Ghi chép 

Ký ức tuổi hai mươi

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Tháng 4 năm 1975 tôi ở Chợ Lớn, trong một con hẻm ngắn nhưng cũng có tên đường. Bước ra ngoài là Trường trung học y tế, bệnh viện Chợ Rẫy, nhà máy bia, sân vận động Cộng Hòa (sau này là sân Thống Nhất)…Sáng ngày 1 tháng 5, từng đoàn xe chở bộ đội di chuyển trên đường Trần Hoàng Quân (tên cũ của đường Nguyễn Chí Thanh). Một số bà con đứng hai bên đường phất cờ Mặt trận giải phóng miền Nam chào đón.
Tôi, chàng thanh niên 20 tuổi chỉ biết chăm lo học hành, không để ý gì đến chiến cuộc. Tôi chỉ loáng thoáng biết qua tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh. Tôi cũng biết bác Hồ, nhân vụ kỳ nữ Kim Cương khóc ngày bác mất. Đó là một sự kiện quan trọng vì một nghệ sĩ miền Nam nổi tiếng lại “dám khóc” cho sự ra đi của lãnh tụ tối cao của Cộng Sản.
Miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
“Thủ đô” Sài Gòn vẫn bình yên nhưng đường phố bẩn hơn, nhiều rác rưỡi với những chiếc xe quân đội nằm chỏng chơ, những căn biệt thự bị đám người hôi của phá rào, cạy cửa. Người ta ra đường ít hơn. Vài quán ăn bình dân vẫn mở bán. Tôi đạp xe một vòng qua các đường phố, cảm nhận một điều gì đó thật lớn lao đang dần thay đổi.
Tôi học trường Luật khoa nhưng không có bạn bè. Với hơn 20 ngàn sinh viên, năm thứ nhất có hơn ngàn người tập trung học trong Hội trường xổ số kiến thiết, chen chúc, giành chỗ ngồi mỗi ngày để nghe giáo viên giảng bài. Tôi cũng “bom chen” đi sớm từ 5 giờ sáng để xí chỗ nên không bao giờ được vị trí ngồi cố định. Năm thứ hai tôi học tại trụ sở chính của trường, số 17 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch). Lúc này, sinh viên tốt nghiệp năm thứ nhất chỉ còn hai ngàn mấy. Sau ngày 30/4, trường tạm nghỉ để sắp xếp.
Rồi mọi việc cũng được ổn định. Ủy ban quân quản Sài Gòn- Gia Định đã duy trì an ninh trật tự một cách tốt đẹp. Những chuyện như “Việt cộng sẽ rút móng của quý cô quý bà để móng tay dài” hóa ra chỉ là đồn thổi. Cuộc sống đã thật sự có một bước ngoặt lớn, lật qua một trang mới mẻ.
Từ ngày ở quê lên Sài Gòn để học đại học, tôi ít đi đâu, chỉ lẩn quẩn trong khu phố, đi những con đường quen thuộc đến lớp, thỉnh thoảng ra nhà sách đường Lê Lợi, xem phim ở các rạp quận 5. Tôi hoàn toàn không rành đường xá Sài Gòn. Nếu bỏ tôi ở ngã tư Bảy Hiền chẳng hạn, thì có lẽ tôi sẽ chật vật lắm mới về được nhà. Hồi học năm thứ nhất Luật khoa, có anh bạn ngồi kế bên trong “rạp” tặng tôi một vé mời xem ca nhạc, tôi hỏi liền:
▪︎ Mình hẹn nhau ở đâu?
Người bạn tỏ ý hơi ngạc nhiên:
▪︎ Không. Vé này tôi mời bạn. Bạn có thể đi với một người nữa.
Tôi về nhà, xem lại tấm vé thấy địa chỉ nằm ở con đường lạ hoắc lạ huơ nên…cất làm kỷ niệm.
Sau giải phóng tôi đi nhiều hơn, biết được Ngã Bảy, Hàng Xanh, Lăng Ông, Phú Nhuận…Tôi đi bằng chiếc xe máy Cady, nhỏ gọn giống như chiếc xe đạp điện bây giờ. Chiếc xe dù đã cũ nhưng thật bền, chưa bao giờ phải sửa chữa.
Xe mì xào chỗ gần bệnh viện Chợ Rẫy đã bán lại (hoặc trước đó ông đậu ở đâu mà tôi không thấy). Ở gần Ngã Sáu xuất hiện xe bán khoai mì, chuối nấu vào buổi sáng. Mấy chỗ này luôn đông người mua, trong đó có tôi là khách hàng quen thuộc. Mấy sạp báo thì mở lại từ rất sớm, nhưng nhật báo lúc này lại phát hành vào buổi sáng chứ không phải buổi chiều như trước. Tôi thích mua báo, trước tiên là để…ngửi mùi giấy mới.
Sau giải phóng, rảnh mấy tháng không biết làm gì nên tôi về quê. Tin tức về trường Luật khoa cũng chưa thấy có gì mới. Sài Gòn đã nhộn nhịp trở lại. Tôi cảm thấy mình “già” hơn, biết được nhiều chuyện hơn, nhất là biết tên các vị lãnh đạo của chính quyền mới. Sài Gòn sau ngày 30/4 với tôi chỉ có thế và kỷ niệm đọng lại cũng ít oi. Qua năm 1976 tôi mới tập trung đi học lại. Trường Luật khoa bấy giờ đã đổi thành trường Đại học Kinh tế.

(28/4/2021)

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: