

Sự nhàn rỗi khiến con người dễ đâm ra bi quan, chán nản. Những gì của hôm qua đều tốt hơn hôm nay. Sự việc của năm này tệ hơn năm trước. Cả sức khỏe cũng vậy, dĩ nhiên.
Tôi cố gắng vùng thoát khỏi sức ỳ của cảm giác, tìm vui trong những điều bình thường. Có khi được, khi không. Nhưng cuộc sống luôn chuyển động không ngừng, nhiều điều mới mẻ xảy đến khiến tôi bị cuốn theo, sớm quên đi những muộn phiền không đáng.
Sáng sớm, lang thang dọc theo đường Hàng Tre đến Miếu bà Cố thì quay lại. Con đường hàng ngày tôi đi bộ tập thể dục sao hôm nay đông vui thế. Các quán ăn tấp nập khách ra vào. Cà phê lề đường, à không, cà phê bày cả xuống lòng đường, có nhiều khách lớn tuổi đang rì rầm tám chuyện. Một bà bán vé số chặn đường tôi, mời mọc. Tôi mua 2 tấm thử vận may, dù biết rằng còn lâu mới trúng.
Đi ngang tiệm hủ tíu quen vừa ăn lúc sáng, ông bố cô chủ quán đang sắp xếp xe cộ, mĩm cười hỏi:
- Tập thể dục hả anh?
Tôi gật gù, ậm ừ đáp. Ông bố này rất vui tánh, hay xởi lởi với khách. Nhưng tôi rất hiếm khi trò chuyện với ông, chỉ trả lời qua loa, chiếu lệ. Càng ngày tôi thấy mình càng ít nói, không hiểu tại sao. Lúc xưa tôi hoạt bát lắm, thuộc dạng lắm lời trong nhóm nhiều chuyện. Giờ đây về nhà vợ, tôi ngồi nghe thì nhiều, góp lời thì ít. Nhất là với mấy đứa em cột chèo, lắm khi chẳng biết nói gì, trong khi họ chuyện vãn với nhau thật rôm rả, ăn ý. Nhưng rồi mọi người cũng quen dần tánh tôi, tôn trọng “không gian riêng” của tôi.
Có điều, chơi với mấy đứa nhỏ thì tôi rất hào hứng, nói này nói nọ, đủ thứ trên trời dưới đất. Và hay cười lớn tiếng nữa. Tôi yêu trẻ con. Tôi có thể làm quen với nít nhỏ trong tích tắc. Chúng cũng thích tôi nữa.
Tôi ở nhà một mình, suốt ngày, không một tiếng nói. Chỉ khi đón vợ về tôi mới bắt đầu trò chuyện. Hơn ba năm rồi, từ ngày về quận 9 tôi đã bắt đầu cuộc sống như thế.
Đi xe khách quen của vợ tôi về Định Quán, ngồi ca bin, vợ và tài xế hay chuyện trò, còn tôi im lặng. Lúc đầu có bác tài hỏi nhỏ vợ tôi:
- Chồng em người nước ngoài hả?
Vợ tôi cười ngất:
- Người Việt. Tại ảnh ít nói thôi.
- Thấy giống giống Đài Loan.
Nhưng những lúc xuống xe tôi đều nói “Cám ơn bác tài” hoặc “Cám ơn anh Châu”, “Cám ơn anh Dũng”…Ngược lại, có tài xế xe 16 chỗ kia, khi nghe tôi nói “Chào bác tài” lúc lên và “Cám ơn bác tài” lúc xuống lại im lặng không hồi đáp nên từ đó về sau tôi không nói nữa.
Nghĩ cũng lạ, không hiểu sao một con người từ chỗ bặt thiệp, cởi mở trong giao tiếp lại có thể trong một thời gian ngắn trở thành khép kín, kiệm lời đến vậy. Có một người bạn thân trước đây chơi với tôi rất hợp, thường rủ rê nhau đi chơi ăn uống hát hò, mới vừa rồi ghé thăm tôi. Tôi cảm thấy tình cảm vẫn như xưa nhưng cách giao đãi đã khác, không còn hứng thú, vồn vã, chủ yếu do tôi ít nói. Người ấy ra về, có lẽ nghĩ tình bạn đã nhạt phai, chắc còn lâu lắm mới ghé thăm lần nữa.
Người trầm tính, ít nói thường cô đơn, nhưng phải chăng giống như Albert Einstein đã từng nói: “Sự buồn tẻ và cô đơn của một cuộc sống thinh lặng kích thích một tinh thần sáng tạo”.
(28.11.2020)