Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa.
Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi là ngày diệt sâu bọ.
Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.
Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây.
Người dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.
Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi là “Tết Đoan Ngọ”, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Từ đó, dân gian thường cúng ngày Tết Đoan Ngọ bằng một số món ăn và hoa quả phổ biến theo mùa như: rượu nếp, nếp cẩm, bánh tro, mận, vải…
Theo chuyên gia phong thuỷ Song Hà, Đoan Ngọ nghĩa là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ Tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Tết Đoan Ngọ năm nay sẽ diễn ra vào ngày 3.6 dương lịch (5.5 âm lịch).
Một số điều nên kiêng kỵ
Theo quan niệm dân gian, người dân thường kiêng vứt giày dép lộn xộn để tránh chiêu dụ tà khí, nên tránh xa bệnh viện, đám ma vì những nơi này âm khí quá nặng, dễ chiêu bệnh tật, tà khí.
Ở một số vùng miền, người lớn sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc.
Nhiều người còn cho rằng nên tránh để rơi tiền trong ngày Tết Đoan ngọ vì khi đó bạn đã đánh rơi tài lộc, khiến vận may đi xuống.
Nếu ở khách sạn hoặc nhà nghỉ, nên tránh chọn phòng đầu tiên và cuối cùng của hành lang. Hai vị trí này hút năng lượng tiêu cực, dễ khiến cơ thể nhiễm bệnh.
Một số phong tục lấy may
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, với mong muốn xua đuổi vận xui, nhiều người sẽ tắm bằng nước đun lá thiên nhiên như lá tía tô, bồ kết, lá sả,… Hương thơm từ các loại lá thiên nhiên cũng mang lại cảm giác thoải mái, phấn chấn, thanh lọc cơ thể.
Sau khi ngủ dậy, người lớn nên uống một ít rượu hoặc ăn cơm nếp rượu. Theo dân gian, đó là cách khiến sâu bọ say, sau đó diệt sâu bọ bằng thức ăn như mận, vải, bánh tro…
Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, khí dương mạnh nhất trong năm nên mọi người cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.
Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng 5 loại lá bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, lá dâu tằm và sả nấu nước xông để bớt bệnh.
Ngoài ra, có người còn tìm mua cành xương rồng để trong nhà với mục đích đuổi tà ma.
Chuẩn bị đồ cúng
Lễ cúng và các đồ cúng trong tết Đoan Ngọ khá đơn giản, chỉ cần hoa quả, chè xôi, rượu nếp…
Lễ cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có khác biệt theo vùng miền. Người miền Bắc sẽ chuẩn bị thêm hương hoa, vàng mã, rượu nếp trắng, bánh tro (gio), xôi chè.
Còn với người miền Trung sẽ cúng thêm thịt vịt. Người miền Nam sẽ chuẩn bị thêm vài loại bánh như bánh ú, bánh trôi nước…
(Theo Wikipedia; Vietnamnet; Lao Động)