Ghi chép 

Tôi bán báo

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Lúc tôi đang học lớp đệ thất (lớp 6) trường trung học bán công Tân Dân hay lớp đệ lục gì đó, ngày nào cũng ra sạp báo để đọc ké, có khi cũng mua một tờ nhật báo, tuần báo hay bán nguyệt san nếu thấy đăng bài của mình. Báo thời đó rất phong phú, đâu như trên dưới 40 đầu nhật báo, vài chục tờ tuần báo, nguyệt san. Lúc ấy nhật báo phát hành buổi chiều, xe thơ về đến Bến Tre mang theo báo mới giao các đại lý, khoảng 3,4 giờ chiều đã tới. 

Đó là năm 1968 hay 1969 tôi quên mất, tiệm bánh mì của ba má tôi lại có thêm “sạp” báo. Nói là sạp cho vui vậy thôi chứ thật ra chỉ là một giá gỗ để máng lên những tờ nhật báo. Ban đầu, ba má để giá gỗ phía trước tiệm, bên hông sạp bánh mì, sau thấy bất tiện quá nên để sang phía lề bên kia đường vô chợ, bên ngoài nhà thuốc tây Hùng Vương, gần hai xe nước mía của dì Bảy và dì Út. 

Chiều, báo từ Sài Gòn về, người ta giao từng cuộn tròn theo từng tên báo, thả lộp bộp xuống bên hông tiệm. Ba tôi ôm đem qua lề trống trước cửa tiệm thuốc tây, mở từng cuộn báo, trãi ra trên nền gạch bông, ngồi xếp. Chị Hoa- chị hai của tôi cũng có mặt để phụ ba tôi một tay. Chị xếp báo thật rành rọt, nhanh lẹ. Dù bàn tay phải đã bị cưa mất do nhà bị phe quốc gia bắn pháo rơi nhầm, nhưng rất may chị lại thuận tay trái nên công việc khá suôn sẽ. Tôi cũng hụ hợ cho có. Từng cuộn báo mở ra, mùi giấy mới cộng hưởng với mùi mực in typo tỏa lên một hương thơm quyến rũ. Lâu ngày tôi đâm ghiền mùi ấy. 

Các xấp báo được máng lên giá, nổi bật lên các tựa đỏ đỏ xanh xanh như: Chính Luận, Tia Sáng, Đuốc Nhà Nam, Trắng Đen, Tin Điển, Đồng Nai, Tiếng Nói Dân Tộc, Da Vàng, Bút Thép…Nhiều người đến mua báo rất sớm, ba tôi bán không ngừng tay. Mỗi loại nhật báo ba má tôi chỉ lấy khoảng mươi tờ, bán đến trưa hôm sau là hết. 

Tôi ngồi trong tiệm bánh mì hai mặt tiền, ngó qua trông chừng giá để báo. Có khách đến mua là tôi chạy qua. Ba tôi thấy tôi bán được nên cũng yên tâm lo bán bánh mì. Tôi học buổi sáng nên chiều rảnh, thích ra tiệm chơi. 

Rảnh rảnh, ít khách mua, tôi lại rút một tờ báo ra đọc. Tôi khoái nhất là báo có phụ bản truyện tranh “Con quỷ truyền kiếp”, càng ngày càng hấp dẫn, hình như đó là tờ Trắng Đen. Hết “Con quỷ truyền kiếp” là “Con quỷ một giò” xem vẫn lôi cuốn. Tờ phụ bản kèm theo báo, gồm 2 trang, giá vẫn không đổi. 

Tôi cũng thích báo nào có mục thiếu nhi, thiếu niên thường được ghi đề mục là Tuổi Hồng, Vườn Hồng, Tuổi Xanh…và nhất là báo nào có mục Thơ. Tôi thường viết bài cộng tác với vài tờ nhật báo, tuần báo Thằng Bờm, Hoạ Mi, Thiếu Nhi…Thời đó, được đăng bài đã là một hạnh phúc, nên dù không có nhuận bút tôi vẫn sáng tác “hăng say”. Tôi còn sáng tác cả thơ “người lớn” nữa. 

Lúc phụ ba xếp báo tôi đã để ý mấy tờ mà tôi có gởi bài. Lâu lâu thấy bài được đăng, lòng tôi bồi hồi, vui mừng khôn tả. Có lẽ nếu để ý, ba tôi sẽ rất ngạc nhiên khi thấy thằng con mình bỗng dưng linh hoạt, sôi nổi hẳn lên. Nhưng có một điều mà tôi không hiểu được mình, đó là chưa bao giờ tôi lấy tờ báo đăng bài ấy, mà lại âm thầm đi mua nó ở một sạp báo khác, thường là sạp ở bờ sông cầu Cái Cối. Có lẽ tôi sợ ba má bị “lỗ” chăng?

Đúng là chợ búa, trăm người bán vạn người mua. Tôi thấy có nhiều sạp báo lắm mà chỗ tôi vẫn bán được. Như tiệm Lạc Long, cũng bán bánh mì như ba má tôi kiêm thêm bán báo. Như sạp báo phía tiệm xe đạp Tân Lạc Thành, kế bên nhà thuốc tây Hùng Vương. Sạp báo bên kia đường, phía trước đình An Hội. Và vài sạp báo trong nhà lồng chợ nữa. 

Có chú Năm hành nghề đạp xe lôi, thấy tôi bán báo hay chọc ghẹo:

  • Cho mượn tờ coi chơi được hông?

Tôi bối rối:

  • Dạ, chú hỏi má con thử coi.

Chú Năm cười khà khà:

  • Giỡn thôi chứ chú đâu có biết chữ.

Thương chú Năm quá. Tôi là khách quen của chú từ thời học lớp ba trường tiểu học cộng đồng Phan Thanh Giản. Má tôi kêu chú mỗi ngày đến nhà đưa đón anh em tôi đi học. Nhà tôi nằm trong con hẻm rộng, khúc giữa chùa Viên Giác và chùa Ông. Trường thì nằm ngoài chợ thị xã. Mỗi lần đến nhà là chú kêu lên, giọng khàn khàn nhưng chắc khoẻ

  • Sĩ, Thành ơi…

Chúng tôi ôm cặp chạy ra, nhảy tót lên xe. Chú vừa đạp đi vừa nói:

  • Đi học buổi trưa cực quá hả con?

Tôi cười hi hi:

  • Dạ, cũng đâu có gì cực đâu. Vui mà.
  • Thằng này ham học nè. Ha ha.

Chỗ nhà tôi ở có hai lối đi ra chợ. Từ hẻm ra, quẹo phải là đi đường chợ Mới, qua cầu Cái Cá. Quẹo trái là đi chợ Ngã Năm qua cầu Nhà Thương. Chú Năm chọn quẹo phải, có lẽ là đoạn đường ngắn hơn. 

Lên năm lớp nhì tôi lên Sài Gòn, học trường Nam Tỉnh Lỵ ở Gia Định. Đến lớp nhất, vì thi Đệ Thất rớt nên tôi “quê” mặt với bạn bè, trở về quê. Chú Năm vẫn còn hành nghề nhưng chúng tôi học gần nhà nên đi bộ. 

Nghe chú Năm nói không biết chữ, tôi chạnh lòng nói:

  • Chú muốn biết tin tức gì để con đọc chú nghe.

Chú Năm cười khà khà:

  • Cám ơn con trai. Nhưng chú có cái radio ấp chiến lược, nghe tin tức được rồi. 

Chợt chú Năm rút lấy một tờ báo đem lên mũi ngửi, cười cười chép miệng:

  • Ghiền cái mùi báo mới này ghê.

À, thì ra chú Năm cũng giống tôi, khoái ngửi mùi giấy mới. 

Rồi cũng đến lúc “sạp báo” ấy bị “dẹp tiệm” vì ba má tôi thấy bán báo kiểu đó cũng không lời được bao nhiêu tiền. Tiệm bánh mì Lạc Long sát đường lộ chính vẫn tiếp tục bán báo, giá để báo to hơn giá của ba má, đặt theo chiều ngang, xe người ngược xuôi đều trông thấy. Mùi giấy mới, mùi mực in của những tờ nhật báo ấy theo thời gian trôi vào quên lãng. 

Hết bán báo, tôi vẫn ra tiệm chơi. Sáng đi bộ ra chợ, ghé má lấy ổ bánh mì thịt rồi vừa ăn vừa trở lại trường Tân Dân đi học. Chiều lại ra quán tiếp, ngồi lục mấy chồng báo cũ má mua để gói bánh mì ra xem. Cũ người mới ta, tôi đọc hoài không thấy chán. Tôi nghiệm ra một điều và cảm thấy ba má thôi không bán báo nữa là đúng. Đó là: Làm gì cũng phải chuyên nghiệp. Bán báo “chơi chơi” như ba má tôi, nghỉ sớm cho khỏe. 

(14/5/2020)

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: