

Đời ai chẳng một lần đặt chân vào bệnh viện, để khám bệnh hay đi thăm người thân. Thời nay bệnh viện mọc lên nhiều nhưng dường như vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Các “nhà thương” lớn thường xuyên quá tải, ở Sài Gòn có thể kể các nơi như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Ung bướu, bệnh viện Nhi đồng…Khi kể chuyện đi khám bệnh người ta thường hay lắc đầu ngao ngán. Đúng là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
Bước vào tuổi trung niên tôi đã mắc phải hai căn bệnh mãn tính: Huyết áp cao và tiểu đường. Đi làm phim ở vùng này tỉnh nọ, nhất là các tỉnh phía Nam, trong công tác ngoại giao, ly rượu là đầu câu chuyện nên tôi cũng phải tập tành “chén anh chén chú”. Tửu lượng tôi ngày càng nâng cao, khả dĩ giao tiếp được ngay cả lúc quá chén. Ở đoàn phim tôi có nhiều “chiến hữu”, từ anh đạo diễn, anh quay phim cho đến anh kỹ thuật hình. Quay xong lúc mấy giờ không cần biết, chúng tôi thường kéo nhau ra quán nhậu, tâm sự tỉ tê. Rượu đế Xuân Thạnh ở Trà Vinh, Vĩnh Long màu vàng nhạt, khoảng 60 độ, thuộc loại nặng đô, có thể dùng ngâm các vị thuốc như đế Gò Đen. Rượu đế Lấp Vò trắng như nước dừa, lạt, uống đầy bụng còn chưa xỉn. Rượu cần của người dân tộc uống bằng cần hút, uống no, say đầm và chậm…Tôi đã uống qua nhiều loại rượu, thưởng thức đầy đủ hương vị đặc trưng của mỗi thứ và với một người thần kinh không mấy vững vàng như tôi, bị cao huyết áp là chuyện không sớm thì muộn. Một hôm tôi thấy nhức đầu, uống thuốc không bớt nên đi bác sĩ. Kết quả là 14/9. Bác sĩ hỏi:
- Chế độ ăn uống của anh thế nào? Có ăn mặn và thức ăn nhiều dầu mỡ không?
- Dạ cũng có.
- Có “nhậu” không?
- Dạ…
- Bỏ nhậu đi nhé, anh bị tăng huyết áp độ 1 rồi đó.
Tôi được cái rất nghe lời bác sĩ, bỏ nhậu trong 30 giây. Nhưng đã là mãn tính nên tăng huyết áp không bao giờ dứt. Tiểu đường cũng thế. Mười mấy năm nay tôi đều đi tái khám, uống thuốc thường xuyên, mong được “chung sống hòa bình” với bệnh.
Trãi qua nhiều lần khám, trị bệnh ở nhiều bệnh viện khác nhau, cuối cùng tôi chọn bệnh viện Đại học y dược ở quận 5. Như hôm nay, hiện giờ tôi vừa khám xong, đang chờ mua thuốc. Ở đây tuy cũng khá đông bệnh nhân nhưng chưa bao giờ thấy quá tải. Nhớ hồi bệnh viện mới mở, tôi đưa má tôi vào cắt trĩ, khi ấy còn thưa vắng khách khám, ở căn tin có bán cơm trưa. Món ngon nhất mà tôi được ăn là canh rau tần ô nấu với thịt bằm. Chừng như đó là tô canh tuyệt vời mà từ đó về sau tôi chưa từng được thưởng thức lại lần thứ hai. Mà chẳng lẽ thèm quá lại vào đó ăn, ha ha. Bệnh trĩ của má chỉ trị một lần duy nhất đó, mười mấy năm sau cho đến ngày má mất cũng không tái lại.
Vài năm sau đó, ở khu khám B của bệnh viện Đại học y dược có căn tin bán ăn uống sáng trưa chiều. Các món ăn rặt khẩu vị miền Tây khiến tôi thích thú, mỗi lần vào khám đều tranh thủ xơi cơm trưa.
Nói về bệnh viện mà chỉ toàn kể chuyện ăn uống nghe cũng hơi trái tai. Nhưng thật ra đó cũng là một yếu tố để đánh giá cung cách phục vụ, thái độ tôn trọng bệnh nhân của những người lãnh đạo “nhà thương” (chứ không phải “nhà ghét”).
Đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Đại học y dược đa số là những người trẻ, nhưng ai cũng ít nhất tốt nghiệp thạc sĩ, cung cách khám, trị bệnh rất hiện đại. Họ làm việc, tiếp xúc với bệnh nhân rất nhẹ nhàng, kỹ tính, không hề qua loa như tôi có nhiều dịp trông thấy ở vài nơi khám khác. Phương tiện, máy móc hiện đại, cập nhật thường xuyên. Hình như tôi là bệnh nhân thuộc lớp đầu tiên chụp cộng hưởng từ MRI bằng thiết bị mới nhập về còn thơm mùi máy.
Lần đó tôi bị sụt giảm Kali trầm trọng, gấp quá phải nhập viện…tim bên quận 7. Sau 5 ngày điều trị, thấy tiền viện cao quá nên xin chuyển qua bệnh viên Đại học y dược. Bệnh viện ấy ghi “Chuyển viện vì lý do tài chánh” khiến mấy bác sĩ bên đây cười, đùa vui: - Viện phí bên này cũng cao lắm nghen chú.
Thời điểm ấy tiền phòng loại trung bình của bệnh viện Đại học y dược chỉ có 250k/ngày.
Rồi bệnh viện xây thêm bên khu A, rộng hơn, khang trang hơn. Khách khám bệnh tăng lên rất nhanh, có khá đông bệnh nhân từ các tỉnh. Tôi vẫn thường xuyên tái khám, bệnh có khi trồi khi sụt do cách ăn uống và do tuổi tác, nhưng về lâu dài là ổn định.
Sáng nay search tìm kiếm Google, bắt gặp mẩu tin sau:
“Ngày 26/02/2021, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được vinh danh tại Lễ trao giải Thành tựu y khoa Việt Nam 2020 cho thành tựu phẫu thuật tim nội soi, ít xâm lấn”.
Hiện bệnh viên Đại học y dược được xếp trong Top 10 bệnh viện lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các bác sĩ, y tá, điều dưỡng… và những người đang công tác trong ngành y, đặc biệt là bệnh viện Đại học y dược Thành phố Hồ chí Minh. Chúc mọi người luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thật nhiều thành công với sự nghiệp cứu người cao cả.
(Viết trong bệnh viện Đại học Y Dược sáng ngày 27/2/2021)
