Mơ làm báo

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Hồi xưa tôi mơ ước làm chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ nhật báo. Lúc đó tôi mới học đến lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ). Thi đỗ 2 bằng Tú tài phần 1 và phần 2, tôi lại không theo Đại học Văn khoa, ngành báo chí mà lại ghi danh vào Đại học Luật khoa.
Báo chí thời đó rất đa dạng, có hơn 40 tờ nhật báo. Giờ ngồi viết lại theo trí nhớ cũng không thể đủ được, chỉ xin ghi ra đây một ít tờ báo nổi bật. Đó là Đuốc Nhà Nam, Chính Luận, Xây Dựng, Dân, Trắng Đen, Tia Sáng, Tin Điển, Bút Thép, Sống, Hòa Bình, Quyết Tiến, Tiền Tuyến, Dân Chủ, Sóng Thần, Điện Tín, Tiếng Nói Dân Tộc…
Tôi từng cộng tác với nhiều nhật báo, như Quyết Tiến, Tiền Tuyến, Bút Thép, Đông Phương, Dân, Hòa Bình, Đuốc Nhà Nam, Dân Chủ…từ năm lớp nhì (lớp tư) cho đến năm thứ hai đại học. Cầm tờ báo trên tay, chỗ tôi chú ý nhất là tên chủ nhiệm và chủ bút. Tôi nhớ các tên Nguyễn trung Thành, Đặng văn Sung, Việt Định Phương, Trần tấn Quốc…Đến năm tôi học lớp đệ nhị (lớp 11) là thời có nhiều dân biểu quốc hội ra làm báo, như dân biểu Lý quý Chung làm chủ nhiệm tờ Tiếng Nói Dân Tộc. Trong tầm mắt tôi, người lập ra tờ nhật báo thật đáng nể; việc đặt tựa cho tờ báo thật giống như một “kỳ công” và báo bán chạy là một “kỳ tích”. Tôi mơ mơ màng màng nghĩ về tựa tờ báo mình sẽ là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Vì chỉ là “mơ” thôi nên tôi đã quên mất các tựa mà mình từng nghĩ đến.
Có một điều lạ nhưng không lạ, đó là tôi chỉ thích lập một tờ nhật báo chứ không phải là tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san hay tạp chí, bởi vì chỉ có nhật báo mới “mau ra”, xuất bản hàng ngày.
Nhớ một chuyện tức cười khi ở đậu nhà bà dì có liên quan đến chuyện báo chí. Số là ông dượng làm công chức (chế độ cũ) nên cứ mỗi chiều người ta đến giao vài tờ nhật báo thân chính quyền. Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy tờ Tiền Tuyến, Quyết Tiến, Chính Luận…Một hôm tôi mua tờ Miền Nam, đọc xong tôi bỏ chung vô mấy tờ người ta vừa giao. Không ngờ khi bà dì đọc báo, thấy có tờ báo lạ liền la lớn, hỏi hết trong nhà:
▪︎ Ủa, ai bỏ tờ Miền Nam vô đây vậy?
Cả nhà không ai biết nên im ru, còn tôi vì sợ nên cũng không lên tiếng. Bà dì cứ thắc mắc hoài, lên mâm cơm vẫn còn nói. Ông dượng bực mình lên tiếng:
▪︎ Kệ đi. Chắc chỗ giao báo người ta bỏ lộn vô thôi đó mà.
Nhắc đến nhật báo tôi mới nhớ, hồi đó tiệm bánh mì của ba má có mua nhiều báo cũ (cân ký) để làm giấy gói. Lần nào ra tiệm tôi cũng lục báo cũ ra ngồi đọc ngấu nghiến. Đọc báo cũ cũng có cái thú của nó, thường là bài vở hay truyện tranh được liên tục, không phải chờ đợi bữa sau. Nhớ có lần tôi coi được truyện tranh “Con quỷ truyền kiếp” đến hết kỳ cuối.
Hồi xưa các tờ nhật báo thường đăng “slogan” phía dưới tựa báo, chẳng hạn như:

  • Nhật báo thông tin nghị luận
  • Nhật báo tranh đấu chống bất công, xây dựng xã hội mới
  • v.v…
    Tôi cũng thường mơ mơ màng màng nghĩ mấy câu “slogan” cho tờ báo của mình. Đó cũng là một cái thú của tôi.
    Từ ngày lên đại học tôi đã “quên” ước mơ làm báo, hay nói đúng hơn là thấy chuyện ấy không còn khả thi nữa. Sau giải phóng lại càng “bất khả thi” vì không còn báo chí tư nhân.
    Giờ đây tôi mới nhận ra trong con người mình tồn tại một sự bất hợp lý: ham mê sáng tác nhưng lại thích làm báo, một ngành nghề thiên về kinh doanh, quản lý. Ngay cả chuyện làm thơ viết văn tôi cũng làm tùy hứng, rất khó là một nghề, huống chi là nghề chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ nhật báo. Thì ra đó chỉ là “ước mơ tuổi nhỏ”.

(15/8/2022)
SĨ HUỲNH

Bài gốc: https://vannghe.xyz/mo-lam-bao/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: