Truyền cảm hứng

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Tự điển tiếng Việt định nghĩa: Cảm hứng là trạng thái tâm lý đặc biệt khi có cảm xúc và sự lôi cuốn mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả. Nguồn cảm hứng có ở khắp mọi nơi và nó có thể xảy đến bất kỳ lúc nào với bất kỳ ai.
Một ví dụ kinh điển về cảm hứng là câu chuyện quả táo rơi trúng đầu nhà toán học, vật lý học Newton (nước Anh) đã giúp ông sáng tạo ra định luật “vạn vật hấp dẫn”. Hay câu chuyện của tác giả Fujiko Fujio: Trong khi đang tìm ý tưởng để tạo ra một nhân vật mới cho bộ truyện tranh thì bỗng có một chú mèo hoang đi vào nhà, kêu lên và rất tự nhiên, nhảy vào lòng ông mà ngủ. Khi đi xuống cầu thang, ông lại vấp phải con lật đật, một món đồ chơi của con gái ông. Ý tưởng bật lên, chú mèo máy Đô Rê Mon ra đời từ đó.
Nguồn cảm hứng tồn tại trong bất kỳ lĩnh vực nào: văn học, âm nhạc, hội họa, khoa học tự nhiên…Từ đó con người có thể khám phá ra được khả năng của bản thân còn tiềm ẩn, khơi dậy những xúc cảm còn ở dạng ban sơ.
Người truyền cảm hứng có thể là ông bà, cha mẹ, bạn bè, cô giáo, nhà văn…hoặc có thể là bất cứ ai mà bạn thần tượng.
Để truyền cảm hứng cho người khác bạn nhất định phải luôn có năng lượng thúc đẩy những cảm xúc tích cực với bản thân và sẵn sàng cho đi những điều tốt đẹp nhất.
Là một người ham mê sáng tác, tôi “bị” hai nhân vật ‘hớp hồn” khi tiếp cận với truyện ngắn của họ, đó là nhà văn Ai-ma-tốp (người Kyrgyzstan) và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đọc văn của họ, một niềm hứng khởi sáng tạo trào dâng trong tôi. Ai-ma-tốp với truyện “Con tàu trắng”, “Giamilia”, “Vĩnh biệt Gun-xa-rư”…đã truyền cảm hứng cho tôi viết truyện ngắn “Hình phạt”, giải nhì cuộc vận động sáng tác của Thành đoàn. Một loạt truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư như: “Hiu hiu gió bấc”, “Đau gì như thể…”, “Nhớ sông”…đã giúp tôi viết truyện ngắn “Cô bé ở ghép” đăng trên tuần báo Văn nghệ TP.HCM (mà tiêu chuẩn để được chọn đăng không hề dễ dãi). Những tác phẩm ấy tôi không chỉ đọc một lần, mà lần nào cũng được truyền cảm hứng.
Em trai tôi là kỹ sư điện tử, chuyên sửa chữa ti vi, mở tiệm Minh Sài Gòn và tuyển thợ. Các chú thợ tuy trẻ trung nhưng phong cách làm việc cứ lờ đờ, thiếu sinh khí. Một hôm tôi ghé chơi thấy em tôi đang làm một thí nghiệm nhỏ và các chú thợ vây quanh để xem. Trên bàn là một chiếc ti vi đã tháo nắp, lộ ra dàn mạch với nhiều linh kiện. Em tôi xoay người lại, tay phải cầm mỏ hàn nóng, tay trái cầm cọng chì vòng qua chấm hàn một con điện trở và một tụ điện. Động tác của em tôi vô cùng dứt khoát và nhanh gọn, còn hơn chấm hàn bằng cách nhắm mắt. Những tiếng ồ đồng thanh cất lên và những ánh mắt giương to thán phục. Cảnh tượng sau đó trong tiệm điện tử khác lạ hẳn ngày thường, các nhân viên linh hoạt hơn, chăm chú với công việc hơn. Em tôi đã làm một việc rất cần làm: truyền cảm hứng.
Người truyền cảm hứng là những người ngoài việc truyền đạt những kiến thức hữu ích thì còn mang lại niềm tin, hy vọng tới cho người khác. Nguồn năng lượng tích cực mà họ mang đến cho tha nhân vô cùng quý giá, giúp người tiếp cận lạc quan hơn và sống tốt hơn.

(20/8/2022)
SĨ HUỲNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: