

Bình thường nhà mẹ vợ vắng vẻ, chỉ có ba bà cháu. Gần đây có thêm đứa em là mẹ bỉm sữa về ở chăm con, lại thêm đứa em khác vô cất một căn nhà nhỏ sát vách nhà mẹ nên cũng bớt hiu quạnh.
Nhà mới cất của nhỏ em chỉ khoảng 30 mét vuông, gồm phòng ngủ và nhà bếp, toilet, nội thất còn chưa hoàn chỉnh. Nhỏ em làm MC kiêm ca sĩ cho các đám tiệc, thu nhập không ổn định, trồi sụt bất thường, cất nhà phải vay tiền ngân hàng trả góp. Có em bên cạnh mẹ cũng đỡ vất vả vì em phụ giúp đi chợ, nấu ăn. Em có biệt tài bếp núc, làm món gì cũng ngon và nhanh lẹ.
Tuần rồi lại có thêm chồng của mẹ bỉm về ở luôn, nhà lại được thêm một thành viên nữa, càng đông vui.
Cuộc sống vốn có nhiều đổi thay. Ngày xưa nhà bố mẹ vợ đông đủ con cái, dần dần gã chồng hết, ra riêng, có đứa lên tận Sài Gòn, đứa đi làm ở nước ngoài. Bây giờ giống như một cuộc chuyển xoay, hai ba đứa quay về, ngôi nhà ấm cúng trở lại. Ngôi nhà cũ ba gian, khi con cháu về chơi đông, tưởng không có chỗ ngủ thế mà vẫn đủ, không thừa không thiếu. Nhà ăn rộng, sáng trưa chiều tối quây quần, xúm xít bên nhau, không khí rộn ràng những dịp lễ tết. Có vài đứa con còn “âm mưu” để dành tiền xây lại nhà cho khang trang, kiên cố.
Theo quy luật của tạo hóa, mẹ ngày một già đi, các cháu nhỏ ngày một lớn, các cô con gái dần bước sang tuổi bốn mươi quá nửa đời người. Đời sống chất chồng lo toan. Cuộc mưu sinh thêm gấp gáp. Mới đây vợ tôi nhặt được sợi tóc bạc rơi, cầm lên đưa tôi xem:
▪︎ Chồng ơi, vợ có tóc bạc rồi.
Vợ vừa nói vừa cười, nụ cười pha lẫn nỗi buồn tuổi tác. Tôi thì đã bạc nửa đầu từ lâu, tháng nào cũng phải ra tiệm nhuộm. Tôi hơn vợ những 26 tuổi. Tôi thích quan hệ với bạn bè của vợ vì ai cũng gọi tôi bằng “anh”.
Mỗi cuối tuần vợ chồng tôi lại về nhà mẹ. Thắm thoát mà tôi làm rể cũng đã gần bốn năm. Ngôi nhà ấy thân quen, tôi xem như nhà mình. Một hôm tôi nằm mơ thấy trúng số độc đắc, câu đầu tiên tôi nói với vợ trong mơ là:
▪︎ Nhà mẹ giờ xây mới lại độ một tỷ không em?
À, thì ra trong tư tưởng tôi cũng muốn cất lại nhà cho mẹ. Mà nói “cho mẹ” chứ thật ra là cho chúng tôi. Đất đai vườn tược có sẵn, chỉ thiếu một ngôi nhà rộng rãi, đẹp đẽ, kiên cố. Chỉ có những đứa con hiếu thảo, biết chăm lo đùm bọc cho nhau mới có thể cùng sống chung dưới một mái nhà. Con cái của mẹ có đủ những phẩm chất ấy, điều mà không dễ có được với nhiều gia đình khác. Hàng ngày nhan nhản những vụ việc tranh giành nhà cửa đất đai giữa cha mẹ và các con, giữa các con với nhau, làm vẩn đục bức tranh xã hội.
Tôi kể cho vợ nghe giấc chiêm bao của mình, cô ấy chỉ mỉm cười làm thinh. Mấy năm trước cô ấy mua miếng đất liền kề nhà mẹ, sau nhường lại cho đứa em. Giờ đứa em khác vừa về xây nhà ở. Nhỏ em đang đi làm ở nước ngoài thì nhắn tin trong group gia đình, giành “khu chuồng gà” trước sân, “hăm” khi nào về sẽ cất một căn nhà thật đẹp.
Con cái nhà mẹ ai cũng hiền hậu, đảm đang, biết chăm lo gia đình và luôn giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn, không hề so đo, tị nạnh. Mỗi khi họp mặt là huyên thuyên chuyện trò tâm sự. Giỗ chạp cùng nhau lo, đầy tháng, sinh nhật cùng nhau tổ chức. Các chàng rể người nào cũng siêng năng, cần mẫn, sửa điện nước, máy giặt, quạt gió, cưa củi…gì cũng làm tất, không phải “phiền” đến thợ. Chỉ có tôi là được “kim bài miễn tử” vì lớn tuổi nên khỏi phải làm gì, chỉ phụ trách ẳm bồng, chơi với trẻ nhỏ. Có điều lạ là mấy đứa nhỏ rất khoái tôi.
Vợ tôi hay nói bố mà còn sống cũng sẽ thích tôi lắm vì tôi có nhiều điểm giống bố. Thắm thoát mà bố ra đi cũng đã bốn năm, trước ngày tôi về làm rể. Cuộc đời bố có nhiều sự tích nhưng nổi trội hơn tất cả chính là sự kiên trì, nhẫn nại và tấm lòng yêu thương con cái vô bờ bến. Những món mà bố từng nấu cho cả nhà ăn, mấy đứa con gái còn nhớ, thỉnh thoảng lại nấu, nhưng ai cũng nói “không bằng bố”. Ngôi nhà này xây dựng từ lúc nào, hồi đầu ra sao, mấy đứa con không ai nhớ vì còn quá nhỏ hoặc chưa ra đời. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ngôi nhà đã được dựng xây bằng biết bao công lao, sức lực của bố mẹ.
Ngôi nhà ấm áp yêu thương đã được bố mẹ tạo nên từ đôi bàn tay trắng.
(14/4/2021)