Ghi chép 

Nhớ ba

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Chiếc radio pickup đó không biết đã theo ba tôi từ lúc nào. Cả chiếc thùng loa mono nữa. Tôi nhắm mắt lại, mường tượng ra khung cảnh ngôi nhà xưa cũ, ba ngồi trên chiếc ghế dựa, tựa tay vào cái bàn gỗ trên đặt chiếc pickup, bật vặn đài. Một bản nhạc Hoa ngân vang, âm thanh bỗng trầm thanh thoát. 

Ba tôi là người Hoa, sang Việt Nam từ thập niên 50, trôi dạt vào xứ dừa Bến Tre. Đầu tiên ba làm tài phú cho một hãng xà bông, tức là người quản lý tiền bạc, sổ sách. Được vài năm, ba mở được mấy chành gạo. Lúc ấy má tôi còn đang đi học “lậu” ở trường Tây. Nói học lậu vì thời đó phụ nữ không được đi học. Má có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp, quen toàn bạn trai giàu có. Má lại có dung nhan xinh đẹp nên được nhiều chàng trai để mắt. Một bữa kia ba đi ngang nhà thờ, sau lễ người ra về tấp nập, chợt ba bắt gặp một cô gái với dáng dấp nhỏ xinh, khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa quyến rũ. Không cầm lòng được ba vội đi theo, về đến tận nhà. Cô gái đó chính là má tôi.

Ba tôi tìm cách làm quen với bà ngoại tôi. Bà tôi thấy ba khá giả nên cũng thích, hay tạo điều kiện để ba má gặp nhau. Ba thì nói tiếng Việt chưa rành, may là má rất bặt thiệp nên cũng có chuyện để nói. Mới có mấy tháng ba tôi đã xin hỏi cưới. Bà ngoại tôi đồng ý ngay. Còn má cũng phải chịu vì thời đó hôn nhân là do cha mẹ quyết định, con cái không được có ý kiến. 

Ba tôi sang Việt Nam, lúc đầu còn thư từ qua lại với gia đình, về sau mọi liên lạc bị đứt quãng. Chúng tôi lớn lên hoàn toàn không biết bên nội là ai. Có một điều mà anh chị em tôi ai cũng muốn biết, đó là lý do ba không cho chúng tôi học tiếng Hoa. Đến lúc chúng tôi đã trưởng thành, định hỏi ba thì người đã đi xa, mãi không về nữa. 

Ba thương con cái hơn bất cứ người cha nào, ngay chuyện là mắng còn không có chứ đừng nói đến roi vọt. Tôi nhớ mãi chuyện đứa em gái thứ mười, ba ký tên học bạ thấy điểm số các môn đều dưới trung bình nên giận quá, bẻ đôi cọng lá dừa phết cho một cái. Tất nhiên là không đau đớn gì. Nhưng đứa em lại ức quá nên khóc như mưa. Ba ra ngồi hàng ba hút thuốc, má tôi ra gọi vào ăn cơm, thấy ba buồn buồn nên hỏi:

  • Có chuyện gì mà mình buồn vậy?

Ba đáp, không nhìn lên:

  • Nào giờ không đánh con, nay mới đánh một cái mà nó khóc quá nên tôi thấy buồn. 

Nhỏ em rình nghe được, cảm động quá, từ đó học khá dần lên. 

Ba má có tiệm bánh mì ngoài chợ thị xã, mấy mươi năm nuôi bầy con ăn học. Đến một ngày má thấy ba đã yếu nên bảo ba ở nhà nghỉ ngơi, má và đứa em tôi đi bán. Tôi nhớ, hôm nào bán ế là má gởi bánh mì còn dư lại cho nhà kế bên. Về nhà, ba hỏi:

  • Bữa nay bán được không mình?
  • Bán đắt lắm. Hết bánh mì rồi đó.

Rồi cũng đến lúc má bán hết nổi, để lại tiệm cho nhỏ em. Nhà sống bằng tiền lời ít oi của tiệm bánh mì, tiền lương khiêm tốn của hai đứa em gái đi làm Nhà nước và tiền chị tôi ở nước ngoài gởi về. Ba ở nhà giữ cháu, má lo chuyện nội trợ. 

Tôi để ý và biết đến chiếc radio pickup của ba từ năm 5 tuổi. Năm đó má tôi mới sinh cho chúng tôi đứa em trai, còn chưa đặt tên. Ba đang ngồi nghe đài, tắt đi và gọi chị em tôi lại hỏi:

  • Tụi con muốn đặt tên em bé là gì?

Tôi vừa chơi trước sân nhà, nghe đứa này gọi đứa kia là Hưng nên đợi mấy chị tôi có ý kiến xong thì nói:

  • Đặt tên Hưng đi ba.

Ba tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:

  • Rồi, tên Hưng nghe cũng hay. Lưu Hiệp Hưng. Lấy tên này đi. 

Ba lại mở radio lên, bật qua công tắc rà đài. Tôi thấy radio có bốn nút vặn nằm hai bên hông máy. Khi có giọng nói phát ra loa, tôi đến gần dán mắt tìm vì nghĩ có người ngồi trong đó nói. Nhưng tất nhiên là không thấy ai rồi. Lớn lên, mỗi khi nhớ tôi lại tự cười sự ngây ngô của mình. 

Có thể nói cả cuộc đời ba tôi đều dành hết cho gia đình. Ở nhà chợ Mới, bạn hàng xóm của ba chỉ có Chú bánh men, cũng người Hoa. Dọn đi nơi khác ba không còn bạn bè, suốt ngày chỉ biết có vợ con và công việc. Nhiều lúc thấy ba ngồi hút thuốc, trầm ngâm tư lự tôi không biết ba đang nghĩ gì, nhưng chắc không còn nhớ về quê hương xứ sở. Ba đã trở thành một người Việt hoàn hảo. 

(21/6/2020)

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: