Miền thương nhớ

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

“Trả lại em yêu khung trời đại học

Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát

Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhoà”

(Trả lại em yêu  – nhạc Phạm Duy)

Đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) quả đúng là “Cây dài bóng mát”, tại số 17 là cổng trường Luật khoa đại học đường Sài Gòn trước 1975. Năm 1973, sinh viên năm thứ nhất trường luật có khoảng 24 ngàn người. Trường lớp tất nhiên không đủ chỗ nên sinh viên tản ra ngoài ôm cua (cours – giáo trình) để học. 

Năm thứ nhất tôi thích học môn Cổ luật và Dân luật của thầy Vũ Văn Mẫu, môn Bang giao quốc tế của thầy Tăng Kim Đông. Lúc thi, ba môn này tôi được điểm tối đa, góp phần đưa tôi lên học tiếp năm thứ hai. Lúc đó sinh viên rớt lộp độp, từ hai mươi mấy ngàn còn lại hai ngàn mấy. 

Đại học luật khoa Sài Gòn và đại học Văn khoa là hai trường cho ghi danh, không phải thi tuyển nên số lượng sinh viên rất đông. Nhưng từ năm thứ nhất lên năm thứ hai là cả một quá trình sàng lọc nghiệt ngã. Các năm thứ ba và thứ tư càng khó khăn gấp bội. Chẳng hạn như năm 1970, số sinh viên ghi danh học năm thứ nhất ban cử nhân là 13.000, thì bốn năm sau (1974) số sinh viên tốt nghiệp chỉ còn 715 người (khoảng 5,5%).

Hồi đó tôi đi học, chỉ biết học và học thôi chứ không biết ngồi cà phê cà pháo. Tôi chỉ thích xem phim rạp giải trí, thường là các phim quyền cước chiếu trong mấy rạp ở quận 5. Phong trào phim quyền cước chỉ rộ lên khi có sự xuất hiện của tài tử Lý tiểu Long với các bộ phim kinh điển như Đường Sơn Đại Huynh, Tinh Võ Môn, Mãnh Long Quá Giang…Các diễn viên HongKong khác cũng ăn theo, nhất là sau khi Lý tiểu Long qua đời bí ẩn. Nào là Vương Vũ, Trần Tinh. Nào là Địch Long, Khương Đại Vệ…

Tôi đi học trường Luật có thể nói là sinh viên siêng năng nhất, ngày nào cũng cặp sách đến lớp. Đa số sinh viên thường ngồi nhà ôm giáo trình để học. Khi ra đề thi, có giáo viên cắc cớ cho vài câu “giảng thêm” trong lớp. Thường những bài giảng ngoài sách vở này rất hay, rất thực tế, ai không đến lớp được là cả một sự thiệt thòi. 

Ngày đó đi học, sinh viên chỉ tốn tiền mua sách từ đầu năm, ngoài ra không phải đóng học phí hay lệ phí gì cả. Học bao nhiêu môn là có bao nhiêu quyển sách, có môn đến những hai quyển. Khi giảng bài, có thầy giảng rất sinh động. Lại có thầy khi vào giảng đường là cứ lật sách ra đọc một mạch hết bài. Sinh viên ngồi dưới cứ ghi ghi chép chép, thường phải viết tắt mới kịp. Những bài ghi chép đó rất đáng giá, về sau lúc làm bài thi bổ sung vào sẽ được điểm cao. 

Giờ ngồi đây nghe lại bài hát Trả Lại Em Yêu mà lòng chợt bâng khuâng thương về ngôi trường cũ. 

“Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó

Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ

Đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ

Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về”

Đúng là mình đã ra đi, vai nặng hành trang, đem nỗi yêu thương vào miền thương nhớ. 

(07/10/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: