Anh Bùi Đức Tầm

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Tôi quen anh khi làm chung trong đoàn phim “Đêm nước rong” của đạo diễn Lâm Mộc Khôn. Đó cũng là “phim đầu tay” của tôi. Bối cảnh chính của bộ phim nằm ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Lúc đó anh tham gia đoàn phim với vai trò Phó chủ nhiệm. 

Thật ra anh tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ (Đến năm 1982, trường được đổi tên thành Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh). Anh bắt đầu đến với điện ảnh sau ngày giải phóng với chức danh tổ trưởng đạo cụ, tức là người lo đồ dùng diễn xuất trong phim. Tất cả những vật dụng cho diễn viên, từ chiếc đồng hồ đeo tay đến chiếc máy hát đĩa thời Pháp, từ chiếc ô tô, xe máy, xe đạp cổ hay hiện đại cho đến giường, tủ, bàn, ghế…nói chung là đồ vật thật hoặc làm giả như thật dùng cho hoạt đông diễn xuất của diễn viên. Người chạy lo đạo cụ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng sao cho món đồ phản ảnh đúng dấu ấn của thời đại. Đạo diễn sẽ là người kiểm tra cuối cùng tính đúng đắn của một món đồ, xem có phù hợp với nội dung bộ phim không. 

Làm được vài phim, anh xin chuyển qua làm kịch vụ rồi trợ lý chủ nhiệm. Anh có đặc điểm là người rất say mê công việc, vừa hoạt bát vừa nhiệt tình, ở cương vị nào cũng hăng say, tích cực. 

Anh Bùi Đức Tầm có nhiều tài lẻ, chẳng hạn như với nhiếp ảnh, anh là một tay chụp cừ khôi. Quen anh vài tháng tôi mới biết nhà anh có phòng tối để rửa ảnh. Biết tôi sắp làm thôi nôi cho con trai, anh đề nghị chụp một số pô hình làm kỷ niệm. Những tấm ảnh con tôi do anh chụp, tấm nào cũng cực kỳ dễ thương. Hồi đó chỉ có ảnh đen trắng chứ chưa có ảnh màu, từng bức ảnh cứ như là một công trình nghệ thuật, vì anh biết gợi ý cho trẻ, thậm chí chọc ghẹo nó để lấy được chân dung lung linh nhất trong tích tắc. 

Rồi anh được lên chức chủ nhiệm phim. Cơ duyên đã sắp xếp cho tôi gặp lại anh. Bộ phim “Hai chị em” đó Lê Dân đạo diễn quay cụm điểm ở Tây Ninh, tôi là nhân viên của anh trong vai trò trợ lý kinh tế. Hai anh em càng thân mật hơn, tôi thường xuyên đến nhà anh chơi hơn và phát hiện ra anh là một tay chơi cây cảnh có tầm cỡ. Anh bắc thang cho tôi leo lên mái nhà, tận mắt chứng kiến chậu phượng kiễng nhỏ nhắn xoè tán lá xanh tươi roi rói. Tôi hỏi:

  • Tới mùa nó có trổ hoa không anh?

Anh cười khổ:

  • Nó mà ra bông là tôi giàu to rồi. 

Thì ra qua bao nhiêu năm chăm bón, cây vẫn chưa bao giờ nở hoa. Thật tiếc. Tết năm đó anh báo cho tôi tin vui là được chọn làm giám khảo cho Hội thi hoa xuân Tao Đàn. 

Tôi còn đi với anh vài bộ phim nữa, như “Ai xuôi vạn lý”, “Cô gái Trà peng”, “Cát nóng”. Tình cảm chúng tôi dành cho nhau rất đậm đà, chân thật. Rồi một ngày kia anh về hưu, tôi lại mời anh làm đồng chủ nhiệm trong bộ phim “Gió rừng sương” của đạo diễn Đinh Thái Thuỵ. Anh em tôi lại có dịp hội ngộ cùng nhau trên xứ sở hoa anh đào, giống như vừa đi làm vừa du lịch. 

Những năm trước đó anh đã say mê chơi đá cảnh. Anh sưu tầm đá trong những chuyến du lịch Lâm Đồng, Nha Trang và các tỉnh phía Bắc. Trong nhà anh chỗ nào cũng có những tác phẩm đá, ngay cửa ra vào, trong phòng khách, phòng làm việc và cả sân thượng. Anh được bầu làm chủ nhiệm CLB Đá cảnh thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về đá với khoảng 100 thành viên trong CLB. Ngoài ra, anh cũng được chọn là thành viên của Hội Đá cảnh Thế giới. 

Thời gian sau này anh Tầm lại có sở thích sưu tầm các loại chuông. Trong khoảng hơn 10 năm, anh đã có rất nhiều loại chuông của Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Tạng…Anh thường đi du lịch bên Pháp nên số lượng chuông của khu vực châu Âu chiếm nhiều hơn cả. Bước vào căn phòng nhỏ ở tầng 1 nhà anh sẽ thấy vô số những chiếc chuông với đủ kích cỡ, hình dáng khác nhau được treo trên tường hoặc cất cẩn thận trong tủ kính. Bộ sưu tập chuông khổng lồ là kết quả của hơn 10 năm tìm kiếm, trong đó có cái cả nghìn năm tuổi đang trong giai đoạn được Bộ phận Đề cử Kỷ lục Việt Nam thiết lập hồ sơ đề xuất kỷ lục: Người sở hữu bộ sưu tập chuông cổ độc đáo nhất Việt Nam.

Anh Bùi Đức Tầm đã trở thành một nghệ nhân, một nghệ sĩ thực sự, không thể lẫn với ai khác. Dù năm nay đã 67 tuổi anh vẫn còn tràn đầy phong độ. Thỉnh thoảng ghé vào Sài Gòn tôi lại hẹn anh ra gặp ở phở Dậu gần nhà anh để vừa ăn sáng vừa tâm sự. 

(30.11.2020)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *