

Vừa vào đến nhà, bên cánh trái nơi vuông sân giáp với vườn chuối đã sừng sững một tàng cây chùm ruột cành lá sum suê.
“Tương truyền” rằng bố đã trồng cây chùm ruột ấy được gần 10 năm. Hàng năm cứ vào khoảng tháng 3 thì chùm ruột cho quả. Từ đó đến tháng 11, trái trổ nhiều đợt, mỗi đợt nếu hái hết cũng phải cả trăm ký. Khi lá khô rụng nhiều, lá xanh đâm chồi dày đặc, cũng là lúc từng chùm trái vàng hươm trĩu nặng trên cành. Giống chùm ruột này trái to, đều đặn. Đặc biệt cây không có sâu kiến nên leo hái thoải mái.
Hồi bố còn sống, một hôm có cô bé kia quen biết đến xin hái mấy ký chùm ruột. Cô bé gọi bố là “bố” ngọt xớt. Bố cười vui vẻ:
- Con cứ ra hái tự nhiên.
Được khuyến khích, cô bé hớn hở leo trèo, chưa được nửa tiếng đã hái đầy một bịch to mười mấy hai mươi ký. Cô bé đến bên bố thỏ thẻ:
- Bố ơi, bao nhiêu tiền để con gởi?
Bố xua tay:
- Thôi, tiền bạc gì. Con cứ lấy đi.
Cô bé dằn tờ tiền dưới bao thuốc lá của bố:
- Dạ con cám ơn bố. Con gởi bố ít tiền mua thuốc hút ạ.
Bố chưa kịp nói gì thêm thì cô bé đã mang bịch chùm ruột, đạp xe đi khuất.
Ở nhà, mấy đứa em vợ tôi rất thích chùm ruột, thường hái vào ăn với muối chấm. Tôi cũng ăn thử, quả đúng ngon, chấm muối nghe vị chua chua ngọt ngọt, ăn hoài không chán. Em tôi còn hái nhiều để sên thành mứt bán online, bao nhiêu cũng hết. Nhìn từng keo mứt màu đỏ đẹp mắt là muốn ăn liền. Bán xong được bao nhiêu tiền là cho mẹ hết.
“Chuyện kể” rằng bé Út, em vợ tôi không hiểu có “sự tích” gì đó mà rất sợ chùm ruột. Thằng cháu 5 tuổi biết vậy, ra lượm mấy quả vào nhát. Bé Út sợ quá, nước mắt đầm đìa khiến thằng cháu bị “dũa” một trận. Mỗi lần có ai ăn chùm ruột là bé Út lẩn ra chỗ khác.
Chùm ruột ra quả nhiều không kịp hái, rụng lộp độp đầy sân. Đêm ngủ, lâu lâu nghe một tiếng quả rụng trên mái nhà, nho nhỏ, khô khốc trong không gian vắng lặng. Âm thanh đó đã trở thành nỗi nhớ da diết trong tôi.
(21/9/2020)