Lạc quan, đam mê và động lực cuộc sống


Có một điều thật kỳ lạ: Dù về hưu đã lâu, tôi vẫn chưa bao giờ cảm thấy mình già. Tôi cũng không có người bạn già nào. Bạn bè của tôi toàn là người trẻ, có người kém tôi đến 30 tuổi. Đồng trang lứa với tôi chẳng có ai thân. Mà họ thì có lẽ đã già thật rồi, vì chả thấy ai chơi Zalo, Facebook và chưa có người nào gặp tôi để cà phê cà pháo, dù chỉ một lần.
Hơi buồn khi bị gọi là chú, trong khi vợ tôi thì được gọi là chị, nhưng riết rồi cũng quen. Vợ tôi nhỏ hơn tôi 26 tuổi, vậy mà chúng tôi đi bên nhau vẫn xứng đôi. Dáng đi của tôi vẫn còn mạnh dạn lắm. Bạn bà xã tôi nói với cô ấy: “Anh ấy đi, nhìn sau lưng rất giống thanh niên”. Nghe cũng mừng. Có điều mắt tôi cận nặng lại thêm bị đục thủy tinh thể nên tầm nhìn có bị hạn chế. Nhưng nói chung, tôi chưa bao giờ nghĩ mình già.

Dù đã là ông nội của ba đứa cháu nhưng ở một mối quan hệ khác, tôi lại là “ba Sĩ” của mấy đứa nhỏ, là con của mấy đứa em vợ tôi. Về nhà vợ, tôi là con rể của mẹ vợ, là anh của mấy cô em vợ, của mấy em cột chèo và là “ba Sĩ”. Ở nhà vợ tự dưng tôi trẻ ra, hoàn toàn không có các danh xưng chú, bác. Với tôi đó chính là một cơ may kỳ lạ: cưới được cô vợ trẻ và có được các mối quan hệ khiến tôi được trẻ ra.
Nhưng thật ra “cái sự trẻ” của tôi không phải chỉ nhờ vào mối quan hệ hay xuất phát từ ý muốn chủ quan, mà chính là dựa vào một “tâm hồn tươi trẻ”. Chính sự lạc quan, yêu cuộc sống, lòng vị tha và sự nhẫn nại đã giúp tôi luôn có được nụ cười trên môi, tiếng cười sảng khoái. Đó là những viên thuốc bổ mỗi ngày để duy trì tuổi trẻ cùng với đam mê và động lực sống.
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (*)
10/6/2022
Sĩ Huỳnh
(*) Câu thơ của tác giả Kahlil Gibran (1883-1931), một thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban. Những câu thơ này được trích trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet) xuất bản năm 1923, năm 1993 được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch lại.