Xuất bản tập thơ

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Hồi nhỏ cứ ước mơ sau này sẽ xuất bản được tập thơ cho có tác phẩm để đời với thiên hạ. Nhưng mơ ước đó không được nung nấu, chỉ lâu lâu nhớ lại rồi cho qua. Mỗi lần vào nhà sách, gặp vài tuyển tập thơ in ấn trang nhã tôi lại tự nhủ lòng: “Mình sẽ in một tập thơ đẹp hơn mấy quyển này”. Rồi thôi.

Càng ngày thơ càng mất giá. Đúng như câu:”Văn chương hạ giới rẻ như bèo” của nhà thơ Tản Đà. Ai cũng làm thơ được. Nhà nhà làm thơ. Người người làm thơ. Hồi chưa có Facebook, đọc thơ đăng báo, nhất là các tờ báo văn nghệ, thấy cũng có những bài hay. Khi Facebook xuất hiện, người ta tự đăng thơ, khỏi cần qua biên tập, vậy là hình thành nên cả một rừng thơ, đa số là “thơ con cóc”:

“Con cóc trong hang

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đó

Con cóc nhảy đi”@

Thật ra ở các nhà sách, ế nhất chính là những tuyển tập thơ. Hình như người ta in thơ chủ yếu là để tặng nhau, còn bày bán chỉ là chuyện phụ, để cho có. Những quyển thơ của các tác giả nổi tiếng, có liên quan đến sách giáo khoa, mãi lực cũng kém. Mà học sinh, sinh viên vào nhà sách đọc ké cũng nhiều. Điều đó khiến lòng ham muốn in thơ của tôi giảm sút đáng kể.

Có một thực trạng là sau này muốn in thơ, tác giả chỉ cần bỏ ra vài chục triệu nhờ “người mai mối” lo tất cả các thủ tục, từ biên tập đến xuất bản. Còn thơ có bán được hay không lại là chuyện khác. Mà tất nhiên là không rồi. Nhưng tác giả thơ là người lạ nhất trần gian, chỉ cần thơ được in, bán được hay không, không quan trọng.

Chẳng biết tôi có mắc bệnh tự ti hay không, khi đã sáng tác được hơn trăm bài thơ rồi, đọc lại thấy quá tệ. Nhiều lúc tôi sợ xem lại thơ mình. Hồi còn làm thơ đăng báo, dường như bài nào gởi cũng được đăng. Báo Thanh Niên, báo Văn nghệ TP. HCM, tạp chí Văn…Tôi còn tập tành làm thơ châm biếm, được chọn đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng với bút danh Tú Cận. Nhưng mấy chục năm trôi qua rồi, tôi nhận thấy mình chẳng trưởng thành được bao nhiêu, làm thơ chỉ như một tài lẻ, ý tứ, nội dung cứ loanh quanh lẩn quẩn. 

Thơ tôi cũng khó để đọc ngâm trong các chương trình hội diễn vì quá ngắn, mới vừa ngân lên đã hết. Không hiểu sao làm thơ dài tôi bị đuối, mới chừng hai mươi câu thôi đã thấy hết ý. Mà tôi cũng chưa bao giờ đọc một bài thơ dài của các tác giả khác, ngoài những bài phải học thuộc lòng lúc còn ở nhà trường. Thật ra thơ dài hay ngắn là do nội dung quyết định, nhưng chỉ vài câu thì không thể đọc, ngâm. 

Thơ thật kỳ lạ, khi đã thích rồi là tự nhiên thuộc lòng, trãi qua bao nhiêu năm vẫn còn thuộc. Như bài thơ “Một chiều thu trung du” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, tôi chỉ đọc qua một lần cách đây hơn hai mươi năm mà nhớ hết cho đến bây giờ. Bài thơ có bốn câu cuối vừa tượng thanh vừa tượng hình, nghe rất “đã”:

“Tôi đến trung du thu rất trong

Sông Thao nước đỏ đến xiêu lòng

Bỗng nghe ngân lảnh trong chiều biếc

Một tiếng gầu va giếng đá ong”

Hay quá phải không các bạn. Thật tài tình.

Thứ gì cũng có thể sinh rác. Thơ cũng vậy, không sao cả. Người đọc sẽ tự khắc biết chọn lựa. Sự cảm thụ là một điều gì đó rất riêng, khó thể trộn lẫn. Hàng trăm bài thơ của tôi cũng có thể chỉ là rác. Tôi sẽ cố gắng sáng tác thêm những bài mới chất hơn, hay hơn. Hy vọng trong tương lai gần sẽ có một tuyển tập thơ Sĩ Huỳnh được in không phải bằng tiền túi của tác giả. 

(03/7/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: