Nỗi nhớ bên đời
Đầu óc tôi chứa nhiều dữ liệu quá, có thứ cách đây đã 60 năm trời. Bởi vậy, với khối não đầy ắp sự kiện, những điều mới mẻ thường rụng rơi, không vết tích, khiến tôi quên bẳng.
Tôi nhớ những buổi sáng, mới 4 giờ ba má đã dậy chuẩn bị các thứ để 5 giờ ra chợ bán. Chị em tôi đang say giấc, riêng tôi cứ giờ đó lại thức, nằm nghe ấm nước sau bếp sôi re re, tiếng bước chân xèm xẹp nho nhỏ tới lui, tiếng ba lâu lâu ho húng hắng, tiếng má thỉnh thoảng che miệng ngáp dài. Có lúc tôi thức dậy, leo xuống giường bước ra nhà sau, dụi mắt nhìn ba má vừa chuẩn bị xong, chờ xe lôi đến đón. Tôi nói, giọng ngái ngủ:
- Cho con đi với.
Má tôi nhìn ba tôi không thấy nói gì liền bảo:
- Đi đánh răng rửa mặt đi.
Tôi mừng, lập tức làm theo lời má rồi chạy vô thay bộ đồ. Chú Năm xe lôi đã tới, kêu ngoài cổng rào nhà sau:
- Anh hai chị hai ui…
Má tôi chải đầu cho tôi, giục:
- Đi con.
Chúng tôi ngồi lên xe. Chú Năm cười hỏi tôi:
- Ủa, nay con không đi học sao mà theo ba má ra chợ vậy?
Tôi lễ phép:
- Dạ, bữa nay chủ nhật.
Chú Năm chép miệng:
- Riết rồi quên ngày quên tháng luôn.
Không dưng tôi lại nhớ hồi 5,6 tuổi, mỗi lần đi ngoài là ra ngồi cầu cá. Tôi không quen ngồi trên hai miếng ván bắc từ bờ ra, mà ngồi luôn vào nhà cầu. Cầu có lợp mái lá đàng hoàng nên nhiều người thích đi. Một thời gian sau, ba má tôi cho xây phòng tắm và toilet ở phía nhà sau. Tôi nhớ mãi chuyện một bữa kia đang ngồi cầu cá, có bà nọ ở đâu chạy vội đến, thúc giục tôi:
- Ra ngoài ngồi đi thằng nhỏ. Cho bà đi cái coi. Mắc quá hà.
Tôi vén quần bước ra. Bà nọ tọt một cái vào trong nhà cầu, còn chép miệng:
- Nít nhỏ bày đặt ngồi trong đây làm gì không biết.
Còn chuyện học hành của tôi nữa. Thời gian đó ba má mướn nhà trong phố bà Hai Đính, cách nhà cũ chừng 3 cây số. Lúc đó tôi chuẩn bị vào lớp năm (lớp 1 bây giờ). Bữa kia vào trường được phát cho quyển quốc văn, bìa dày, giấy trắng ảnh màu thơm phức. Tôi mang về cứ ôm lấy coi suốt. Lúc đầu cô giáo dạy tập đồ bằng bút chì theo chữ in sẳn . Vài tháng sau chuyển sang đồ bằng bút mực. Cây bút với ngòi viết lá tre, chấm vào bình mực tím. Giờ tôi đã quên, không biết lúc ấy để lọ mực vào cặp như thế nào mà không khi nào bị đổ.
Trí não tôi cứ lan man từ chuyện nọ xọ chuyện kia, không theo thứ tự thời gian. Tôi nhớ tiệm Trắng, do chị em tôi tự đặt tên vì là tiệm tạp hoá sơn toàn trắng. Tôi hay đến mua bánh con cá, kẹo đậu phộng, bánh lỗ tai heo. Có khi mua cuộn dây nhợ về để thả diều, mua cây chong chóng bằng thiếc, vuốt một cái là cánh bay lên cao, lượm gắn vào vuốt tiếp. Giờ tôi còn nhớ mùi thơm của chiếc bánh con cá, thoảng hương bay suốt thời thơ dại.
Không dưng tôi lại nhớ chuyện cách đây hơn một năm, thời gian Hồng, em vợ tôi vào vườn bơ ở Gia Canh, Định Quán để mua bơ đem về Long Thành bán. Hồng dạy học ở Phước Thái, rảnh là lên mạng bán online. Từ Định Quán đi Long Thành hơn trăm cây số mà Hồng thồ hàng bằng xe máy, kín cả trước sau. Bơ luôn luôn bán hết theo đơn đặt hàng, cuối tuần Hồng lại về mua chở đi tiếp. Được bao nhiêu tiền lời Hồng đem cho mẹ hết, để mẹ đi chợ, đi khám bệnh. Hồng còn chỉ cho vợ tôi cách mua bán. Cả một mùa bơ vợ tôi kiếm được gần 10 triệu. Tôi nghĩ, mình hay nhớ chuyện này có lẽ do phục cô em vợ quá, chừng như cả thế gian này chỉ có một cô Hồng ấy mà thôi.
Tôi lại nhớ đến cái cách vợ tôi khuyến khích tôi, dần dần đi từ chỗ đăng ký kết hôn, làm Thánh lễ hôn phối trong Nhà thờ rồi tổ chức tiệc báo hỷ, mời bà con hàng xóm đến dự. Vợ tôi còn chủ động làm tiệc mời bạn bè, đặt 2 bàn dài, kín hết 50 chỗ. Vậy là vợ chồng tôi đã làm đủ thủ tục, đủ lễ. Mỗi lần nhớ lại, tôi luôn thầm cám ơn cô vợ trẻ.
Còn biết bao nỗi nhớ khác, kể không hết trong một bài viết, đành hẹn tiếp lần sau. Có một điều dễ nhận thấy qua các bài ghi chép của mình, là đầu óc mình không có khả năng dung nạp các câu chuyện buồn. Những gì không vui, từ lâu đã sớm chìm sâu trong tiềm thức.
(03-11-2020)