

Đạo diễn là “vua trường quay”, điều này đúng nhất với cái tên của một thời vang bóng: Lê Hoàng Hoa. Trãi qua ba thập niên, từ năm 1960 đến 1990, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã tự viết nên tên tuổi của mình với những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng: Chân trời tím, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Điệu ru nước mắt, Ván bài lật ngữa, Đằng sau một số phận, Vĩnh biệt mùa hè…Các phim sốt vé rạp trước 1975 có thể kể: Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Triệu phú bất đắc dĩ, Người chồng bất đắc dĩ.…Sau năm 1975, anh chuyển thể bản thảo tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” của nhà văn Trần Bạch Đằng, sửa đổi khá nhiều chi tiết và thêm thắt nhân vật, đặt tên cho bộ phim là “Ván bài lật ngửa“.
Tôi được vinh dự đi cùng đạo diễn Lê Hoàng Hoa làm tập 4 của bộ phim Ván bài lật ngửa với tựa đề “Cơn hồng thủy và bản tăng-gô số 3”. Anh Lê Hoàng Hoa thường xuyên cầm máy quay khiến cameraman thất nghiệp. Cảnh quay đầu tiên ở hồ bơi An Đông do đích thân anh Hoa ôm máy quay dưới nước, cảnh Nguyễn Thành Luân đấu với tên người nhái. Anh Hoa còn tham gia đóng phim, vai “Thiếu tướng Là” quay trên Đà Lạt.

Anh Hoa có tướng đi nhanh nhẹn, trẻ trung, nói năng hoạt bát khiến tuổi già bị che lấp. Trên phim trường, anh xông xáo, tả xung hữu đột và cực kỳ kiên nhẫn. Có nhiều cảnh quay diễn viên diễn hoài không đạt, anh Hoa vẫn bình tĩnh chỉ đạo, không bao giờ tỏ vẻ bực mình. Nhiều diễn viên phụ chưa từng biết diễn xuất, nhưng qua bàn tay nhào nặn của anh Hoa đã trở thành nổi tiếng.
Phim tiếp theo tôi đi với anh Hoa là “Đằng sau một số phận”. Bối cảnh chính vẫn là Đà Lạt. Hôm đang chuẩn bị quay, anh Hoa mời tôi đóng một vai, mà là vai chính phản diện mới ác. Tôi từ chối. Anh bảo: “Em không tin anh sao?”. Thuyết phục tôi không được, anh buồn buồn nói: “Thôi em đóng giúp anh một cảnh toàn nhé. Một cảnh thôi”. Tôi vâng lời, đi hoá trang và thay trang phục diễn. Tôi đứng bên con ngựa, cạnh mấy “chiến sĩ Fulro”. Máy quay đón cảnh một tên lính cưỡi ngựa đang chạy tới. Là cảnh toàn nên không có đối thoại. “Action”- tiếng đạo diễn vang lên, máy quay chạy rè rè. Hình ảnh được ghi vào ống kính, diễn đi diễn lại ba lần mới đạt.
Anh Hoa là một người hồn nhiên vô tư nên nhìn rất trẻ trung. Đến nhà anh, thấy anh chơi game trên màn hình ti vi, trò đua xe, ngồi điều khiển tay bấm mà như bẻ lái, ẹo qua ẹo lại thấy thật sôi nổi. Có hôm quay xong về, anh kêu tài xế chạy ra chợ Huỳnh Thúc Kháng để mua trò game mới, về nhà là gắn vô máy chơi liền. Trông thấy anh những lúc đó không khác gì mấy cậu thanh niên.
Ngoài cầm máy quay ra, anh Hoa con tự phân công mình làm nhiệm vụ dựng phim, khiến người dựng phim chính trở thành phụ dựng. Quay được một số phân đoạn thì đoàn nghỉ chờ đạo diễn về phòng hậu kỳ xem nháp. Có tác giả kịch bản không biết được ai mời cũng vào ngồi xem rồi có ý kiến, không bằng lòng cảnh quay này, không đồng ý cảnh quay kia, đề nghị tổ chức quay lại. Anh Hoa rất bực mình, nói với Giám đốc hãng: Xem nháp là việc nội bộ của đoàn, chủ yếu là của đạo diễn, nên tôi đề nghị không mời tác giả kịch bản. Nháp thì họ biết gì mà coi, mà ý kiến này nọ.
Từ đó không tác giả nào được xem nháp nữa.
Một hôm nghỉ quay, tôi ngồi quán cà phê với anh. Tôi quyết định thử tài quay phim của anh nên đặt chuyện nói:
- Tối qua em xem phim “Con bạch tuộc” trên ti vi, thấy có một cú máy lạ lắm anh.
Nghe “cú máy lạ” là anh khoái liền, hỏi tới:
- Cú máy sao?
- Nó pan từ dưới đáy tàu lửa đang chạy, thấy luôn đường ray nhé, rồi vòng lên đầu toa. Một cú máy một thôi.
Anh Hoa suy nghĩ giây lâu rồi nói:
- Để anh về suy nghĩ thêm. Cú máy này khó à nha.
Qua sáng hôm sau, vừa gặp tôi anh đã nói:
- Cú máy em nói là không thể có được. Có lẽ em coi cảnh đó chưa kỹ hay sao ấy.
Tôi không thể cười thầm được mà lại thấy hối hận vì đã gạt anh. Nhưng tôi rất cảm phục khi anh không bỏ qua một chi tiết kỹ thuật nào. Đó là vào thập niên 90, chứ thời nay kỹ xảo phim đã phát triển vượt bậc, cảnh quay ấy chả là gì cả.
Anh Lê Hoàng Hoa thích được mọi người gọi là “anh” hơn là “chú” và trong xưng hô anh cũng rất tự nhiên, không hề bị gò bó. Nhớ có lần đi chọn cảnh trên Đà Lạt, xe ghé đón cô hướng dẫn viên. Đó là một cô bé trạc 16, 17 tuổi. Anh Hoa bước xuống, tay bắt mặt mừng:
- Chào em. Em đứng đợi lâu chưa?
Cô bé lắp bắp:
- Dạ, con…à em cũng mới ra.
- Anh là đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Em tên gì?
- Dạ, con tên Nhi.
Xe chạy rồi, anh Hoa hỏi chuyện này nọ, cô bé cứ lắp ba lắp bắp, khi thì gọi chú, lúc kêu anh, ba hồi xưng con, bốn hồi xưng em khiến anh Hoa đang từ tự nhiên chuyển sang bực mình, nói:
- Thôi, gọi chú xưng con luôn cho rồi.
Anh Lê Hoàng Hoa có một thói quen đã định hình, không bỏ được, đó là không bao giờ xem phim Việt Nam ngoài phim của mình làm. Anh nói sợ “cầm nhầm” thì sẽ bị phiền phức. Tôi nghĩ đó chẳng qua là một cách nói. Có một hôm họp hội đồng nghệ thuật của hãng xong, tôi thấy anh bước xuống cầu thang vẻ mặt buồn buồn nên hỏi:
- Có chuyện gì mà thấy anh không được vui vậy anh Hoa?
- Hội đồng phê bình, nói không bao giờ thấy anh xem phim của đồng nghiệp.
Tôi nghĩ chắc anh sẽ để bụng chuyện này, sẽ buồn hoài cho coi. Ai dè lát ra ngồi cà phê không nghe anh nhắc nhở gì nữa, hầu như đã quên hết. Tánh anh là vậy, ít khi để bụng chuyện không vui nên mới trẻ lâu.
Đi làm phim với anh không sợ cực khổ, nguy hiểm vì bối cảnh, do các địa điểm anh chọn rất an toàn, dễ dàng di chuyển và nhất là luôn…sạch đẹp. Nếu có bẩn thỉu, ngổn ngang là do tổ thiết kế tạo ra theo ý đồ kịch bản. Từng khung hình trong phim anh luôn được chắt lọc, chuyển tải nội dung. Phim anh làm không có cảnh thừa. Lúc viết phân cảnh anh đã trù liệu mọi tình huống nên khi ra hiện trường cứ thế mà làm, không phải “ngẩu hứng” đẻ thêm cảnh này, ý nọ. Bởi thế mạch phim của anh luôn thông suốt, dứt khoát, không lề mề. Đây lại chính là yếu tố cần và đủ cho dạng phim tình báo, hình sự, sở trường của anh.
Viết về người đạo diễn tài ba này, một đôi dòng không sao nói hết. Còn nhiều chi tiết hay ho về anh mà trong nhất thời chưa nhớ ra được. Nhưng có một điều mà tôi cảm thấy quý mến anh ngoài tài năng, đó chính là phong cách sống trẻ trung, lạc quan và chưa hề hé răng phê phán bất cứ một đồng nghiệp hay một tác phẩm điện ảnh Việt Nam nào.
Sắp kỷ niệm 8 năm ngày mất của anh rồi (31/7/2020). Thật ra, lúc sáng ngồi quán cà phê tôi chợt nghĩ hôm nay sẽ viết bài về anh, chứ không hề nhớ ngày giỗ. Tình cờ khi tra Google tìm tư liệu, từ khoá “Đạo diễn Lê Hoàng Hoa” cho ra kết quả nhiều trang mạng, đa số viết về niềm tiếc thương anh nên mới phát hiện ra.
(28/7/2020)