

Tôi cứ do dự mãi khi muốn viết bài về chú Út của vợ vì chưa có được nhiều thông tin về chú. May mắn thay, tuần vừa rồi về nhà mẹ, đang ở phòng khách chơi với bé Nhót, con của Hà, em kế vợ tôi thì nghe vợ tôi kêu:
- Chồng ơi, muốn đi thăm chú Út không?
Tôi chạy ra. Phú, em cột chèo tôi vừa nổ máy xe chở theo Tí, con trai 4 tuổi. Tôi bảo:
- Cho bé Nhót đi luôn.
Nhót cũng chạy ra, thỏ thẻ:
- Con muốn đi.
Xe chạy, trực chỉ nhà chú Út cách nhà mẹ chừng 400 mét.
Lúc tôi về ra mắt gia đình bên vợ thì bố vợ tôi đã mất gần một năm. Người thân thuộc mà tôi có thể đến chào hỏi chỉ còn chú thím. Chú là con trai út của ông bà nội nên chúng tôi thường gọi là chú Út.
Chú Út làm công nhân xây dựng các công trình nhà ở đồng thời chăm lo ruộng rẫy của gia đình. Những buổi sáng ngày thường đến nhà ít khi gặp được chú. Nhìn chú, nghĩ chú là nông dân cũng được, công nhân cũng không sai, nhưng thật ra chú đã từng đi bộ đội. Trông chú chắc, khoẻ, dáng vẻ lắm phong trần, còn phong độ như một trung niên. Chú thím có 4 người con đều đã đi làm. Mùi là con trai duy nhất. Nói đến Mùi là có cả một “sự tích”. Ông bà nội chỉ có Mùi là cháu trai đích tôn nên cưng chìu hết mực. Thuở nhỏ đi chơi với chị em của vợ tôi, Mùi kể:
- Lúc đó em chỉ cần “E” một tiếng là mấy chị em bị ông nội “chửi cho té tát”.
Vợ tôi và mấy chị em thường gọi Mùi là cậu, cũng kể:
- Dẫn cậu đi là phải cho đi hàng giữa. Đi đầu hay đi cuối cậu đều “e” lên, về mét ông nội là tụi em bị la liền.
Mấy chị em có nhiều kỷ niệm đẹp, lâu lâu nhắc lại là cười thỏa chí. Chú Út thì khác, trầm tính hơn, ít khi kể chuyện xưa. Vợ tôi bảo chú ít nói nhưng rất thương con cháu, là người thẳng tính nên có gì là dạy bảo liền chứ không để bụng.
Tôi và Phú đến thăm chú nhằm bữa cơm nên ngồi vào bàn, cùng chú “nhâm nhi” ít ly rượu chuối hột.Tôi hỏi:
- Hồi xưa chú vào Nam chung với gia đình bên vợ con phải không chú?
Hớp một ngụm rượu, chú kể:
- Đi với ông bà nội và gia đình ông Yên (bố vợ tôi). Hồi đó con Huế (vợ tôi) mới có 8 tuổi.
- Nghe kể lúc đó bị mất hết đồ đạc.
- Ừ, ngủ tại ga Huế, chia nhau thức giữ đồ. Đến ca của bà nội thì canh được một lúc, bà ngủ quên nên kẻ gian lấy hết toàn bộ tài sản mang theo. Lúc đó không ai còn tiền, chỉ có chú may mắn còn lại mười mấy ngàn.
- Trời, vậy sao đi tàu tiếp được?
- Bởi mới nói. Sau khi lo cho ông bà nội và gia đình ông Yên, chú đành đi tàu chui. Gần đến ga Bình Triệu chú nhảy tàu. Lúc đó trong người còn đúng 150 đồng.
Sau khi ổn định được cuộc sống ở Gia Canh, Định Quán rồi, chú cưới vợ. Chú kể:
- Đám cưới của chú có 7 bàn, có ban nhạc sống hẳn hoi nhé. Chú tự lo hết các thứ, không nhờ vả ai.
Tôi hỏi vui:
- Tiền “bao thơ” thu được có lời không chú?
Chú cụng ly với tôi và Phú:
- Lời gì. Thời điểm đó người ta đi đám cưới, nhiều nhất là 3000 đồng.
Vợ tôi kể, thương nhất là mự (thím). Chú nghèo vậy mà mự vẫn ưng. Chính vì vậy mà chú rất yêu thương mự để đáp lại những ân tình mự đã dành cho chú. Ông nội mất rồi, chú mự đem bà về chăm sóc. Bà cũng mất hồi năm rồi, còn 4 tuổi nữa là đủ tròn một trăm. Hiện giờ bàn thờ ông bà nội là ở nhà chú, con cháu thường đến thắp nhang.
Chú có nhiều cháu nội trong đó có bé Nhím em, con gái của Mùi, 4 tuổi, rất thông minh, dễ thương và hiền hậu. Nhớ có hôm vợ chồng tôi đến, Nhím em chào xong rồi chạy chơi, một lát vào hỏi mấy đứa khác:
- Nảy giờ có chào hai bác chưa?
Lần khác trước khi về vợ tôi nói với Nhím em:
- Chào Nhím bác về nhé. Bye bye.
Nhím em đáp lời ngay:
- Chào bác. Hẹn gặp lại ngày mai nhé.
Cưng quá!
Bố mất rồi, sáu chị em nhà vợ tôi chỉ còn chú để thương yêu, kính trọng. Chú là người sống đạo đức, có uy tín với hàng xóm và thân thuộc, đã hứa với ai điều gì thì luôn giữ lời.
Tôi nhớ hồi năm rồi chú và bác Lưu (bác họ của vợ tôi) có lần nói: “Hai đứa nên làm buổi tiệc vài ba bàn để ra mắt họ hàng thân thuộc”. Vợ chồng tôi cảm thấy lời khuyên đó quá đúng nên vừa rồi đã tổ chức buổi tiệc báo hỷ. Hôm đến nhà mời chú thím, chú nói:
- Ừ, vậy mới đúng chứ.
Đúng ra chúng tôi định làm từ 30/4 nhưng bị dịch Covid-19 nên đành hoãn lại. Bữa tiệc diễn ra thật tốt đẹp, vui vẻ. Khi cụng ly với chú tại bàn, tôi nhận ra được nét xúc động của chú hiện nơi ánh mắt.
Chú Út là người tôi kính trọng nhất, là tấm gương cho con cháu noi theo. Tôi nhớ có lần chú kể:
- Mấy đứa nhỏ thường than thở đi làm cực khổ, nhưng chúng đâu biết rằng những khổ cực đó chưa bằng được một nửa phần của chú.
(04/7/2020)
P/S: Viết bài này xong tôi mới sực nhớ hôm nay là sinh nhật của vợ tôi. Cũng hay. Tặng cô ấy mấy dòng ghi chép này cũng có ý nghĩa lắm chứ