Ghi chép 

Thành – em trai tôi

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Giờ ngồi nhớ lại mà không thể nhớ nổi, năm đó là năm nào. Ý tôi muốn nói năm đó đi quay phim ở Đà Lạt, xe đến Tùng Nghĩa, Đức Trọng là tôi xuống để vào thăm đứa em trai kế tôi (tôi thứ 7, nó thứ 8). Nó tên Thành, dạy học ở tỉnh Lâm Đồng cũng đã hơn 5 năm. Hình như đó là năm 1994 thì phải.

Thành ở chung với người bạn trong căn nhà nhỏ nằm trong khuôn viên trường. Bước vào phòng đã thấy trên chiếc bàn buy-rô to bày biện toàn là máy móc, phụ tùng điện tử và một chiếc ti vi đang sửa. Cách vài năm trước Thành nghỉ hè, về Sài Gòn học lớp sửa chữa đồ điện tử gia dụng. Lâu nay vừa dạy học, Thành vừa làm thêm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập và đã trở thành người thợ giỏi nhất nhì xã Tùng Nghĩa. 

Tôi ở chơi với Thành một đêm, sáng hôm sau hai anh em ăn điểm tâm và cà phê tán dóc ngoài chợ xong tôi bắt xe lên với đoàn phim. Thành nói đang xin chuyển về Sài Gòn vì đã công tác 5 năm miền núi. Tôi nghe cũng mừng vì thấy Thành sống ở đây cực quá. 

Rồi Thành cũng chuyển được về văn phòng bộ giáo dục nằm ở quận 1, được bố trí cho ở một căn hộ tập thể của cơ quan. Lúc đó Thành đã cưới vợ nên đưa vợ về theo. Cuộc sống mới, khó khăn mới chứ không lạc quan như tôi từng nghĩ. Hình như làm được hai năm thì Thành xin nghỉ, ra làm nghề tự do, sửa chữa đồ điện tử ở khu Huỳnh Thúc Kháng. Vợ chồng Thành thuê một căn hộ trên lầu 5 của chung cư Nguyễn Trãi. 

Lúc đó phong trào mua ti vi nội địa của Nhật (hệ NTSC) về chuyển qua hệ PAL đang rộ lên. Thợ chuyển hệ làm hoài không hết việc. Thành được người ta thuê, làm đầu tắt mặt tối, kiếm được một số tiền để mua lại căn hộ đang thuê. Vì mua giấy tay nên giá rẻ. Đây là nơi vợ chồng Thành trú ngụ lâu nhất, cho đến lúc đứa con trưởng thành. 

Có một năm tôi không có phim đi, ngày nào cũng chạy qua Thành chơi. Lúc đó Thành vừa nhận thầu công trình làm điện cho nhà Chú Hoả, tức Bảo tàng mỹ thuật. Thành kêu tôi phụ. Cả một khu nhà mà chỉ có hai người thợ làm điện. Hàng ngày tôi đến, cà phê ăn sáng với Thành xong là bắt tay vô việc. Công việc là đi lại toàn bộ đường dây điện, lắp đặt đèn chùm trong các phòng trưng bày. Đến giờ nhớ lại tôi còn thấy phục hai anh em tôi. Dàn đèn chùm rất nặng, vậy mà không biết tại sao chúng tôi lại lắp được. 

Năm sau Thành có dịp làm cho một thương nhân người Hoa, chuyên mua bán linh kiện điện tử. Lúc ấy ông mang qua Việt Nam mấy ngàn chiếc radio cassette mini không xài được do bị lỗi lặt vặt, như đứt dây loa, sút dây cu-roa, hư volume hoặc mất bánh xe vặn công tắc. Thành mua về hết, sửa lại đem bỏ mối sỉ cho các tiệm. Còn lại bao nhiêu Thành kêu tôi đem bán lẻ ở các chợ đầu mối. Cả một tháng trời, tôi mang mớ radio cassette ấy đi bán ở chợ Tân Bình, chợ Quang Trung, mấy tiệm đường Huỳnh Thúc Kháng, mấy xe bán lẻ hàng điện tử trên đường Hùng Vương…Vậy mà tôi đã bán hết 1000 cái. Tiền lời thu được Thành cho tôi hết, bảo tôi lắp điện thoại bàn để tiện việc làm ăn. 

Sau đó Thành truyền cho tôi nghề làm bo (board) mạch điện tử, cụ thể là bo tăng công suất âm thanh. Tôi đặt tên là bo Sơn Ca. Thành vẽ mạch kêu tôi đem giao cho cơ sở làm mạch in, đồng thời in luôn nhãn. Tôi nhận hàng, những chiếc mạch in có diện tích bằng gói thuốc lá, mua linh kiện gồm tụ điện, điện trở và IC về lắp, hàn rồi test. Xong tôi đem ép một vĩ 10 cái bo, bỏ mối trong chợ Nhật Tảo. Các mối ấy cũng do Thành giới thiệu.

Về sau Thành chỉ tôi làm thêm bo stereo âm thanh nổi. Tôi phải mướn thêm một thằng thợ nữa vì một mình làm không kịp. Lúc tôi có phim đi làm, giao lại hết cho người thợ ấy, chỉ còn công việc đi ép vĩ và bỏ mối. 

Thành làm cho ông thương gia người Hoa, mua lại được nhiều món hàng điện tử của ông với giá hời, đem về bán lại giá cao. Thành gọi thằng em thứ 11 tên Hưng lên, đưa đồ cho về Bến Tre bán. Hưng cũng rất lanh lợi, kiếm được nhiều tiền qua mấy “thương vụ” ấy. Đây là giai đoạn Thành kiếm tiền dễ nhất, nhanh nhất và nhiều nhất. Đời sống khá hơn là Thành nghĩ đến anh em, muốn chia sẽ với họ. Tiếc rằng thời gian ấy của Thành không nhiều và không kéo dài lâu hơn. Thành lại phải cực nhọc bắt đầu lại. Dường như ông trời luôn bất công với Thành khi công sức bỏ ra vô hạn mà thành quả gặt được lại có hạn, nên Thành chưa bao giờ giàu được. 

Về sau, Thành sang nhượng lại tiệm điện tử Minh Sài Gòn trên đường Nam kỳ Khởi nghĩa, gần Huỳnh thúc Kháng, kêu tôi “hùn”. Tôi cũng chẳng có tiền nên mượn của người bạn ba cây vàng đưa cho Thành làm vốn. Tiệm chuyên bán linh kiện điện tử và sửa chữa. Thành thuê về 3,4 người thợ để dạy nghề. Hàng hoá nhập về toàn được gối đầu, đến kỳ mà kg có tiền trả thì tôi lại mượn tạm của bạn tôi, trả lại trong tuần. 

Cứ mỗi sáng sớm, đúng 6 giờ là tôi có mặt ở tiệm để dọn hàng ra, bày biện, treo móc đồ lên. 10 giờ thì hai vợ chồng Thành mới ra tới. Thật ra buổi sáng rất vắng khách, tầm 10 giờ trở đi mới đông. Chúng tôi bán cũng được lắm. Khâu sửa chữa cũng khá, người ta còn gọi đến nhà nữa. Cuộc sống của Thành đỡ dần lên. 

Rồi tôi lại đi phim, giao hết mọi việc cho Thành. Thương em, tôi không hề đòi rút vốn, mà âm thầm chịu món nợ ba cây vàng, về sau chuyển thành vay trả lãi. Lúc ngân hàng Á châu vào công ty tôi vay được 10 triệu, mua vàng trả cho bạn, mỗi tháng chỉ phải đóng cho ngân hàng ba trăm mấy chục ngàn. 

Thành làm chủ tiệm Minh Sài Gòn được mấy năm thì ông bà chủ nhà không cho thuê mặt bằng nữa, dự định bán luôn căn nhà. Lúc đó phong trào sửa chữa đồ điện tử cũng chững lại nên linh kiện bán chậm. Vì vậy Thành đành nghỉ bán, lui về nhà tìm việc khác. Sau đó Thành tìm được mối tiêu thụ adaptor dành cho đàn piano, rồi cung cấp dịch vụ âm thanh cho các tỉnh phía Bắc. Thành rất lanh lợi, xong việc này chớp ngay việc khác. Nghề quấn adaptor Thành theo rất lâu, chuyên bỏ mối sỉ. 

Số phận Thành tính ra cũng rất long đong, phải cày hoài mới kiếm sống được chứ chưa bao giờ được nhàn nhã. Má tôi thường nói: “Thằng Thành tuổi thân con khỉ ăn bần. Khổ lắm”. Trong mấy đứa con, ba tôi cưng Thành nhất, vì lúc má tôi sinh ra Thành, ba ở nhà giữ con, không thuê người giúp việc. 

Giờ đây tuổi đã hơn sáu mươi rồi, tưởng rằng sẽ hưởng phúc bên con cháu nhưng không, Thành vẫn còn lo chuyện mua bán. Niềm vui duy nhất của Thành chính là chơi với hai thằng cháu nội. Tụi nó cũng quấn quít bên người ông của mình còn hơn bố chúng. Nhìn Thành, tôi không thể nào quên được, đó chính là người thợ sửa chữa ti vi giỏi nhất ở chợ Huỳnh thúc Kháng năm xưa.

(11/5/2020)

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: