Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Dự tiệc tân gia do cô em vợ tổ chức, đến giờ ra về một cậu em chào tôi: “Con về nha ông”. Còn người cuối cùng vừa chạy xe ra thấy tôi liền nói: “Thưa bác con về”. Trời hỡi, bộ tôi đã già lắm rồi sao?
Vợ tôi an ủi rằng cậu em nói “chào ông” là vì nó gọi em vợ tôi bằng mợ. Nhưng nếu vậy cậu ta phải gọi tôi là chú mới đúng. Ôi, chẳng qua do cách nhìn của người ta, dưới mắt họ tôi quả thật đã già.
Về vấn đề này tôi đã có bài viết “Nỗi buồn tuổi tác“. Giờ thì không còn là buồn nữa mà là…quá buồn. Tôi vẫn chưa “tiêu hóa” được chữ “già”. Search tìm kiếm Google với từ khóa “Bao nhiêu tuổi gọi là già” tôi phát hiện ra mình đúng. Chẳng qua đó chỉ là cách chơi chữ thôi, chứ người ta thường chỉ “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Chợt nhớ hai câu thơ chơi chữ thật hay:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?

Theo Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn “người già” được xác định là người từ đủ 70 tuổi trở lên.
Tới Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã không còn thuật ngữ người già mà chỉ còn người đủ 70 tuổi trở lên.
Riêng luật Người cao tuổi lấy mốc 60 tuổi là nhằm giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi cho những người đã qua tuổi lao động mà thôi. Quy định về người cao tuổi chủ yếu mang tính chất nhân văn, nâng cao truyền thống kính trọng người cao tuổi. Người cao tuổi là những người có thâm niên sống chứ chưa chắc đã già yếu.

Như vậy mới già nè. Hi hi


Xã hội phong kiến Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng chặt chẽ của Nho giáo (còn gọi là Khổng giáo). Chương “Vi chính” của sách Luận ngữ ghi lại lời nói của Khổng Tử, nhà tư tưởng – nhà sáng lập Nho giáo, như sau: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”.
Tạm dịch nghĩa: “Mười lăm tuổi, ta đã để hết tâm trí vào sự học. Ba mươi tuổi, ta vững chí mà tiến trên đường đời. Bốn mươi tuổi, tâm trí ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái đạt được sự lý, chẳng còn nghi hoặc. Năm mươi tuổi, ta biết mệnh trời, tức là lẽ đạo mầu nhiệm lưu hành trong thiên hạ. Sáu mươi tuổi, những lời tiếng lọt vào tai, ta hiểu ngay, không cần tốn công suy nghĩ. Bảy mươi tuổi, trong tâm ta dù có muốn điều gì cũng chẳng hề trái phép”.
(Theo Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh – plo.vn)
Giáo sư – tiến sĩ Davis Demko (Đại học Michigan, Hoa Kỳ) đề nghị một lối tính tuổi mới với công thức DNA- Plus, viết tắt của Demkos Neo Age, Plus ngụ ý là già với những đặc tính tích cực. Theo đó, một người sống đến 80 năm nhưng nếu có tình trạng sức khỏe của một người 70 tuổi, có mức độ hoạt động của một người 60 tuổi và có khả năng ứng phó của một người 50 tuổi (tuổi tâm lý) thì tuổi trung bình của người này được tính (80+70+60+50):4 = 65. Nghĩa là tuổi chính xác của người này chỉ mới 65 chứ không phải là 80 theo cách nghĩ thông thường. Do đó, tuổi cao chưa chắc đã già.

(Hội thảo chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
do Công ty Vinamilk tổ chức)

Ở Việt Nam, theo pháp luật hiện hành như đã trình bày ở trên, người già được xác định là người đủ 70 tuổi trở lên. Trong khi đó dân gian đã mặc định từ ngàn xưa, người già được tính từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên quan niệm này có vẻ đã lạc hậu, vì tuổi thọ trung bình của người Việt đến thời điểm này đã là 69 tuổi.
Nỗi buồn tuổi tác của tôi nay chỉ có thể lấy luật pháp ra để an ủi, chứ người thân cũng khó lòng. Mà, biết đâu lúc 70 tuổi rồi tôi vẫn chưa chấp nhận mình già nữa thì sao? Thôi thì:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”.

Nhắc đến “tạo hóa” mới nhớ tôi đã từng viết: “Thật ra tuổi tác chỉ là con số, chẳng nói lên được điều gì. Hạnh phúc không bao giờ đồng hành với tuổi trẻ hay tuổi già. Trầm tư, nhiều lo toan, hay suy nghĩ vẩn vơ sẽ làm mất đi cơ hội thưởng thức niềm vui mà tạo hóa ban tặng”. Quả đúng là như vậy đấy.

(04-5-2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: