Đường quê

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Từ ủy ban xã đi vào, qua nghĩa trang- đất Thánh, qua cánh rừng, đi tiếp là giáp ranh tỉnh Bình thuận. Trở ra, qua Nhà thờ, chợ, bệnh viện là đến quốc lộ 20, rẽ trái về Sài Gòn, rẽ phải đi Phương lâm, Bảo lộc, Đà lạt.
Đoạn đường ra quốc lộ 20 khoảng 4 km, nhà cửa san sát, hàng quán, chợ búa đông đúc vào buổi sáng. Nào là quán cà phê, tiệm tạp hóa, tiệm tóc, nào là quán ăn, tiệm sửa xe, trường học…Đường nhỏ nhưng hai chiều, xe lớn ra vào được, sắp tới sẽ cắt vào hai bên lề để nới rộng làm đường quốc lộ.
Buổi sáng tôi đi bộ từ nhà ra quán cà phê gần ủy ban xã. Quán khá rộng, bày bàn ghế ra sân nhưng khách hơi thưa vắng. Cà phê ngon. Lâu lâu mấy anh em cột chèo chúng tôi lại ra quán ngồi nhâm nhi, tâm sự. Thường thì mỗi tuần tôi về chơi, cứ 6 giờ sáng là ra tiệm sửa xe của đứa em cột chèo thứ hai để uống trà. Từ nhà ra tiệm đâu chừng 300 mét.
Hôm kia tôi ra tiệm thấy chưa mở cửa nên đi tiếp, vô quán cà phê. Quán vắng vẻ chỉ có mình tôi. Tôi sợ mở hàng bằng ly cà phê đen quán không hài lòng nên gọi ly cà phê sữa đá. Cô chủ nhỏ nhắn với nụ cười trên môi, mang cà phê ra và hỏi:
▪︎ Chú ở gần đây hả?
Tôi chỉ tay:
▪︎ Nhà chú trong hẻm đàng kia.
▪︎ Chắc chú không phải người ở đây.
▪︎ Chú ở Sài Gòn về chơi.
▪︎ Dạ.
Có ba người khách vào. Tôi tự hào vì mình mở hàng đắt. Thường là vậy. Người buôn bán nào cũng đều tin vào chuyện mở hàng, sáng sớm gặp người nặng vía, chờ hoài không có khách thì “đốt phong long” để xua đi cái ám khí xui xẻo.
Một chị bán vé số đến mời, tôi mua ủng hộ ba tấm. Tôi mua cho vui thôi chứ chưa hề nghĩ sẽ trúng. Lần gần đây nhất tôi trúng an ủi 6 triệu, nhưng lúc dò, xớn xa xớn xác thế nào lại tưởng trật, định vất đi. May mà kịp so lại. Vùng này có nhiều người bán vé số, nhưng chỉ vào sáng sớm, sau 7 giờ không còn thấy ai.
Tôi ra trễ nên Nhà thờ đã làm lễ xong, mọi người đã ra về hết, chứ nếu không con đường này sẽ rất đông xe đạp, xe máy và người đi bộ trong những chiếc áo dài đủ màu sắc, những bộ áo trắng quần tây lịch sự. Nhà thờ ở đây có quy định rất hay, muốn vào thánh đường phải ăn mặc chỉnh chu, nghiêm túc, còn không thì ngồi phía bên ngoài. Tôi đi Nhà thờ ở Sài Gòn, thấy con chiên vận những trang phục rất tự do, có người mặc cả đồ bộ vào giáo đường, mất cả vẻ uy nghi của nơi hành lễ.
Ở vùng này ăn sáng chẳng có món gì ngon, chỉ được tiệm bún bò, phở mà tôi hay gọi là phở Linh vì chị chủ tên Linh. Thịt bò tươi, giò heo mềm rục, nước lèo ngọt thơm không bỏ đường, bán đến hơn 8 giờ là nghỉ. Chiều, tiệm bán lòng heo luộc cũng chỉ một loáng là hết nhẵn.
Tự dưng tôi nhớ xe bán chè tàu hủ trước cổng bệnh viện. Chỉ có 10 ngàn một ly mà “thơm ngon đến giọt cuối cùng”. Thật vậy, miếng tàu hủ múc lên dai chứ không bở như mấy chỗ bán khác, nước cốt dừa beo béo thơm thơm, vị đường ngọt thanh, lát gừng cay nhẹ. Tôi ăn được hai lần lúc đi thăm bệnh và đâm ghiền, nhưng mới đây đi ngang lại không thấy bán.
Tiệm hớt tóc gần Nhà thờ thường đông khách, muốn gì phải điện hẹn trước. Tiệm có hai căn, bên tóc nam, bên tóc nữ. Tôi hớt nhuộm, chủ tính 150k, trong khi ở Sài Gòn là 350k. Ở đây có mấy người thợ, ai cũng giỏi do anh chủ dạy tận tâm, làm được một thời gian thấy vững tay nghề thì ra mở tiệm.
Người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông, trồng lúa, làm rẫy, cây ăn trái, trồng điều, bắp, đậu, rau xanh, nuôi cá, nuôi gà vịt, nuôi heo…Năm nay giá hạt điều (đào lộn hột) có vẻ phục hồi so với năm vừa qua đã giảm xuống mức thấp. Lâu lắm mới được ăn đào lộn hột , vừa rồi nhỏ em mang ở đâu về bỏ ra một rổ, tôi làm mấy trái, vị ngọt chát, nhiều nước rất ngon, lạ miệng.
Tôi về đây ít khi đi về hướng chợ, nơi sầm uất duy nhất của vùng thôn xóm, chỉ ở nhà chơi với mấy đứa cháu. Đến 3 giờ sáng thứ hai mới lội bộ ra đường chờ xe đến rước về Sài Gòn. Xe chạy ra quốc lộ trên con đường quê vắng lặng. Những ngọn đèn đường sáng rỡ thức tiễn đưa tôi.

(07/4/2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: