

Năm đó tôi vừa qua một cuộc phẫu thuật, nằm tịnh dưỡng ở nhà đứa em. Giám đốc công ty quảng cáo cho tôi “chỉ đạo từ xa” đoàn phim. Một tháng có khoảng 3, 4 show, mỗi show quay từ một đến 3 ngày. Thường thì tôi lo toàn bộ các giấy phép, đi tìm bối cảnh cùng trợ lý. Các công việc khác như dẫn đạo diễn, quay phim và ánh sáng đi xem bối cảnh, tổ chức đoàn đi quay, đưa đón diễn viên…do giám đốc sản xuất lo. Tôi có mặt ở hiện trường chỉ để quan hệ với người chủ cho thuê địa điểm quay và các vấn đề phát sinh khác.
Trước đó, qua trung gian người giới thiệu, tôi quen với anh N là chủ cơ sở sản xuất thức ăn cho cá. Anh N nhờ tôi làm dùm một mẩu phim quảng cáo hoạt hình 30 giây để phát sóng trên ti vi. Tôi có anh bạn là họa sĩ, chủ một khách sạn mini nằm trên đường Đề Thám và có tiệm bán tranh gần đó. Tôi hỏi ý anh và được anh vui vẻ nhận lời thực hiện mẩu phim. Về thời gian, anh N không ra kỳ hạn mà chỉ nói “càng sớm càng tốt” nên cũng dễ cho chúng tôi. Mẩu quảng cáo lần đó thành công, anh N hẹn sẽ gặp tôi lần nữa.
Lúc tôi ở bệnh viện về nhà đứa em, chưa được một tuần thì anh N hẹn gặp. Chuyện vãn với nhau hồi lâu anh N rủ uống cà phê. Tôi thấy cũng hơi khỏe trong người nên xuống lầu cùng anh đến quán. Em tôi ở lầu 4, nhà có 2 phòng, thuộc một chung cư tuy cũ kỷ nhưng còn kiên cố. Tôi đi chậm xuống cầu thang khiến anh N thắc mắc:
▪︎ Sao anh đi chậm quá vậy?
Tôi không muốn cho anh biết mình vừa phẫu thuật nên nói trớ đi:
▪︎ Mắt tôi cận nặng lắm, đi chậm cho chắc ăn.
Anh N cười thông cảm:
▪︎ À, vậy hả.
Chúng tôi vô quán gần chợ Hòa Bình, anh N vào đề ngay:
▪︎ Tôi muốn làm một mẩu quảng cáo nữa có nhiều nhân vật hơn.
▪︎ Cũng 30 giây hả anh?
▪︎ Ừ. Nhưng lần này hơi gấp. Anh thấy 10 ngày giao hàng được không?
▪︎ 10 ngày thì quá gấp.
▪︎ Ráng đi. Tôi lỡ đăng ký lịch phát sóng với đài rồi. Tôi định đưa mẩu cũ nhưng vừa mới trúng một cái hợp đồng nên quyết định làm mẩu mới luôn.
▪︎ Để tôi bàn lại với anh bạn họa sĩ đã nhé. Chiều nay trả lời anh.
▪︎ Lần này anh sáng tác kịch bản cho tôi luôn nhé?
▪︎ Tôi?
▪︎ Ừ. Tôi có xem mấy mẩu quảng cáo mì Vifon và nước tăng lực của anh thấy cũng hay.
▪︎ Sao anh biết đó là kịch bản của tôi?
▪︎ Ủa không phải sao? Anh là “nhà làm phim” mà. Tôi có xem trang web nhalamphim.com của anh nữa đó.
▪︎ Anh nói đúng, mấy mẩu đó, kịch bản do tôi viết. Nhưng thường tôi chỉ làm công cho người ta. Lâu lâu mới có được show riêng của mình.
▪︎ Vậy kỳ này anh viết dùm tôi nhé. Thường khoảng bao lâu? Tôi chỉ có 10 ngày thôi đó.
▪︎ Chỉ một đêm là xong. Có hứng thì chỉ nửa buổi.
Vậy là tôi nhận show của anh N. Anh bạn họa sĩ của tôi là người hiền hậu, tế nhị nhưng rất chủ quan. Tôi cảnh giác:
▪︎ Được thì nói, không thì để tôi hồi lại người ta nhé ông.
Anh bạn cười, chắc nịch:
▪︎ Được mà, yên tâm đi.
Nhưng rồi ban ngày anh bạn cứ lo buôn bán kinh doanh, đến sau 8 giờ tối mới ngồi vào bàn phác thảo nhân vật. Tôi lo quá, đêm nào cũng ráng mò đến tiệm của anh để đốc thúc. Nhân vật như tôi viết gồm có vợ chồng anh nông dân, 2 đứa con nhỏ và 3 người hàng xóm. Đến xem anh bạn vẽ, thấy anh cứ chăm chút cho con chó mà tự anh chế thêm, tôi sốt ruột:
▪︎ Con chó ở đâu ra vậy chài. Lo nhân vật chính đi ông ơi.
▪︎ Ở nhà quê phải có chó chứ. Ông xem nè, dễ thương không?
▪︎ Tôi viết kịch bản mất một ngày rồi, còn có 9 ngày thôi đó. Ông cứ lo con chó hoài đi.
▪︎ Ok, ok. Đêm nay sẽ phác thảo hết các nhân vật.
▪︎ Ông thức nguyên đêm hả?
▪︎ Bình thường. Tôi chuyên sáng tác vào ban đêm mà.
Đêm sau tôi đến, thấy anh họa sĩ đang gò lưng trên trang giấy, lòng chợt cảm thấy bất nhẫn. Tôi hỏi:
▪︎ Ông ăn gì không tôi mua?
▪︎ Tôi vừa ăn xong tô cơm chiên của vợ. No quá.
▪︎ Chài, ăn trễ vậy?
▪︎ Bữa nào chả thế, quen rồi.
Tôi nhìn hai nhân vật chính trên trang vẽ, thấy đúng là nông dân chính hiệu. Nhưng tôi thấy hình như thiếu thiếu một thứ gì. Anh bạn như đoán được ý nghĩ của tôi:
▪︎ Còn cái khăn rằn quấn cổ nữa là xong.
À thì ra vậy. Nghề của anh, tôi khó có ý kiến gì thêm.
Gần đến ngày giao hàng, anh N điện hỏi thăm. Tôi hơi bối rối:
▪︎ Chắc kịp mà, anh đừng lo.
Đêm đến tôi lại mò ra tiệm tranh, thấy anh bạn họa sĩ đang gục đầu trên bàn giống như ngủ gục. Tôi gọi:
▪︎ Buồn ngủ quá hả anh?
Anh bạn ngẩng lên, vươn vai:
▪︎ Tôi bị cảm, người khó chịu quá.
Tôi động lòng trắc ẩn:
▪︎ Mệt thôi nghỉ một bữa đi.
▪︎ Đâu có được. Sợ không kịp. Nay mới thấy 10 ngày là quá eo hẹp, phải nửa tháng mới hy vọng.
▪︎ Bởi vậy. Tính chủ quan của ông vẫn chưa chịu bỏ.
▪︎ Nhưng mà yên tâm đi. Cố lên một chút là được.
Anh lại vẽ tiếp, thêm các hình cho đủ động tác, còn lại phần mềm máy tính sẽ hỗ trợ. Cái ao nhà dường như chưa giống lắm, tôi có ý kiến thì anh đáp:
▪︎ Cho màu mè vô là giống ngay chứ gì.
▪︎ Còn con chó đâu?
▪︎ Chịu có con chó rồi hả? Ha ha. Nó nằm bên tờ giấy kia kìa.
Đêm cuối cùng, tôi ra nhận hàng, anh bạn lại đi đâu không mở cửa tiệm. Tôi sốt ruột gọi điện thì anh không bắt máy. Chuyện gì đây? Đúng ra tôi phải liên lạc trước với anh. Lần này tôi mới là người chủ quan. Tôi đi dọc theo dãy phố. Các tiệm tranh vẫn mở cửa, hình như đến 9 giờ tối. Đường phố đông đúc, náo nhiệt. Lên tới ngã tư, quẹo phải là khu phố Tây Bùi Viện, quẹo trái ra chợ Bến Thành. Sài Gòn về đêm lung linh những ánh đèn màu quảng cáo.
Tôi trở lại tiệm tranh của anh bạn họa sĩ. Anh đã về tới, vừa thấy tôi đã nở nụ cười cầu tài, hai tay chấp lại xá xá:
▪︎ Sorry, sorry…
▪︎ Đi đâu giờ mới về vậy ông?
▪︎ Đi ăn cưới. Khổ lắm, đám cưới người thân thuộc, không đi không được. À, chắc anh có gọi điện cho tôi phải không? Hồi chiều gấp quá bỏ quên điện thoại ở nhà.
▪︎ Xong hết chưa ông?
▪︎ Hôm qua làm tới nửa đêm bị treo máy.
▪︎ Chết mồ. Rồi sao?
▪︎ Sáng ra kêu thợ tới sửa, trưa ráng làm đến chiều là xong. Vô coi nè.
Anh bạn mở máy lên. Hoạt cảnh hiện ra thật vui nhộn, hình ảnh bắt mắt, nhưng màu sắc không được tươi. Anh bạn vẫn như có tâm ý tương thông với tôi, bảo:
▪︎ Máy cũ nên màu hơi tái. Tôi thử với laptop rồi, đẹp lắm.
Tôi yên tâm, định rút điện thoại ra gọi cho anh N thì anh bạn lại tiếp:
▪︎ Mẩu này chỉ có nhạc và phụ đề thật uổng quá. Phải chi có lời thoại thì number one.
▪︎ Anh chọn nhạc cũng hay đó, phù hợp với bối cảnh đồng quê.
Sáng hôm sau tôi giao hàng cho anh N. Vì có chuyện gấp nên anh chỉ lấy mấy đĩa phim rồi đi, nói với lại:
▪︎ Anh xem dùm là được rồi.
Thời làm phim quảng cáo kiểu “đánh lẻ” như của tôi chỉ tồn tại được vài năm. Sau này có nhiều công ty mọc ra, lớn nhỏ đều có, cạnh tranh ráo riết. Khách hàng ngày càng khó tính, có người còn đòi xem cả phòng hậu kỳ, tức là phòng thu thanh, phòng dựng. Có một mẩu phim quảng cáo ông trưởng phòng marketing người Nhật yêu cầu tôi dẫn đi xem “công ty” của tôi, xem phòng hậu kỳ. May mắn lúc ấy tôi đang cộng tác làm phim ngắn cho công ty nọ nên đưa ông ấy đến “giám sát”. Biết chuyện, anh giám đốc công ty đề nghị tôi làm hậu kỳ ở đấy luôn, lấy giá cực rẻ.
Nhớ lại thời làm phim quảng cáo thật vui, nhất là các show riêng, ê kíp toàn bộ do tôi chọn, kịch bản tôi viết, làm khoảng nửa tháng là có thể giao hàng. Nào là quảng cáo mì ăn liền, nước suối đóng chai, nào là nước tăng lực, gạch men, thuốc chống dị ứng…Có khi đối tác không thuê chúng tôi làm phim mà đòi mua kịch bản, tôi bán luôn, kiếm ít triệu dẫn anh em đi nhậu. Lần cuối cùng tôi viết kịch bản cho một công ty xi măng, họ hứa hẹn ký hợp đồng làm phim nhưng chờ mãi không thấy. Một bữa kia thằng đệ báo cho tôi một tin sét đánh:
▪︎ Kịch bản quảng cáo xi măng anh kể với em, tối hôm qua thấy phát sóng rồi đó.
Tôi điếng người. Thì ra họ “ăn cắp” kịch bản của tôi rồi nhờ nhóm khác làm. Nhưng cũng đành chịu thôi vì tôi đâu có đăng ký bản quyền. Tôi chán đời quá, từ đó bỏ luôn không thèm viết nữa.
(09/4/2021)