Nhớ người xa

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

“Ta nhớ người xa cách núi sông

Người xa, xa lắm, nhớ ta không?”

Hơn một thế kỷ rồi, mấy câu trong bài thơ Nhớ Bạn Phương Trời của nhà thơ Trần Tế Xương vẫn gợi trong ta biết báo nỗi niềm cảm thông, nhớ tiếc. 

Kẻ đi làm xa nơi đất khách quê người thường hay bị lãng quên, chỉ được nhắc nhở trong những câu chuyện với chi tiết liên quan. Vì áp lực kiếm sống, bận rộn chuyện chồng (vợ) con, người thân của họ cứ mãi tảo tần, ít dành thời gian nhung nhớ. 

Nhưng tuổi trẻ thường hay chóng quên những chuyện buồn, thích những niềm vui. Hoặc vả có người dễ thỏa hiệp với thực tại hay có biệt tài che giấu những lo toan, nên thường cho qua, xem như không có gì. Thực ra, đó mới chính là những người bản lãnh. 

Người ở xa thường cô đơn, hay nhớ về quê nhà, về những người thân yêu. Nhưng có người lại cố nén lòng, không bao giờ nói ra điều ấy. Họ cũng chật vật làm việc, dành dụm thu nhập, mong tích luỹ để chi dùng cho việc lớn. Đó có thể là xây lại mái nhà cho mẹ, giúp đỡ anh chị em lúc túng thiếu khó khăn. Cũng có thể chỉ là đỡ đần cho những người thân yêu bớt phần vất vả. Dù sao cũng mặc, điều đáng quý nhất ở họ là chừng như đã quên đi bản thân mình. 

Hồi chị tôi sang định cư bên Mỹ, năm đầu tiên gởi quà về cho gia đình, tôi đi nhận chỉ là một thùng quà nhỏ xíu, nhỏ hơn bất cứ ai. Nhưng tôi hiểu rằng đó là tất cả tấm lòng của chị. Ôm thùng hàng mà nước mắt tôi cứ rưng rưng. Nhớ chị và cảm thông nỗi cơ cực, vất vả của chị nơi xứ người. Những lần sau, thùng quà có to hơn, gói ghém những giọt mồ hôi và nước mắt của người chị thân yêu nơi miền đất lạ. Cả nhà tôi, từ ba má đến các chị, các em thường ngày đều phải bươn chải, vật lộn khó nhọc để mưu sinh, ít khi nhớ đến chị. Chỉ có những bức thư trao đổi thì luôn nồng nàn thắm thiết. 

Cách mười mấy năm trước tôi quen một cô bạn trẻ làm nghề may ở bên Mỹ. Cô nói rất mặc cảm về chiều cao. Hai mươi lăm tuổi mà chỉ cao một mét bốn mươi sáu. Không xin được việc làm nào khác, cô đành chọn nghề may. Cô tâm sự rằng làm được bao nhiêu tiền, chừa lại để sống có một ít, còn bao nhiêu gởi hết về cho ba mẹ và các em ở Đồng Tháp. Rồi một hôm kia cô đột xuất về Việt Nam thăm gia đình, mới phát hiện ra mấy đứa em toàn ăn chơi đua đòi, áo quần này, xe máy nọ. Vậy mà chúng cứ viết thư qua xin tiền nói để đóng học phí, mua sách vở. Ba mẹ thì già yếu, không biết gì, chỉ được chúng cho ăn ngày ba bữa. Thất vọng tràn trề, cô trở qua Mỹ, hỏi tôi giờ phải tính sao đây. Chạnh lòng trắc ẩn, tôi khuyên cô đừng quan tâm gì đến mấy đứa em hư đốn đó nữa, hãy tìm cách gởi tiền về lo riêng cho bố mẹ. Sau đó chúng tôi mất liên lạc, không biết cô ấy sống chết ra sao. 

Nếu có phút giây nào đó chúng ta bồi hồi xao động nhớ người xa, hãy thử đoán xem người ấy đang nghĩ gì. Chắc không phải là bữa cơm ngon, không phải là chiếc áo đẹp, càng không phải là cuộc dạo chơi kỳ thú, cho dù người ấy còn độc thân hay đã có gia đình. Tôi đoan chắc với bạn, người ấy đang nghĩ về thu nhập của tháng này, lo lắng không biết đến bao giờ mới tăng thêm được phần tích luỹ. Cuộc đời thì còn dài mà thời gian dành cho họ sao quá ngắn, cứ như có ai đó đang đành đoạn cắt bớt đi. Và người ấy buồn, một nỗi buồn không dễ có mấy người hiểu thấu. 

(14/10/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: