

Đi quay nhiều phim điện ảnh nhưng tôi lại thích làm phim truyền hình hơn. Những bộ phim chiếu ti vi tôi đã thực hiện cũng khá nhiều, có thể kể: Cây huê xà, Hoa và nước mắt, Truy tìm dấu vết, Tình yêu tìm lại, Sóng tình, Tình yêu pha lê, Tham vọng, Cô nàng bất đắc dĩ…
Phim truyền hình thường nhiều bối cảnh hơn và hay có các địa điểm như văn phòng công ty, bệnh viện, trường học…khiến công tác tìm và xin quay khá vất vả.
Tôi có anh trợ lý rất giỏi, bối cảnh khó mấy cũng tìm ra. Thời gian đầu là xin, về sau là thuê. Có nhiều căn biệt thự không người ở, chỉ để cho các đoàn phim thuê. Mỗi phim các họa sĩ thiết kế chỉ cần thay bộ salon, bàn ăn, tủ áo cùng các đồ đạo cụ khác và quay phim thay đổi góc quay là không phim nào giống phim nào. Tuy vậy các nhà sản xuất phim vẫn thường cảnh báo sự trùng lắp về bối cảnh giữa các bộ phim, yêu cầu tìm chọn những địa điểm mới. Thực tế, khi xem phim, khán giả tinh mắt vẫn phát hiện “căn nhà này phim kia có quay rồi” khiến đạo diễn phim cũng hơi “nhột”.
Nói về bối cảnh, có câu chuyện khá bi hài như sau: đoàn phim kia xin quay căn biệt thự nọ được nữ chủ nhân đồng ý. Quay được nửa phim thì ông chồng đi công tác về không cho quay tiếp. Đạo diễn đành dùng “thủ pháp điện ảnh” để cứu vãn tình thế, xin chủ nhà cho quay một cảnh ngoài cổng rồi “dọn” đi “nhà mới”. Cảnh đó là: người khách đến bấm chuông, cô giúp việc chạy ra. Khách nói “cho tôi gặp ông X”. Cô giúp việc trả lời “Dạ ông X bán nhà này rồi ạ”. Khách cám ơn rồi điện cho ông X hỏi địa chỉ nhà mới. Vậy là xong. Tuy nhiên khi xem phim khán giả tinh ý sẽ thắc mắc: “Chi tiết bán nhà qua nhà mới có ý nghĩa gì?”. Chắc không ai trả lời câu hỏi đó, ngoại trừ bài báo “phía sau màn ảnh”.
Đôi khi tìm bối cảnh cũng cần có cái “duyên”. Như phim Sóng tình, bối cảnh chủ yếu là khu nhà trọ có 4 cặp đôi “sống thử”. Mà các khu trọ rất phức tạp, nếu xin được cũng rất khó dàn dựng để quay. Thật may mắn, trong quá trình khảo sát, chúng tôi tìm được một khu nhà trọ trống không chờ giải tỏa. Liên hệ với ban quản lý, họ đồng ý cho đoàn phim mượn quay. Họa sĩ chỉ cần mua vài cái giường sắt đôi, dăm bảy cái bàn cái ghế là có thể set up bối cảnh.
Đi quay phim truyền hình gọn nhẹ, không cần phải có máy đèn, xe ca như phim điện ảnh. Quay Sài Gòn, trừ Cần Giờ, anh em di chuyển bằng xe máy, đi tỉnh mới hợp đồng xe. Các phim tôi làm thường đi xa rất ít, chỉ quanh quẩn các quận nội thành, trong đó quận 7 gần như là “phim trường” của các đoàn phim mà Phú mỹ Hưng được chọn quay để giả đường phố Sài Gòn.
Các phim truyền hình tôi tham gia làm đa số khi phát sóng đều có rating cao nên đạo diễn được đối tác mời làm tiếp.
Thông thường một bộ phim truyền hình quay khoảng 35 ngày là xong, làm hậu kỳ, lồng tiếng, hòa âm thu nhạc độ 15 ngày. Thời gian ngắn quá nên không đủ để “phát sinh” kỷ niệm như phim điện ảnh nên tôi ít có bài viết.
(12/9/2022)
SĨ HUỲNH