

Tôi làm thơ từ lúc còn rất nhỏ, chép đầy những quyển vở 50 trang. Năm 13 tuổi đã có thơ đăng báo. Đó là bài đăng trong mục “Trẻ Em” của nhật báo Quyết Tiến:
Buổi sáng tinh sương
Chim vươn, vỗ cánh
Gió thổi qua mành
Cành cây rung chuyển
Như là thao luyện
Thể dục thể thao
Lá úa xôn xao
Đua nhau rả cánh
Đó là sức mạnh
Của bác gió cơ
Bé vội làm thơ
Bài thơ bốn chữ
Tôi còn làm thơ “người lớn” đăng trên báo Tiền Tuyến:
“…..
Mùa thu lá vàng rơi
Lòng chinh phụ tả tơi
Chiều chiều bên song cửa
Nhìn về chốn mù khơi
Mùa thu lá rụng vàng
Lòng chinh phụ nát tan
……”
Sau này tôi làm thơ đăng trên mục về thiếu niên của nhật báo Đuốc Nhà Nam. Lúc đó tôi đang học lớp đệ lục (lớp 7) ở trường trung học bán công Tân Dân – một trường thuộc giáo xứ Bến Tre. Một hôm thầy Phan Thanh giáo sư dạy Việt văn kêu tôi lên hỏi:
- Em có gởi bài cho báo Đuốc Nhà Nam phải không?
Tôi ngạc nhiên:
- Dạ, sao thầy biết.
- Thầy cũng có cộng tác với báo đó. Thấy có tên ghi dưới bài thơ trùng với tên em nên nghi nghi, hỏi vậy thôi.
Lên tới lớp 11, tôi sáng tác truyện ngắn và gởi đăng trên nhật báo Dân Chủ, ghi dưới cuối bài:”Đề nghị có nhuận bút”. Không ngờ qua tuần sau truyện của tôi được chọn đăng. Thế là tôi lên Sài Gòn, nhờ anh tôi chở đến toà soạn. Lãnh 1000 đồng nhiều quá không biết làm gì, tôi bao anh tôi ăn hủ tíu ở đường Trần hoàng Quân (Nguyễn chí Thanh) chỉ có 75 đồng một tô. Về sau, cứ mỗi khi có truyện ngắn được báo đăng, tôi lại nhờ anh tôi chở đi lãnh nhuận bút và lại ăn hủ tíu. Tôi mong ước sao, truyện đăng phía cuối bài ghi “Còn tiếp” để mai được đăng nữa, lãnh thêm nhuận bút, nên cố viết cho dài hơn. Truyện “Đôi găng tay màu xám” tôi viết từ sáng tới chiều là xong. Gởi báo được đăng làm hai kỳ, tôi khoái lắm.
Một hôm đến nhà anh tôi chơi, nói chuyện lòng vòng một hồi anh chợt nói:
- Hồi anh cưới chị mày về, thấy bả có một quyển tập, trong đó cắt dán nhiều bài báo. Anh thấy có truyện ngắn “Xa tầm tay với” của mày nên nói cho chị biết. Chị mày ngạc nhiên và vui lắm. Thì ra mày cũng có fan hén. Ha ha”.
Sau giải phóng tôi vẫn còn sáng tác, chủ yếu là gởi đăng trên tuần báo Văn nghệ TP HCM, Thanh Niên, Tạp chí Văn. Năm 1982 truyện ngắn Hình Phạt của tôi đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi do Thành đoàn TP HCM phát động trên báo Tuổi Trẻ. Nếu tôi nhớ không lầm thì trị giá giải thưởng là 700 đồng, được hơn một chỉ vàng.
Năm 1996 truyện ngắn Búp Bê Lên Sáu của tôi được đăng trên tuần báo Văn Nghệ, được giới thiệu là một trong mười truyện hay nhất “suýt” lọt vào chung kết. Sau đó truyện được in trong tuyển tập“Những truyện ngắn hay nhất về đề tài dân số và hạnh phúc gia đình do Ủy ban Quốc gia DS & KHHGĐ và tuần báo Văn nghệ tuyển chọn xuất bản”. Tựa đề Búp Bê Lên Sáu được chọn là tựa của tuyển tập.
Khoảng những năm thập niên 80, tôi thường sáng tác Thơ châm biếm đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau đó tôi quen anh Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) trong đoàn phim “Đứa con bị từ chối” của Hãng Phim Giải Phóng. Anh vừa là diễn viên trong phim, vừa nhận làm trợ lý cho họa sĩ thiết kế Vĩnh Bảo. Biết tôi có khả năng văn chương, anh nói:
- Em viết bài về Điện ảnh đi. Nếu không biết gì thì để anh chỉ cho.
Nghe lời anh, tôi tập tành viết báo. Bài đầu tiên của tôi đăng trên báo Tuổi Trẻ là bài viết về nhà quay phim, đạo diễn phim tài liệu Đinh Anh Dũng. Gặp tôi, chị Cát Vũ phóng viên báo Tuổi Trẻ khen động viên:”Viết khá đó Sĩ. Chuẩn bị bài mới cho tôi đi”.
Về sau vì bận rộn làm phim, tôi viết ít đi, thỉnh thoảng chỉ có vài bài thơ và truyện ngắn gởi Tạp chí Văn.
Từ khi có Facebook tôi ngưng gởi bài cho báo. Được sáng tác gì mới tôi đều up lên face. Ngoài ra tôi còn mua tên miền và hosting để làm trang web “Blog thơ và truyện của Sĩ Huỳnh”.
P/S:
Có bài này mình đăng trên Facebook ngày 06/4/2013, giờ chép lại các bạn xem:
*Hồi năm 1973, mềnh có gửi bài thơ dưới đây cho một tờ nhật báo của Saigon cũ và được đăng, nhưng không ngờ cũng bị báo đó kiểm duyệt, bỏ hết 4 câu.
Khóc chẳng vơi sầu quê hương mình chinh chiến
Nhìn mẹ hiền anh nghe xót tâm tư
Thương nhớ người cha ra đi ngoài súng đạn
Mấy năm rồi không nhận được tin thư
Rồi hình bóng ngày xưa bừng sống dậy
Đêm Việt Nam mơ đất mẹ thanh bình
Trên chiếc cầu hôm nào đôi nhịp gẫy
Anh đứng nhìn dòng sông nhỏ xinh xinh
Không nói nên lời anh nghẹn ngào rướm lệ
Nắng yên bình trãi khắp nẽo quê hương
Cha trở về vun mảnh vườn bỏ phế
Cho mẹ hiền tìm lại chút yêu thương
Ngỡ thanh bình đã về trên đất Việt
Nào ngờ đâu tiếng súng nổ vang trời
Sực tỉnh, hoa lòng anh tan tác
Dòng sông nhuộm máu lệ đầy vơi
Anh vẫn thấy u sầu trong mắt mẹ
Bóng hình cha còn biền biệt xa ngàn
Và Bắc Nam vẫn hai miền phân rẽ
Để thêm buồn khi đón gió xuân sang!
*Bài này mềnh ghi lại nguyên văn, còn 4 câu bị cắt bỏ là:
Rồi hình bóng ngày xưa bừng sống dậy
Đêm Việt Nam mơ đất mẹ thanh bình
Trên chiếc cầu hôm nào đôi nhịp gẫy
Anh đứng nhìn dòng sông nhỏ xinh xinh.
Chà, mấy chục năm rồi mà không hiểu sao bữa nay mềnh có thể viết lại nguyên bài thơ này. Hình như chỉ có nhạc và thơ là người ta có thể nhớ lâu được ^^
(06/4/2020)