Ghi chép 

Phũ phàng

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Tôi không thích nghe Ngọc Sơn – Ông hoàng nhạc sến hát, nhưng những sáng tác của anh luôn tràn đầy cảm xúc, lay láng nghĩa tình, như ca khúc “Tình cha”, bài hát “Giận hờn”. Nhất là “Giận hờn”, âm điệu và lời ca khơi gợi một mối tình xưa cũ, những tháng năm học trò đầy thơ mộng, để rồi chỉ một phút giây giận hờn lại xa nhau mãi mãi. 

“Người đành xa ta bỏ ta một mình

Để rồi ra đi cách xa nghìn trùng

Kỉ niệm năm xưa sẽ tan như bọt bèo

Ái ân ngày nào giờ như giấc mơ”

Ngày trở lại trường xưa để học lại năm thứ nhất đại học, từ Luật khoa trở thành Kinh tế, tôi và P. ngồi cạnh nhau trong lớp. Lúc đó lớp học của tôi có tên gọi “Sư phạm 3” để phân biệt với các lớp “Sư phạm 1”, “Sư phạm 2”, năm đầu tiên của khoá KA, chưa phân khoa, phân ban, học những kiến thức tổng quát của lớp chính trị. 

Chỗ chúng tôi ngồi ở khoảng giữa lớp, dãy bàn giữa. Gần hết một năm học chúng tôi luôn ngồi cạnh nhau như thế, tình cảm cũng dần phát triển, tuy chưa bao giờ nói ra nhưng cả lớp ai cũng nghĩ chúng tôi là một cặp. 

Rồi chúng tôi đi thực tế, đắp đê ở xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Lúc đó chiến tranh biên giới Tây nam đang nổ ra. Vị trí chúng tôi công tác chỉ cách Campuchia khoảng 3 km. Thỉnh thoảng bên đấy lại pháo qua, có khi làm bị thương dân thường. Ban ngày lớp tôi móc đất đắp đê, ban đêm thay phiên canh gác, phổ biến mật khẩu. Tôi nhớ có một chuyện cười ra nước mắt. Đêm đó mật khẩu là cộng tròn năm. Nếu người này nói “hai” thì người kia phải đáp “ba”, nói “một” phải trả lời là “bốn”. Có anh chàng kia đang đêm lò mò đi vệ sinh, bạn gác thấy có bóng đen đi động liền kêu lên “Ai đó?”. Người kia sợ hãi đáp liền “Tao, tao đây”. Vậy là vỡ luôn “kế hoạch mật khẩu”. Sáng ra hai chàng bị họp kiểm điểm. 

Sinh viên chúng tôi đều là những thư sinh trói gà không chặt, nam thì đào đất đắp thành hàng đê cao chống pháo kích, nữ thì làm công tác hậu cần, chậm mồ hôi, bưng nước uống. P. chỉ quan tâm đến tôi, chốc chốc lại bảo “Xích vô đây P. lau mồ hôi cho. Ướt hết cả mắt kính luôn rồi kìa”. Không khí làm việc cũng khá khẩn trương chứ không lề mề, vừa làm vừa chuyện vãn, pha trò, tuy mệt nhưng vui hết biết. 

Sáng ra cánh nam giới uống cà phê quán cóc, người đứng kẻ ngồi trông cũng xôm tụ. Có một chiếc xe lôi ai bỏ gần đó trở thành chỗ ngồi “lý tưởng”. Giữa ban ngày ban mặt vẫn có một trái pháo từ biên giới bên kia pháo sang, âm thanh “hu hu” rít lên từ nhỏ thành to, rớt xuống cạnh xe nước mía phía bên kia đường, nổ ầm khô khốc. Chị bán nước mía vô sự. Có một khách bị thương, tức tốc được chuyển đi. Cả nhóm chúng tôi sợ xanh mặt. Có một cô bật khóc. 

Chúng tôi đi công tác 5 ngày, ai cũng chuẩn bị lương khô mang theo. Món ăn của tôi là thịt kho mắm ruốc, ăn với cơm mo cau do bà dì tôi làm. Trưa nghỉ, cả nhóm bày thức ăn ra ăn chung. P. lấy ra đồ ăn cũng y hệt tôi. Cô cười vui đắc ý: “Nhà Sĩ và P. ăn uống giống nhau quá”. Từ đầu khi biết tôi kém một tuổi, P. đã chủ động xưng hô bằng tên. 

Thật ra tôi đã có quen một cô bạn khác học bên Trung học y tế gần chỗ tôi ở. Tình cảm hai đứa tôi cũng khá thắm thiết. Nhưng tôi giấu P.. Khi cô ấy hỏi “Sĩ có bạn gái chưa” tôi vội lắc đầu, khiến P. vui lên hẳn. Riêng tôi luôn trong tình trạng phân vân chọn lựa. 

Có người bạn tên Q. rất thích P. thường tìm cách gần gũi, trò chuyện, nhưng P. luôn giữ khoảng cách, không để cho Q. có cơ hội. Q. quay sang nỉ non với tôi, có lúc ứa nước mắt “Ông có bạn gái rồi, nhường P. cho tôi đi”. Tôi không thắc mắc sao Q. lại biết tôi đã có bạn gái, chỉ thấy hắn đáng thương, tội nghiệp. Máu anh hùng rơm nổi lên trong tôi. Tôi làm bộ giận P. (nhưng không duyên cớ) để Q. có thể xáp lá cà. Một ngày, hai ngày rồi một tháng, hai tháng tôi ngồi chỗ khác, không thèm để ý đến P. nữa. Tôi thấy P. cứ buồn dàu dàu suốt, không một nụ cười. Nhưng tôi đã lỡ làm “anh hùng” nên chỉ biết im lặng. 

Lên năm thứ hai, trường chia lớp lại. Sinh viên được chọn khoa để tiếp tục học. Tôi chẳng biết gì, chọn đại khoa thống kê. P. thì chọn khoa Vật giá. Quyết theo đuổi, Q. cũng theo P.. Từ đó chúng tôi hầu như không còn dịp gặp gỡ. 

Ra trường, tôi cưới vợ và có một đứa con trai đầu lòng. Một buổi sáng đang chở con đi nhà trẻ thì tôi gặp P. đang đi làm. Tôi chạy xe theo, hỏi “P. làm công ty nào vậy”. P. trả lời “Công ty chất đốt”. Tôi lại hỏi “P. và Q. cưới chưa?”. P. quay nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên “Ổng bỏ P., đi vượt biên rồi”. Tôi mủi lòng “Để Sĩ gởi con rồi mình đi cà phê nhé?”. Từ đầu đến giờ không thấy P. nở một nụ cười, gương mặt cứ lạnh tanh. Giờ nghe tôi mời mọc, vẻ mặt P. càng lạnh hơn “Thôi. P. quẹo đây nhé”. 

“Giận hờn chi em nét mi đượm buồn

Giận hờn chi em chuốc thêm muộn phiền

Giận hờn cho nhau nỗi đau ngập lòng

Vắng xa thật rồi người ơi biết chăng”

Không, bài hát này không dành cho tôi. Sẽ không một ai cảm thông với bài “Giận hờn” mà tôi hát. Tôi không xứng đáng với tình cảm mọi người dành cho. Chính tôi đã làm tan nát một trái tim. Có lẽ bài “Phũ phàng” này, sửa lại danh xưng sẽ phù hợp với tôi hơn:

“Đau đau mà chi em khóc để làm gì? 

Thôi em về đi khi đường tình đã hai lối 

Ngày xưa ai bỏ tôi cho tiếng yêu lỡ làng 

Sao em giờ quay về làm chi?”

(27-10-2020)

Related posts

Leave a Comment