

Hồi xưa, từ lúc năm sáu tuổi tôi đã thích đi xe đò. Mỗi lần có dịp theo ba, má hoặc các chị đi Sài Gòn là tôi hí hửng như được ai cho vàng, suốt đêm khó chợp mắt, mới 4,5 giờ sáng đã choàng dậy.
Theo nhà văn Sơn Nam: Thời đường bộ chưa phát triển, xe đến bến, khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện.
Xe đò ở Bến Tre hồi đó đậu ở ngã tư Phú Khương, gồm các hãng Á Đông, Đông Á, Ngọc Châu…lúc nào cũng đông khách. Có một thời cạnh tranh quyết liệt, hãng nọ cho hành khách khi lên xe ly cà phê sáng thì hãng kia đáp trả ngay bằng đĩa cơm tấm. Hãng nọ cho đĩa cơm tấm và khăn ướp lạnh thì hãng kia cho thêm cốc cà phê…Cuộc giành khách rồi cũng đến lúc bão hoà, mọi việc lại trở về như cũ. Thật ra hành khách không phải ham rẻ, chỉ vì tánh hiếu kỳ thôi. Thử một lần rồi cũng trở về hãng xe quen thuộc.
Nhà tôi thường đi xe của hãng Á Đông. Má tôi nói tài xế hãng này chạy kỹ. Tôi thì không quan tâm lắm, miễn có đi xe đò là được.
Trời chưa sáng má tôi đã dẫn tôi ra đường vì xe lôi đã tới. Tôi nhảy tót lên xe trước, ngồi đâu lưng lại với chú Ba. Má tôi khệ nệ hai tay hai giỏ đồ ăn nặng trĩu, chú Ba giúp má bỏ lên thùng xe. Rồi má leo lên, ngồi bên ghế nệm. Chú Ba đạp xe đi, ngã tư Phú Khương trực chỉ.
Đèn đường còn cháy, bến xe chộn rộn người đi kẻ tiễn, những người lớn trẻ em bán hàng rong tấp nập. Nào là bánh mì nóng giòn, đậu phộng rang, bắp nấu, cóc ổi, mía ghim…Tiếng chào mời liên tiếp, rôm rả. Má tôi mua vé ngồi sau lưng bác tài. Tôi cũng có một vé. Băng ghế ngồi đủ hai người. Hôm nay xe gần kín chỗ nhưng không có ghế súp. Vài người bán rong leo lên xe đi từ cửa trước đến cửa sau hay ngược lại để chào mời. Má tôi ngồi lục lọi hai giỏ hàng, lắc đầu từ chối những người bán rong mời mọc. Tôi nhớ má chẳng bao giờ mua thêm thứ gì, còn dặn tôi:
- Con đừng hỏi giá cả đồ hàng người ta bán nhé. Nó nói thách lắm. Mà hỏi rồi không mua là nó chửi.
Tôi nhìn hộp gỗ đựng những lọ dầu bôi thoa của bà bán rong, để ý những nhản hiệu xanh xanh đỏ đỏ mà thấy khoái. Nhớ lời má dặn tôi không hỏi gì. Nhưng bà ấy thấy tôi quan tâm liền mời mọc:
- Mua đi con. Dầu thơm lắm đó. Nè, để bà xức cho miếng.
Tôi quay đầu đi không nhìn nữa, nhưng bà ấy lại rút lấy chai dầu nho nhỏ đưa cho tôi. Bà nói:
- Dầu Batman nè con. Có hình thằng siêu nhân người dơi nè.
Tôi nhìn kỹ thấy đúng hình Batman, nhân vật trong phim truyền hình Mỹ mà tôi rất thích. Hình vẽ đẹp quá, đủ màu sắc. Không cưỡng lại được, tôi cầm lấy lọ dầu. Rồi tôi lại nhớ lời má dặn, trả lại cho bà ấy. Bà ta hỏi, giọng bắt đầu hơi đanh:
- Trả bao nhiêu?
Tôi lúng túng:
- Dạ thôi, con không mua.
- Không mua cũng phải trả một tiếng cho người ta bán chứ. Mới mở hàng thôi mà.
- Dạ thôi.
Bà bán rong đổi giọng chanh chua:
- Trả giá đi. Một đồng cũng được.
Tôi lắp bắp:
- Dạ, một đồng được không bà?
Bà ta hét lớn:
- Một đồng cái đầu mày á. Mẹ, sáng mở hàng gặp đồ ôn dịch gì đâu không.
Rồi bà xuống xe, tôi lấm lét nhìn theo, trống ngực đánh thình thịch. Đến lúc này má tôi mới nói:
- Thấy chưa? Má nói rồi không nghe. Nãy giờ má để coi thử con làm sao đối phó được với mụ ấy.
Từ hôm đó trở đi, tôi không bao giờ nhìn những người bán rong đến chào hàng nữa. Thấy họ đến là tôi lơ đi.
Xe chạy đến xa cảng miền Tây là điểm cuối. Má kêu tôi xuống trước rồi lại hai tay hai giỏ đồ bước xuống xe, đi thẳng đến bến xe lam.
Lên đến nhà bà dì, tôi gọi là bà Tám là em của bà ngoại tôi, chị tôi chạy ra đón chào mừng rỡ. Chị được bà Tám tôi đón từ Bến Tre lên nuôi cho ăn học. Vào nhà, bà tôi cũng ra cửa đón, thấy hai giỏ đồ ăn nặng trĩu, làm bộ trách:
- Con này lần nào lên cũng mua đồ ăn cả đống. Rồi cũng lấy lại tiền của tui hà.
Má tôi tỏ vẻ giận dỗi:
- Tui mua lên cho con cháu tui ăn chứ đâu phải cho dì đâu.
Bà tôi nén cười, giả lả:
- Thôi mang vô đi. Còn thằng Sĩ vô thăm bà cố kìa. Ngày nào cũng nói “nhớ thằng Sĩ” bắt mệt luôn hà.
Bà cố là mẹ của bà Tám, rất thương tôi vì chăm sóc tôi từ nhỏ. Tôi chạy ào vào với bà, mắt rưng rưng ngấn lệ.
Lúc về lại Bến Tre, hai má con tôi đi xích lô máy ra bến xe lam rồi ra xa cảng miền tây, mua vé xe Á Đông như thường lệ. Xa cảng miền tây náo nhiệt gấp mười lần bến xe tỉnh, người mua kẻ bán tấp nập, hành khách tới lui đông đúc. Tôi lên xe, cùng má ngồi ở vị trí cũ, sau lưng tài xế. Anh lơ xe còn trẻ, liên tục mang xách hàng hoá để trên mui, tôi thấy có cả mấy chiếc xe đạp. Xe đò 50 chỗ hôm nay không còn chỗ trống.
Lần khác, tôi lại đi với chị của tôi lên Sài Gòn. Vẫn là xe Á Đông màu đỏ sậm. Xe chạy qua phà Rạch Miễu thì tôi bị mắc toilet. Chịu đựng đến Long An thì không nổi nữa nên bảo với chị:
- Chị ơi, em mắc…quá.
Chị tôi nhìn vẻ mặt xanh như tàu lá của tôi, sợ quá nên nói lớn cho bác tài nghe:
- Bác tài ơi, coi có chỗ nào dừng chút cho em tôi đi toilet được không?
Anh lơ xe nói:
- Ra đứng ngay cửa mà đái nè.
Xe chạy vù vù, tôi đứng mãi mà không tiểu được. Thì ra xe đang lưu thông rất khó “làm chuyện ấy”. Đến xa cảng, tôi đi như chạy tới bức tường rào. Đứng một lúc mới có thể đi. Nãy giờ ráng nhịn, tôi luôn có cảm giác sắp bị “bể bọng”. Vừa khó chịu trong người, vừa sợ khiến chị tôi bối rối, nhưng cũng không biết làm gì. Đó là chuyến đi để đời của tôi trên chuyến xe đò liên tỉnh.
Về sau, khi lên Sài Gòn đi học, mỗi lần về quê tôi lại thích vô bến xe Chợ Lớn. Ở đây có nhiều chuyến xe đò về Mỹ Tho. Tôi mua vé, lên xe ngồi. Vẫn có những người phụ nữ, em bé bán hàng rong bước lên mời chào. Đậu phộng, mía ghim, bắp nấu, trái cây, bánh mì giòn còn nóng hổi. Thỉnh thoảng tôi gặp vài cô bán dầu bôi xức khiến kỷ niệm xưa ùa về. Xe đến bến Mỹ Tho thì dừng, tôi xuống đi xích lô, xe lôi hoặc xe ôm xuống bến phà Rạch Miễu. Qua đến Bến Tre, tôi lại đón xe đò về thị xã.
(15/5/2020)







