.
Ông khách hầm hầm định trả đủa nhưng bị cô gái trẻ níu vai cằn nhằn gì đó nghe không rõ. Bất ngờ ông khách đứng dậy, kéo tay cô gái:
– Xuống đi xe khác, em! Bực mình quá rồi.
Hai người lúi cúi xuống xe nhanh. Bà sồn sồn lầm bầm rủa:
– Đồ cha già mất nết. Già rồi mà còn chơi trống bỏi. Hứ…

● Lời bàn:
Trống bỏi là tên gọi của một món đồ chơi dân gian rất quen thuộc vào dịp Tết Trung thu của trẻ em. Mặt trống bằng bìa, tang trống bằng đất sét, dùi trống là que gỗ nhỏ. Cán trống bằng que nhựa (hoặc tre), trục xoay bằng kim loại. Cầm lên và xoay, các khía của cán tác động vào dùi trống khiến dùi đập liên hồi vào mặt trống tạo nên âm thanh giòn giã.
Sở dĩ có thành ngữ “Già chơi trống bỏi” vì trống bỏi là món đồ chơi đặc trưng chỉ dành cho trẻ em nên già mà chơi thứ này là hành vi lệch lạc, có thể gọi là biến thái.
Thích chơi trống bỏi cũng được, nhưng phải chơi lén, tránh chơi ở chỗ đông người.
Nói đùa thôi chứ câu chuyện ở đây sở dĩ thành “chuyện” chính là do cách xưng hô của ông khách quá hàm hồ, không chính xác. Phải chi là tiếng Anh thì dùng một từ “you” là xong nhỉ!

SĨ HUỲNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: