Tôi làm bo tăng công suất âm thanh

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Thành, em kế tôi là kỹ sư điện tử. Thành ra nghề sửa tivi và máy móc điện tử nhằm lúc thị trường đang sôi động việc chuyển hệ PAL. Có khi một ngày Thành chuyển hệ được đến mười mấy chiếc tivi, thu nhập cao, ổn định. Thấy tôi đang thất nghiệp, Thành kêu qua nhà, nói:

  • Để em chỉ anh làm board tăng công suất âm thanh, đem bỏ mối ngoài chợ Nhật Tảo. Dễ lắm, em biết anh làm được. Giờ anh chỉ cần tập hàn chì. Hàn khéo tay rồi là cứ làm thôi. 

Board tăng công suất âm thanh dùng để lắp ráp ampli. Loại Thành chỉ tôi làm là bo mono, không phải âm thanh nổi.
Tôi cũng thích nghề điện tử lắm nhưng vì mắt cận thị nặng nên không làm được. Giờ có thằng em truyền nghề làm bo mạch tôi khoái lắm, OK liền. 

Nói là làm ngay, tôi bắt đầu ngồi xuống bàn tập hàn. Thành đưa tôi mạch in và linh kiện, chiếc mỏ hàn chì đã cắm điện, đầu mũi có vài sợi khói bay lên. Gắn một con điện trở vào mạch, dùng chiếc kềm nhỏ cắt bớt chân rồi đè hai chân điện trở ép vào, tôi chấm hàn. Thành ngồi quan sát. Chì ra nhiều quá, bám vô bo một cục nhỏ, tròn quay. Thành cầm chiếc mỏ hàn khác làm cho tôi xem. Quá đẹp, y như bo mạch được hàn tự động bằng máy. Thành nói:

  • Em có thằng bạn, ngồi xoay lưng lại với mạch in trong máy, vòng hai tay ngược lại mà vẫn hàn được mới ghê. 

Tôi há hốc mồm:

  • Trời, tuyệt vậy.

Thành đưa tôi xem thử một mạch in.  Đó là bảng mạch điện dùng phương pháp in để tạo hình các đường mạch dẫn điện và điểm nối linh kiện trên tấm nền cách điện. 

Thành vẽ sơ đồ mạch điện, thiết kế các đường dẫn, điểm bắt linh kiện như điện trở, tụ điện, IC rồi kêu tôi đặt tên. Tôi suy nghĩ một lúc, nói:

  • Hay là lấy tên Sơn Ca được không?

Thành tỏ vẽ hài lòng:

  • Được à, nghe thích hợp với bo âm thanh lắm. Đúng là nhà văn.

Tôi đem sơ đồ đó giao cho Sơn, chủ cơ sở làm mạch in. Nói là Sơn nhưng lần nào đến tôi cũng chỉ gặp Quang, anh của Sơn. Cơ sở này cũng có gia công in nhãn, mỗi tờ nhãn ép vào được 10 bo. Lần đầu Quang nhận hàng sáng hôm sau mới giao. Những lần sau, ngồi chờ một chút là có liền. 

Các tấm mạch in kích thước lớn hơn gói thuốc lá một chút được cột thành bó 50 cái. Các tờ nhãn 25×12 cm ràng dây thun bỏ vào túi xốp. Tôi đem về nhà, ngồi gắn linh kiện. 

Tôi đã mua đầy đủ các loại điện trở, tụ điện và volume. IC khuếch đại công suất âm thanh là con TDA 810, tôi mua mỗi lần 100 con để sử dụng dần. Nói vậy thôi chứ độ khoảng 2,3 ngày đã phải mua thêm. 

Đồ nghề thì Thành đã mua cho tôi một cái mỏ hàn loại tốt, chì hàn và nhựa thông. Thêm một đế gác mỏ hàn nữa vì khi ghim điện mỏ hàn cực nóng. 

Công đoạn đầu tiên là gắn linh kiện vào bo. Điện trở và tụ có hai chân, IC 16 chân. Tôi nhìn bo mẫu, gắn IC vô trước rồi chấm hàn. Từng giọt chì hàn bám lên các chân IC, không được đẹp như em tôi làm nhưng khả dĩ chấp nhận được. Tôi hàn IC trước lên các bo xong mới từ từ gắn các linh kiện khác. Volume gắn sau cùng. 

Ban đầu tôi chỉ làm được 10 bo là cảm thấy choáng váng, hoa mắt. Xong rồi còn phải test thử. Tôi có một cái loa nhỏ dùng để test bo. Bo nào không nghe hoặc nghe rè rè thì bỏ qua một bên chờ kiểm tra lại. Thật may mắn cho tôi, tất cả các bo đều tốt, hiếm khi nào có cái hư. Em tôi bảo nhờ linh kiện tốt. 

Lúc tôi giúp em tôi bán được 1000 cái cassette mini, lời ra được 1,6 triệu, em tôi cho tôi hết, bảo về mắc cái điện thoại bàn. Chi phí lắp đường dây điện thoại ấy đúng 1,6 triệu, tôi chỉ phải mua chiếc điện thoại thôi. Tôi nhớ mình đã mua nó ở lề đường chợ Kim Biên quận 5. 

Thành còn bảo tôi in card visit để đem ra chợ Nhật Tảo phát cho các sạp. Cơ sở Sơn Quang cũng có gia công in danh thiếp nên tôi đặt luôn. 

Tôi chỉ mới làm xong 50 bo tăng công suất âm thanh, còn lại 30 cái chưa gắn volume. Em tôi kêu mang 50 bo ấy cùng 5 tờ nhãn ra tiệm ép nhựa gần chợ Thiếc nhờ người ta ép thành vĩ 10 bo. 

Công đoạn cuối cùng là ghé chợ Nhật Tảo, đến sạp của chị Anh và Tuyết để giao hàng, vì em tôi đã nói trước với hai chủ sạp bán linh kiện điện tử ấy. Tuyết 3 vĩ, chị Anh 2 vĩ. Xong, tôi trao cho hai người danh thiếp để lần sau gọi điện đặt hàng. 

Mới về nhà được vài phút đã nghe điện thoại reo. Tôi bắt máy.

  • Anh Sĩ hả, Tuyết nè. Lát chiều đem ra 2 vĩ Sơn Ca nữa nhé. 

Tôi mừng quá, ok ngay, bắt đầu ngồi vào bàn để gắn 30 cái volume vô mạch. Ngày đầu tiên mở hàng đắt quá. Tôi điện thoại báo tin cho em tôi mừng. 

  • Alo, Thành hả? Tao vừa giao hàng cho bà Anh và con Tuyết về. Mới về tới nhà thì Tuyết nó gọi, đặt liền 2 vĩ nữa.

Giọng Thành vẫn bình thản:

  • Bo công suất âm thanh đang hot đó. Anh ráng làm nhiều nhiều mới kịp giao. Làm không nổi thì nói em cho người phụ.
  • Nổi mà, có gì đâu. Ha ha.
  • Em đang vẽ mạch để chuyển hệ tivi Sony. Loại tivi này đặc biệt quá, lắp bo thường nó không chạy. 
  • Ừ thôi anh làm việc đây. Tối cà phê.

Làm lâu ngày, tôi phát hiện ra con điện trở 56 ohm không có tác dụng gì, bỏ ra mạch vẫn chạy tốt. Tôi qua nhà Thành chơi, nói vấn đề ấy ra. Thành cười khoái chí:

  • Công nhận anh cũng giỏi thiệt, biết được vụ này.

Nghe Thành khen tôi tưởng mình đúng, ai dè nó bảo:

  • Bỏ con 56 ra, thử với cái loa nhỏ đó thì thấy cũng vậy, nhưng khi lắp vào ampli, âm thanh sẽ bị rè không nghe được gì. 

Tôi ngớ người ra. Thành nói, nửa đùa nửa thật:

  • Sơ đồ của Nhật mà, làm sao sai được. 

Rồi Thành tiếp:

  • Nói vậy thôi, chứ nhiều sơ đồ mạch điện em lấy trên mạng, nói là của Nhật nhưng rất tào lao. Hình như thằng up lên cố tình giấu vài chỗ. 

Có điện thoại bàn rồi, việc giao dịch làm ăn chưa bao giờ dễ đến thế. Tôi cứ ngồi nhà, suốt ngày gắn gắn hàn hàn, điện thoại reo là biết có đặt hàng, đem số bo làm xong đi ép nhựa. 

Công việc làm bo Sơn Ca tiến triển tốt, một lời mười, tôi thấy ham lắm. Lâu lâu giao hàng, Tuyết hoặc chị Anh trả lại vài cái bo hỏng, tôi đem về test, sửa lại rồi ép vào tờ nhãn giao tiếp. Con IC 810 cực tốt, không bao giờ hư hỏng, tôi xem thấy ghi sản xuất từ Hungary. Có đợt ra mua IC người ta bảo hết hàng tôi phải về nhà chờ đợi, ngày nào cũng ra Nhật Tảo thăm dò. Rất may, chỉ ba ngày hàng mới đã về. Mấy tay buôn hàng linh kiện điện tử thật giỏi. Lần này không phải là con TDA 810 của Hungary nữa mà là TBA 810 không ghi của nước nào sản xuất. Tuyết và chị Anh chờ lâu không có hàng, cằn nhằn: “Làm ăn vậy là chết rồi anh Sĩ ơi. Khách mua không có họ la quá. Mất mối như chơi”. Tôi cũng không biết nói gì hơn ngoài câu xin lỗi. Không ngờ Tuyết đã biết sự tình, nói: “Mua IC nhiều nhiều để trữ đi đại ca”. 

Một hôm Thành kêu tôi qua nhà, bảo:

  • Em đã thiết kế xong mạch tăng công suất âm thanh stereo. Linh kiện lắp ráp cũng như bo Sơn Ca nhưng nhiều hơn một chút. Mạch này vẫn dựa vào con 810.  Anh đặt tên cho nó đi.

Tôi nghĩ hoài không ra, Thành nói:

  • Thôi, cứ ghi là Board Stereo đi.

Vậy là thêm một mặt hàng nữa ra đời. Nhưng đúng như Thành nói, bo stereo bán chậm hơn Sơn Ca vì thợ lắp ráp ampli ít xài hơn. 

Tôi hành nghề làm bo tăng công suất chưa được bao lâu thì đã lấy lại tiền vốn lắp điện thoại. Thị trường vẫn hot về loại bo này. Chị Anh và Tuyết cứ gọi hàng tới tấp. 

Là tay ngang mà cũng sản xuất được bo mạch để bán, lại còn lãi nhiều nữa, nhưng tôi vẫn thích nghề sửa tivi, radio casette, máy móc điện tử. Mỗi lần ra tiệm Thành làm, nhìn những người thợ chuyển hệ tivi ngồi tỉ mẫn hàn hàn, lắp lắp là lòng tôi lại dâng lên niềm ước mơ và tiếc nuối.

Tuy nghỉ nghề làm bo đã lâu, mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy thương thằng em và thầm cám ơn nó đã giúp tôi vượt qua cơn gian nan thời bao cấp. 

(19/5/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: