Nghề dạo

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Có tiếng loa rao đâu đó ngoài hẻm nhỏ:
• Mua điện thoại hư, điện thoại bể. Mua laptop hư…Mua điện thoại hư, điện thoại bể. Mua laptop hư…
4 giờ chiều, trời thoảng từng cơn gió, cái nóng hầm hập đã dịu bớt. Về đây tôi không chịu nổi không khí bức bối, oi nồng của ban trưa, có lần còn bị sốt cảm nắng qua bữa sau mới hết.
Nghe tiếng loa rao tôi chợt nhớ hồi nhỏ ở quê, cứ trưa trưa là có ông kia chạy chiếc xe đạp cà tàng vào hẻm nhà, giọng rõ to mời gọi:
• Mài dao mài kéo hôn…
Lâu lâu chị Hai tôi kêu vào, bỏ ra mấy con dao cùn. Ông lấy cục đá mài ra, thao tác chăm chỉ. Chị tôi mở hàng đắt lắm, chưa chi đã có bà Năm bì bún, chị Tư xôi cũng mang một đống dao kéo qua. Qưởn nên chị tôi hỏi:
• Làm nghề này có nhiều khách hàng hông chú?
Ông thợ vừa làm vừa trả lời:
• Người bán hàng thịt, cá ngoài chợ cứ vài ba ngày là phải mài lại dao, kéo rồi. Tui có mối quen nên có việc làm hoài. Còn người gia đình như cô vậy, khoảng nửa năm mới mài dao lại một lần.
Rồi còn có dịch vụ thiến heo. Ông thợ vừa đạp xe vừa bóp kèn tò te tí, lúc đầu tôi cứ tưởng bán kem, chạy ra định mua. Heo con được năm, sáu tuần tuổi thì người ta đem thiến để chúng mau tăng trọng. Thợ thiến phải là người khoẻ mạnh và cần người phụ để “đánh vật” với heo vì chúng vùng vẫy rất dữ.
Xã hội phát triển, nhiều ngành nghề dịch vụ ở thôn quê không còn thích hợp, đã biến tướng hoặc mai một. Nghề thu mua ve chai dạo từ thành thị đến nông thôn hình như có phần “khởi sắc”, nuôi sống được một số thành phần dân lao động. Đó là những người chịu thương chịu khó với nghề. Công cụ lao động của họ rất đơn giản, chỉ với chiếc xe đạp cũ kỷ, hai bên quàng hai chiếc sọt, có khi chỉ đi bộ với đôi quang gánh trên vai. Đến cuối ngày, nếu đã mua được kha khá, họ tập trung tại các điểm thu mua phế liệu để bán lại kiếm chút tiền lời. Cuộc mưu sinh có phần vất vả nhưng vẫn nuôi sống được gia đình.
• Mua điện thoại hư, điện thoại bể. Mua laptop hư…
Người mua ve chai phế liệu vừa quay trở lại. Thời nay tiếng rao thu đĩa sẵn phát loa giúp người ta đỡ mệt khi phải rao bằng giọng thật. Các xe bán trái cây, xe cá viên chiên ở khu phố tôi cũng phát loa rao ra rả, liên tục từ chiều đến tối.
Viết đến đây tôi chợt nhớ một câu chuyện đã cũ xưa rồi cười một mình. Số là ở quê tôi có dịch vụ “bỏ nọc” heo, dẫn heo đực giống đi nhảy nọc. Thằng cháu tôi, con chị Hai, năm đó mới 9 tuổi, thấy nhảy xong mẹ trả tiền liền hỏi:
• Nhảy một cái nhiêu tiền vậy má?
Chị tôi trừng mắt:
• Đi chỗ khác chơi. Con nít biết gì mà hỏi.

(20/3/2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: