Viết tiếp về “biết điều”

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Có một câu nói vui nhưng cũng khiến ta suy nghĩ: “Cái gì cũng biết, chỉ không biết điều”.
Biết điều là biết phân biệt phải trái, biết đối xử đúng mực. Người biết điều thể hiện sự hiểu người, hiểu mình, biết chuyện gì nên làm, chuyện gì không, biết quan tâm người khác, sống không lợi dụng ai.
Hồi học trường Kinh tế, tôi có thằng bạn có một bộ đồ mặc cả tuần. Chắc hẳn là do nhà nó nghèo, thôi cũng được đi. Nhưng khi đi công tác, cả nhóm ở nhà dân, có bạn kia mua nải chuối về để trên bàn định lát sau thắp nhang bàn thờ, vậy mà hắn “đành đoạn” bẻ ăn trước. Sau khi ra trường, hắn đến nhà một người bạn khác ăn dần nằm dề cả tháng. Người bạn ấy chịu hết nỗi nhưng không dám nói, lại giới thiệu cho hắn đến nhà tôi. Tối hôm đó hắn đến ngay lúc tôi đang cho con ăn. Tôi giao việc ấy lại cho vợ và dặn:
▪︎ Em đút cho con xong thì ăn trước đi nhé. Để anh “chiến đấu” với thằng bạn này.
Tôi ngồi tiếp chuyện hắn từ chuyện xưa đến chuyện nay, từ 6 giờ rưỡi chiều đến 9 giờ tối, nghe bụng hắn thường xuyên kêu “rột rột” vì đói. Tôi cũng đói nhưng ráng chịu đựng, thử xem hắn ngồi tới mấy giờ. Sở dĩ tôi làm thế vì đã nghe mấy người bạn kể chuyện hắn ăn bám người bạn kia cả tháng. Đến hơn 9 giờ, dường như hết chịu nỗi, hắn hỏi:
▪︎ Ủa, nhà ông ăn cơm tối mấy giờ vậy?
Tôi cười, giả bộ ngạc nhiên:
▪︎ Ông hỏi gì? Ạ, ăn tối ấy hả? Nhà tôi ăn sớm lắm, 6 giờ là ăn rồi.
Vẻ thất vọng hiện rõ trên gương mặt hắn. Tôi biết, ăn tối chỉ là bước đầu. Hắn sẽ tìm cách ở lại nhà tôi những ngày tiếp theo. Có lẽ người bạn kia muốn “dụ” hắn đi nên giới thiệu tôi như một người bạn giàu có. Cuối cùng thì hắn cũng phải đành ra về với cái bụng đói. Thật ra tánh tôi cũng cả nể lắm nhưng với những người sống kiểu lợi dụng, không biết điều như người bạn ấy thì “thà chịu khổ chứ không chịu lỗ”, thà “thi nhịn ăn” với hắn còn hơn phải mời hắn bữa cơm.
Có lẽ các bạn sẽ cho rằng chuyện người bạn ấy là cá biệt. Vâng, đúng là có đặc biệt hơn một chút, nhưng tôi nghĩ trong cuộc sống của chúng ta, những trường hợp như vậy không phải là hiếm.
Em cột chèo tôi có tiệm sửa xe ở Định quán. Tôi chứng kiến có vài người lớn đến nhờ bơm xe xong rồi bỏ đi, không một tiếng cám ơn. Đó là những người lợi dụng sự quen thân, lúc đầu em tôi không lấy tiền, thế là những lần sau họ cứ “liên tục phát triển”. Các bé học sinh cũng thế, em tôi chỉ bơm dùm, lâu ngày mấy đứa cho đó là “bổn phận”, đem xe tới kêu “Bơm xe”, xong rồi chạy đi, không có một nụ cười, một tiếng cám ơn. Em tôi bảo: “Thấy ghét quá. Bắt đầu từ ngày mai lấy tiền hết, không có miễn phí nữa”.
Biết điều còn do sự giáo dục của gia đình.
Hồi tôi còn ở chung cư, có anh bạn nhà đầy đủ các dụng cụ gia đình, hàng xóm thường sang mượn. Có vài người mượn xong không trả, định giữ làm của riêng khiến anh phải đi đòi. Nhiều khi anh quên không nhớ đã cho ai mượn, thế là mất luôn món đồ. Vấn đề là đối với những người xấu tính như thế, đừng hòng nghe được tiếng cám ơn từ cửa miệng của họ. Tôi có thằng bạn cũng thế, mượn cái tua-vít xong giữ luôn, vài năm sau phụ dọn nhà với hắn, thấy cây tua-vít trong ngăn tủ, nhìn là biết của mình, tôi bảo:
▪︎ Ủa, cái tua-vít này của tôi mà.
Hắn nói gọn lỏn:
▪︎ Ừ, lấy đi.
Chị bạn của tôi làm nghề mua bán tạp hóa trong chợ, thu nhập có khá hơn ba đứa em nên thường gánh vác phần lớn chi tiêu ăn uống trong gia đình. Ba đứa em làm công nhân, hai người đã lập gia đình, lương cũng tạm đủ sống. Đứa em út thỉnh thoảng có hùn tiền đi chợ, còn hai đứa kia lâu lắm mới thấy góp một, hai trăm. Chị bạn luôn cố gắng gồng gánh, thỉnh thoảng chỉ biết tâm sự với tôi. Nhưng lạ một điều là chị không nói về chuyện tiền bạc mà chỉ than thở:
▪︎ Bực mình mấy đứa em quá.
▪︎ Gì nữa?
▪︎ Ăn uống bữa nào cũng chê khen đủ điều.
▪︎ Trời, ăn chùa mà còn chê hả?
▪︎ Mình bảo “Ai chê thì thử nấu ăn đi”. Thế là im ru hết. Thú thật, mình luôn mong có một lời khen mà chưa bao giờ nghe được.
Tội nghiệp, “bao thầu” hết mà không than trách gì, chỉ đơn giản muốn nghe một lời khen tặng.
Còn biết bao nhiêu câu chuyện “không biết điều” của người thân, bạn bè, hàng xóm…mà ta đã từng gặp. Cuối cùng ta chỉ biết than thở với ai đó và tự hứa không để “mắc sai lầm” lần thứ hai, hoặc đành lòng “sống chung với lũ”.
Biết điều là một thứ văn hóa cần phải học hỏi, không thể tự nhiên mà có. Biết điều không phải là một đức tính bẩm sinh mà cần được dạy bảo, giáo dục từ thuở còn thơ bé.

(09/5/2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: