

Truyện cười là những mẩu chuyện kể ngăn ngắn, có kết cấu chặt chẻ, kết thúc bất ngờ làm người nghe bật ra tiếng cười sảng khoái hoặc ý nhị.
Nhớ hồi đó tôi có sáng tác ra một số truyện cười đăng trên tuần báo Họa Mi và Thằng Bờm, được các tập truyện tranh sao chép, in lại trên những chỗ trống của truyện. Lúc đầu tôi không để ý vì ít xem truyện tranh, sau nhờ thằng bạn nói mới biết. Có điều an ủi là truyện nào cũng có ghi tên tôi.
Theo chỗ tôi biết, các truyện cười đăng trên báo thường là sao chép lẫn nhau, kể cả các truyện cười của nước ngoài. Một kho tàng mênh mông như vậy có đăng hoài cũng không hết, vì chắc rằng ngày nào cũng được bổ sung thêm mới.
Thời niên thiếu qua đi, tôi không còn “đặt” truyện cười nữa nhưng vẫn thích đọc trên sách báo và tiếp cận nhiều hơn với truyện cười nước ngoài. Đặc điểm của truyện cười nước ngoài là chỉ tạo ra những nụ cười nhẹ nhàng, ý nhị chứ không phải cười phá lên như một số truyện cười Việt. Chính vì lẽ đó trong các buổi tiệc tùng, họp mặt, người ta ít kể các mẩu chuyện nước ngoài. Mọi người ai cũng thích ồn ào sôi động nên cần những câu chuyện đặc thù, “rặt” Việt Nam. Truyện của ta hay ở chỗ kể xong ai cũng hiểu, chứ không phải hỏi lại “Vậy là sao?”. Hiểu rồi thì cười phá lên, ôm bụng mà cười.
Tôi cũng có khiếu kể chuyện tiếu lâm. Trong các buổi họp mặt, nhất là các buổi nhậu, tôi thường trở thành nhân vật nổi bật chuyên kể chuyện cười. Sếp tôi mỗi khi nhậu, đến lúc chán rồi lại điện gọi tôi ra để “thay đổi không khí”.
Tôi nhớ một câu chuyện có thể gọi là “cười ra nước mắt”. Hồi học lớp nhất (lớp 5 bây giờ) tôi có gửi truyện cười đăng tuần báo Văn nghệ Tiền Phong. Thường mỗi tuần báo sẽ chọn ra chuyện hay nhất để gửi báo biếu. Nhưng số báo đăng bài tôi là số đặc biệt nên tất cả các tác giả có truyện đăng đều được tặng. Thấy được đăng bài tôi đã vui rồi nên dù không thấy thông báo của tòa soạn tôi cũng không quan tâm, chỉ thấy ở cuối trang có một góc báo bị cắt. Cả tháng sau nghe bà chị nói tôi mới biết. Thì ra lúc đó chị giận tôi chuyện gì đó nên cắt mất phần thông báo.
Trên mạng internet, chỉ cần gõ từ khóa “truyện cười” sẽ ra kết quả hàng trăm trang web đăng vô số những mẩu truyện cười từ xưa tới nay, từ Đông sang Tây, từ Việt Nam ra thế giới. Tất nhiên sẽ có nhiều trùng lắp.Trang tapbut.com của tôi cũng có phụ trang vui cười vuivui.tapbut.com góp nhặt, sao chép một số truyện, so với các website khác thì còn quá mỏng.
Không biết ở nước ngoài có không, chứ ở Việt Nam có một mảng truyện cười chỉ có thể kể bằng lời, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ viết. Các mẩu chuyện này khi kể xong thường tạo sự “bùng nổ” những tiếng cười giòn tan, hể hả. Tôi cũng muốn kể vài chuyện cười kiểu đó nhưng đành chịu, không biết viết như thế nào đây.
Về đề tài Truyện Cười tôi có một suy nghĩ: Bây giờ nếu báo chí có ra cuộc thi sáng tác truyện cười thì khâu kiểm duyệt, chọn bài có lẽ sẽ bất khả thi, không thể biết truyện nào mới sáng tác, chuyện nào là sao chép.
Truyện cười cốt để giải trí hoặc phê phán, tất nhiên do người nào đó sáng tác ra, nhưng ngay sau đó đã hòa vào kho truyện dân gian, trở thành tài sản chung của nhân loại. Có nghĩa là truyện cười không có tác giả.
(30/4/2021)