

Đến bây giờ sau bao nhiêu năm bươn chãi kiếm sống, tôi nhận ra vấn đề tìm công việc làm thêm để cải thiện thu nhập cũng không quá khó. Tôi còn đúc kết được 2 điều quan trọng sau đây:
* Việc nào cũng có thể “phù hợp” với khả năng của mình nếu mình trì chí, siêng năng và “khoái” việc.
* Luôn tìm kiếm, gìn giữ và phát triển những mối quan hệ bạn bè thân thiết.
PHỤ VIỆC CÔNG TRÌNH TRANG TRÍ NỘI THẤT
Năm đó, đâu khoảng 1990-1991 tôi không có phim để làm, không được ăn cơm của đoàn, không phụ cấp làm phim. Lúc ấy đứa con thứ hai của tôi còn mới hơn hai tuổi. Chỉ với đồng lương chan chát của hãng phim chúng tôi sống khá chật vật.
Một hôm anh bạn tôi hỏi:
– Ê, mày đi làm trang trí nội thất với tao không?
Tôi đáp không ngần ngừ:
– Làm. Mà…tao làm gì?
– Em rể tao làm thầu xây dựng. Để mai tao hỏi nó xem mày làm được gì rồi báo mày nhé.
Tôi còn nhớ căn nhà mà em rể bạn tôi nhận lo nội thất nằm trong con hẽm rộng trên đường Cách Mạng Tháng 8. Công việc tôi được giao là cạo vôi trần nhà, cạo sơn cửa. Lương của tôi là 20 ngàn/ ngày, cứ đến thứ bảy cuối tuần là lãnh. Cà phê và cơm trưa được chủ thầu bao. Chủ thầu trẻ hơn tôi 5 tuổi, tánh tình dễ thương hiền hậu. Thấy người chỉ biết cầm bút cầm viết như tôi giờ vì cuộc sống phải đi làm lao động chân tay nên rất quý. Đúng ra lương ngày của thợ phổ thông không có tay nghề như tôi chỉ có 15 ngàn thôi, nhưng tôi được ưu tiên nhận 20 ngàn với lời dặn dò kỹ lưỡng “đừng nói ai biết kẻo mấy đứa thợ khác ganh tỵ”.
Tôi lấy cái quần tây cũ bỏ vào túi xách, mang đi làm mỗi ngày, đến nơi thay ra để làm việc, chiều mặc lại đi về nên bạn bè, hàng xóm không ai biết. Thời đó dân đi phim như tôi nếu không có phim để làm thì cứ nghỉ xả láng, không phải chấm công gì cả.
Thú thật lúc vào làm “thợ cạo” tôi chỉ tập trung miết để làm không để ý mấy người thợ khác làm gì luôn. Chủ thầu thấy tôi siêng quá mức nên cứ thỉnh thoảng vào phòng kêu tôi xuống nghỉ giải lao, trò chuyện, hút thuốc. Tôi ngồi trên thang cao, cạo vôi trần nhà cho thợ khác quét vôi mới. Cả ngày tôi cứ bê thang đi khắp phòng, quên cả thế giới bên ngoài, quên giờ giấc. Chú em chủ thầu nhiều lúc kêu mà tôi không xuống, cứ trả lời “để anh làm mảng này cho xong đã” thì giả bộ bực mình nói “anh không nghỉ chút lấy sức là em không trả lương đâu đó”. Tôi cười hà hà leo xuống đón lấy điếu thuốc mời đốt hút. Hai anh em tâm tình đủ chuyện mà chủ yếu là chuyện…làm phim.
Xong việc trần nhà, tôi qua cạo sơn cửa và đánh giấy nhám cho sạch, bóng để sơn lại mới. Mấy ngày này tôi bị con trai ông chủ nhà để ý và mét lại ba mình là tôi cạo ẩu, sơn xấu. Chủ thầu gặp riêng tôi bảo:
– Em mới cự chủ nhà vì ổng nghe lời thằng con ổng mét anh làm ẩu, đòi rút luôn không làm tiếp nữa. Em nói “ông tin tưởng mướn tôi thì để tôi làm, xong công đoạn nào thì nghiệm thu công đoạn đó. Chứ đang làm mà nói này nói nọ thì khó làm lắm”. Ổng hoảng, xin lỗi em.
Tôi hiểu chú em chủ thầu vì bênh vực tôi nên mới làm vậy, nhưng tôi cũng chẳng biết nói gì, chỉ mĩm cười gượng gạo. Chủ thầu vỗ vai tôi, ghé miệng thì thầm: “Anh nhớ là khi đánh lại bằng giấy nhám nhuyễn thì cẩn thận quan sát, làm cho kỹ vào nhé”. Tôi nói “Cám ơn” bằng xúc cảm tự đáy lòng. Một cảm giác được an ủi cho nỗi tủi thân dâng trào khiến mắt tôi như nhoà lệ. Giờ đây viết những dòng này tôi lại muốn cám ơn em lần nữa, em chủ thầu yêu quý của tôi. Và tôi cũng muốn nói lời cám ơn chân thành anh bạn họa sĩ thiết kế của tôi, anh rễ của chủ thầu, người đã giới thiệu việc làm thêm ấy cho tôi trong giai đoạn khó khăn của cuộc sống.
Những tưởng tôi đi làm công việc lao động chân tay như vậy chắc không ai biết, ai dè một bữa kia anh bạn làm chung hãng phim nói khẽ với tôi trong lúc cà phê sáng: “Hôm bữa anh thấy em trên đường CMT8, gọi mà em không nghe nên chạy theo. Nhờ vậy anh mới phát hiện ra em đi làm phụ hồ. Yên tâm đi, anh không nói với ai đâu”. Tôi định nói “Anh cứ nói đi, không sao đâu” nhưng lại thôi, chỉ mĩm cười im lặng. Dù tánh tôi khá khiêm tốn, không chuộng vẻ hình thức bên ngoài, nhưng nghe anh bạn tôi dùng từ “phát hiện” không hiểu sao tôi nghe nóng bừng hai bên mang tai, một biểu hiện của sự mắc cỡ.
Sau công trình đó, chủ thầu đi làm xa nên tôi không theo được. Nhà tôi neo đơn lắm, chỉ có hai vợ chồng và hai thằng con nhỏ, đứa học tiểu học, đứa đi nhà trẻ. Vợ tôi cũng khá giỏi giang, chăm lo gia đình thật chu tất. Thật ra tôi đi làm xa cũng được, cũng giống như lúc trước thường đi quay ở tỉnh này tỉnh nọ. Nhưng thương vợ cực khổ nên tôi cố tìm việc làm thêm khác gần nhà.
LÀM CÒ ĐẬU, CÒ BAY HÒN NON BỘ
Tôi ở khu tập thể của hãng phim, một căn phòng 30m vuông ở lầu 3. Có anh bạn lớn tuổi ở lầu 2 chuyên làm những thứ đồ nho nhỏ trang trí hòn non bộ như: tiên đánh cờ, ông già câu cá, con hổ, con cò đậu, cò bay…Anh làm thủ công thật khéo tay, thật đẹp nên bỏ mối đắt lắm, làm không kịp giao hàng. Một hôm anh hỏi:
– Mày muốn làm nghề giống tao không?
Tôi cười:
– Sao tôi làm được?!
Anh bạn nghiêm túc:
– Để tao chỉ mày làm, dễ lắm, nhưng phải khoái mới được.
– Tôi chỉ khoái tiền thôi.
– Thì khoái việc đi rồi tiền sẽ đến sau.
Tôi đồng ý và đòi làm liền. Anh bạn kéo tôi lên nhà, dạy tôi làm con cò đậu. Vật liệu chỉ là dầu hắc nấu nóng chảy, dây đồng, sơn trắng. Tôi mượn tạm cái nồi nhỏ và ít vật tư của anh để đem lên nhà làm. Hôm đó là chúa nhật, nhà tôi đông đủ hết. Tôi ngồi nắn con cò, hơ lửa bằng ngọn đèn dầu để sửa đi sửa lại. Làm cả nửa tiếng vẫn chưa thấy giống. Đến một lúc vợ tôi ra xem thấy “được được” mới kêu thằng con lớn đem xuống cho bác Chính- tên anh bạn tôi- coi và góp ý. Thằng nhỏ chạy xuống một chút thì chạy lên, nói:
– Ba ơi, bác Chính nói kêu ba làm con cò chứ đâu phải con vịt.
Hai vợ chồng tôi cùng phì cười rồi tôi lại ngồi nặn tiếp.
Đến 10 giờ đêm, vợ con tôi đã ngủ hết tôi vẫn còn ngồi làm. Anh Chính bạn tôi nói đúng, phải khoái mới làm được. Chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, tôi ra mở. Thì ra là anh Chính. Anh nói:
– Trời, làm tới giờ này chưa ngủ hả?
Tôi đưa con cò vừa nắn nót chỉnh sửa xong cho anh coi. Anh kêu lên kinh ngạc:
– Chà, giống rồi nè.
Tôi chưa kịp mừng thì anh bạn tôi nói tiếp, khiến tôi lại mừng hơn:
– Mai ông làm cho tôi 50 con, nhuộm trắng hết, sơn mỏ và chân màu đỏ, phơi khô là giao hàng lấy tiền liền.
Sáng ra anh bạn chở tôi đi ra đường Calmette để mua dầu hắc và sơn trắng, sơn đỏ. Xong lại qua cầu sắt Tân Định mua dây đồng để về làm sườn cò. Vợ tôi soạn cho tôi cái bếp than, cái nồi nhỏ cũ để nấu dầu hắc, cái thau nhôm nhỏ đựng nước để nhúng cò còn nóng đem lên nắn. Chúng tôi vẫn đưa đón hai thằng con đi học như thường ngày. Vợ tôi vẫn đi làm, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ. Chỉ có tôi là ngồi suốt bên bếp than hồng và nồi dầu hắc luôn bốc khói. Anh bạn tôi kêu tôi mang khẩu trang để bớt dộc hại nhưng mang được một lát là tôi tháo ra vì khó chịu. Đến khoảng chừng 11 giờ đêm là tôi làm xong 50 con cò. Vợ tôi cũng phụ, xong con nào là nhúng sơn trắng con đó, cắm chân nó lên tấm mốp. Qua một lượt thì cô ấy lấy con nào khô ráo xong đem lên sơn màu đỏ cái mỏ và hai chân. Hôm sau trong lúc tôi làm tiếp thì đàn cò trắng phau phau được đem phơi nắng cho khô để giao hàng.
Sau thành công của “con cò đậu”, anh Chính quyết định nhường mối và dạy tôi làm “cò bay”. Kỳ này thắt dây đồng thành sườn con cò bay đúng là cả một công trình sáng tạo của anh Chính. Ban đầu tôi tự làm sườn nhưng nhận ra việc này chiếm mất nhiều thời gian quá nên vợ tôi kêu tôi dạy thằng con lớn làm. Thằng bé sáng dạ lắm, thoắt cái đã làm được và làm nhanh. Hàng ngày học bài xong là thằng nhỏ ngồi thắt sườn cò bay. Thắt được 50 cái sườn thì cũng đến giờ đi học. Nhắc đến đây tự nhiên tôi ứa nước mắt vì thương con tôi quá. Nó được sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo nên phải chịu cực chịu khổ cùng cha mẹ. Mà cũng nhờ vậy mà nó biết quý trọng đồng tiền và sống vô cùng hiếu thảo.
Tôi làm cò không nhớ được bao lâu, nhưng tiền thu được bao giờ cũng đầy cái hộp trong tủ. Chi phí vật liệu không đáng bao nhiêu cả, chủ yếu là lấy công làm lời. Vợ tôi khoái lắm nhưng tôi nghĩ chắc không khoái bằng tôi. Bởi vì tôi đã thành công trong công việc làm thêm, nhờ khoái làm và khoái tiền, dù với biết bao giọt mồ hôi đã đổ xuống.
Tôi còn làm thêm nhiều việc khác nữa để cải thiện kinh tế gia đình. Có dịp tôi sẽ kể tiếp cho các bạn nghe nhé
Sĩ Huỳnh



