

Lúc vợ tôi sinh thằng con đầu lòng, tôi chưa có phim để đi nên hàng ngày vào bệnh viện Từ Dũ thăm nom, lấy đồ em bé về giặt. Tôi chơi thân với chú Ba bảo vệ khu nhà tập thể, sáng nào cũng cà phê với chú. Nhớ hôm đó giặt giũ quần áo cho con trai xong, tôi xuống quán ngồi với chú, khoe:
- Vợ con sinh con trai rồi chú.
Chú Ba cười khoái chí:
- Vậy là mày ngon rồi.
Tôi nhớ không lầm thì thằng bé sinh ra chỉ có 2,8 kg. Vợ tôi nói nếu bé dưới 2,7 kg thì phải nằm lồng kính. Thiệt là may mắn.
Nằm viện được một tuần thì bác sĩ cho về. Bạn bè tôi trong khu tập thể nhiều người ghé thăm, vì kiêng kỵ nên chỉ nói “thấy ghét quá”. Mà thấy ghét thật, bé trán cao, mũi dọc dừa, làn da trắng hồng. Vậy là gia đình tôi thêm được một thành viên nữa. Tôi lấy bút hiệu của mình làm tên cho con trai. Huy Sinh là tên ký dưới mỗi bài báo của tôi. Tôi có người ông, cậu của má, thứ bảy nên chúng tôi gọi là ông Bảy. Một hôm ông nói với cả nhà:
- Thằng Sĩ gan quá, dám đặt tên con là Hy Sinh.
Mọi người cười lên vui vẻ, cho là ông nói đùa. Nhưng tôi lại nghĩ chắc ông nghe nhầm Huy Sinh thành Hy Sinh. Ông tôi rất thương cháu, tuy già yếu rồi mà cũng ghé thăm được mấy lần. Bà Tám, em ông Bảy, dì ruột của má tôi cũng vậy, đến thăm và cho quà. Cuộc sống hàng ngày chỉ có vợ chồng và đứa con nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Chúng tôi không hề than vãn neo đơn, thiếu sự chăm sóc của hai bên nội ngoại. Cha mẹ của chúng tôi đã già yếu. Gia đình vợ tôi lại ở quá xa, tận miền Trung, cách Sài Gòn gần tám trăm cây số.
Có ông anh thứ ba của vợ tôi đi dạy học ở Bến Tre, tuần nào cũng lên mua thuốc tây về bán, ngủ lại nhà tôi một đêm. Anh Ba có con gái đầu lòng rồi nên rất khoái con trai. Ghé chơi, anh cứ ẳm bồng bé Sinh suốt, dặn dò vợ tôi đủ điều. Nhớ lần đó, sinh em bé mới được hai tháng vợ tôi bị ra máu. Vợ chồng hoảng quá không biết làm sao. May có anh Ba lên, tôi kể anh nghe, anh rất bình thản, bảo:
- Không sao đâu. Tại có kinh nguyệt sớm đó thôi.
Tôi vẫn không yên tâm nên đưa vợ vô Từ Dũ khám. Bác sĩ cũng nói y như anh Ba vậy.
Bé Sinh càng lớn ai cũng nói giống tôi, không bụ bẩm nhưng chắc khỏe và dễ thương. Thôi nôi bé có anh bạn tôi đến chụp cho mấy bô hình. Lúc đó chưa có ảnh màu, chỉ đen trắng. Lúc về thăm ông bà ngoại, cha vợ tôi xin mấy tấm để trên mặt chiếc bàn lớn ở phòng khách, dưới lớp kính dày. Khách đến nhà là cha tôi khoe liền. Ai cũng khen cháu sáng lán, thông minh.
Bé Sinh mới được hai tháng tuổi thì tôi phải đi làm phim ở Long Hải, nhờ đứa em gái ở Bến Tre lên phụ. Tôi đi đi về về thăm con. Đến lúc bé được năm tháng thì phim đó xong tôi phải đi phim khác, quay tận Lâm Đồng. Nhớ quay được một tháng tôi về thăm, vợ tôi bế con ra cửa đón. Tôi đưa hai tay ra vỗ vỗ, ý muốn ẳm thì bé cười lên thích chí nhưng lại rúc đầu vào ngực mẹ. Phải làm mấy lần bé mới chịu qua tôi. Đó là thời gian bé được sáu tháng tuổi.
Lúc tôi đang quay ở Long Hải thì được tin đoạt giải nhì cuộc thi truyện ký và thơ do Thành đoàn tổ chức. Kết quả được thông báo trên tờ Tuổi Trẻ, vợ tôi đọc được. Tôi không về dự lễ trao giải được nên ủy quyền cho vợ tôi lãnh tiền. Vợ tôi mua được một chỉ vàng, điện thoại nói với tôi: “Chỉ vàng này là của bé Sinh đó nhé. Hi hi”.
Nghỉ sinh được sáu tháng xong vợ tôi phải đi làm. Cô ấy là điều dưỡng khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy. Trong bệnh viện cũng có một nhà trẻ để nhân viên gởi con nhỏ, sáng đưa chiều đón. Vợ tôi gởi con, giữa giờ làm lại xuống thăm bé. Sinh thích ứng nhanh với môi trường mới. Giờ nhớ lại thấy tội nghiệp hai mẹ con. Vì mưu sinh mà tôi ít được cận kề để phụ vợ một tay chăm lo cho con nhỏ. Những ngày tháng ấy vợ tôi vô cùng cực nhọc. Sáng đi làm bằng xe đạp, chở con ngồi trên chiếc ghế nôi, chiều chở về. Những ngày mưa bão phải trùm áo đi mưa, thằng bé cứ loi choi hoài trên ghế. Vợ tôi kể, đến lúc biết đi rồi, con trai đâu chịu ngồi yên như vậy mà cứ đứng lên, đòi vén áo mưa khiến cô ấy vừa đạp xe vừa phải để ý con, sợ con té. Đoạn đường từ quận 3 vào quận 5 như dài ra trăm cây số.
Gởi bé Sinh ở nhà trẻ bệnh viện được có mấy tháng, vì bất mãn cô giáo tắc trách, vợ tôi cho bé đi nhà trẻ ở gần chợ Vườn Chuối. Lên ba tuổi, chuyển bé vô trường mẫu giáo cũng gần đó, nằm trên đường Điện Biên Phủ gần ngã tư Cách Mạng Tháng 8. Cô hiệu trưởng trường này thích bé Sinh lắm, khen bé ngoan và lanh lợi. Hồi đó tôi mới mua được chiếc Suzuki cũ, cho bé ngồi phía trước chở đi chở về, có lúc chạy một vòng ra Hồ con rùa cho bé hóng mát.
Cuối tuần, thỉnh thoảng vợ chồng tôi lại đi xem ca nhạc ở sân khấu Cầu Vồng 126 gần ngã sáu Công trường dân chủ. Bé Sinh thích lắm, vô đó là tung tăng chạy giỡn, rồi ăn kem, mua bong bóng. Nói là coi ca nhạc chứ vào đó vợ tôi cứ theo con chạy loăng quăng suốt, sợ con bị lạc. Niềm vui bên đứa con đầu lòng đã lấn át tất cả nỗi niềm cay đắng xót xa khi phải thường xuyên vắng chồng, phải một mình chăm con. Dù sau này phải chia tay tôi vẫn không thể nào quên được những năm tháng ấy, vẫn mãi ân hận vì đã để cô ấy một mình.
Rồi bé Sinh lớn nhanh, mới đó mà đã vào lớp một trường Hai Bà Trưng ở quận nhất. Bé chăm ngoan, học giỏi, ở nhà chung cư nhưng không chơi với ai, cứ ở trong nhà. Năm Sinh 13 tuổi, đời sống khó khăn tôi phải tìm việc làm thêm. Có ông bạn ở lầu hai chuyên làm những thứ đồ cho người ta chơi hòn non bộ, như hai ông tiên đánh cờ, con hổ, con cò bay, cò đậu…Vật liệu là dầu hắc và các loại sợi đồng to nhỏ. Nghe tôi than vãn, anh nói sẽ chuyển việc làm cò bay, cò đậu cho tôi, lại còn bỏ mối dùm tôi nữa. Với người khác, việc dạy nghề này phải lấy tiền ít nhất là bốn chỉ vàng.
Thế là tôi bắt đầu làm cò, sắm một bếp dầu nhỏ, một cái nồi, một thau đựng nước, mua nguyên liệu dầu hắc và dây đồng. Nấu chảy dầu hắc ra, dùng que quết lên khung dây đồng đã uốn trước đó rồi vừa nhúng nước vừa nắn cho thành hình con cò đậu. Làm xong, thường là 50 con, cắm vào tấm móp để chiều về cơm nước xong vợ tôi nhúng sơn trắng, sơn chân và mỏ cò màu đỏ rồi cắm tiếp xuống tấm móp để phơi. Đến chiều hôm sau là bầy cò khô ráo, nhờ anh bạn đem đi bỏ mối.
Riêng về con cò bay, anh bạn dạy cách thắt dây đồng nhưng tôi tối dạ quá, thắt hoài không được. Anh bạn bảo:
- Mày kêu thằng Sinh xuống đây tao chỉ nó cho lẹ.
Quả nhiên loáng một cái Sinh đã biết thắt dây đồng để làm sườn cò bay. Vậy là ngày nào cũng vậy, trước giờ đi học Sinh ngồi làm 50 cái sườn cho tôi. Tôi làm từ trưa tới chiều tối là được 50 con cò bay, cắm vào mốp cho vợ tôi nhúng sơn, kẽ chân kẽ mỏ. Cuộc sống vợ chồng tôi được cải thiện thấy rõ.
Năm Sinh được 7 tuổi thì vợ tôi sinh thêm bé trai nữa, đặt tên là Huy Thịnh. Lúc đặt tên con tôi không để ý gì, đến hồi có người bạn tên Huy Thịnh hỏi: “Ông đặt tên thằng bé là gì vậy?” tôi mới sực nghĩ ra, giả bộ không nghe, nói lãng sang chuyện khác.
Sinh thương em lắm, đi học thì thôi, về nhà là chơi với em suốt, có lúc còn ru em ngủ. Những đêm vợ tôi đi trực, ba cha con ở nhà, tôi vừa trông Thịnh vừa xem phim kiếm hiệp Hong Kong, Sinh không biết gì nhưng vẫn xem chung với tôi, thích những màn phi thân đánh kiếm. Lớn thêm mấy tuổi nữa, Sinh chơi game còn tôi vẫn xem phim và chơi với Thịnh. Lâu ngày cha con tôi “khoái” mẹ đi trực hơn ở nhà.
Cuộc sống cứ bình lặng trôi xuôi, tôi vẫn đi làm phim, vợ tôi vẫn một mình chăm con. Sinh trưởng thành, thi đâu đậu đó, học trường đại học Khoa học tự nhiên rồi đi làm. Công ty đầu tiên Sinh làm là của một Việt kiều, chuyên về phần mềm máy tính. Lảnh lương được bao nhiêu Sinh đưa hết cho mẹ. Hai mẹ con thường tâm sự về công việc Sinh làm. Mẹ Sinh chê ông chủ keo, trả lương nhân viên thấp. Thế là Sinh vào công ty xin nghỉ. Ông chủ hỏi lý do, Sinh nói “Lương thấp quá không đủ sống”. Có lẽ ông thấy Sinh giỏi việc nên hứa tháng sau sẽ tăng thêm 100 đô nữa. Mẹ Sinh nghe, mừng hết biết.
Lớn lên trong vòng tay mẹ, Sinh thương mẹ nhất. Vợ chồng tôi cãi vả, đến khi to chuyện Sinh đều bênh mẹ. Những lúc bực mình, hờn giận tôi, mẹ Sinh đều ngồi cạnh bên kể lễ với Sinh. Dù lúc đó Sinh có đang học bài cũng nhẫn nại nghe mẹ nói. Nhờ vậy mẹ Sinh nguôi ngoai bớt. Chỉ có một lần, vợ tôi cứ cằn nhằn miết về chuyện mua bảo hiểm, hai đứa con nghe được liền chạy qua phòng tôi. Sinh nói:
- Sao mẹ chửi ba hoài vậy?
Vợ tôi giật mình rồi lại bật cười, có lẽ trông thấy điệu bộ hai thằng con:
- Chửi hồi nào đâu mậy.
Tôi nhìn vợ tôi, cảm thấy dường như cô ấy đang hài lòng, chắc cô ấy đang nghĩ con mình nay đã lớn.
Rồi Sinh lấy vợ, tự lo đám cưới vu quy và tân hôn. Vợ Sinh tên Ngọc Điểm, nhỏ hơn Sinh 4 tuổi. Hai người quen nhau trên mạng. Hiếm có cậu trai nào như Sinh, chỉ quen một người rồi cưới người đó luôn, không có mối tình thứ hai.
Sinh đi làm ở các công ty phần mềm, sản xuất ừng dụng game. Sinh tham gia nhiều cuộc thi viết game, đoạt nhiều giải thưởng. Năm 2011, với trình ứng dụng di động “ Quan và Tí Quậy ”, Sinh đã đoạt giải thưởng cao nhất cuộc thi “Samsung bada – Developer challenge” với giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng.

Hai đứa con tôi, đứa nào cũng ngoan và hiếu thảo. Sinh nay đã có hai con, một gái một trai. Thịnh cũng lập gia đình rồi nhưng chưa có con. Tôi và vợ đã ly hôn, thắm thoát mà cũng đã gần 13 năm. Cô ấy vẫn ở vậy, sống chung với vợ chồng Thịnh và qua nhà Sinh để chăm sóc cháu nội. Tôi thì đã bước thêm bước nữa. Vợ sau của tôi hai đứa con đều biết, chúng rất quý mến vì thấy cô ấy chăm sóc tôi chu đáo. Tôi đã về hưu, hàng tháng ngoài lương hưu ra còn được hai con cho tiền. Tết đến còn có thêm “tiền thưởng”.
Tôi cảm thấy cuộc đời mình như vậy là đã quá hạnh phúc. Mặc dù trong người mang hai chứng bệnh nan y là tiểu đường và suy thận, nhưng con cái vẫn cưu mang đầy đủ.
Một hôm tôi hỏi Sinh:
- Máy tính của ba bị hư rồi. Không biết giá cả máy mới nay là bao nhiêu?
Sinh hồi đáp ngay:
- Ba xài laptop không để con mua cho.
- Thôi, laptop chữ nhỏ lắm, ba không thấy đường.
- Vậy để con mua PC.
- Để ba mua. Ba có tiền. Tại không biết giá thôi.
- Để con hỏi rồi cho ba biết nhé.
Vài tiếng sau Sinh đã nhắn:
- Con mua rồi, cài đặt giờ mới xong. Ba có đang ở nhà không?
- Ba đang ở nhà.
- Giờ con chạy lên.
Nhà Sinh ở quận 6, còn tôi quận 9. Tội nghiệp con tôi đi xa quá.
Sinh lên đến, mang vào máy tính mới mua còn trong thùng, mất cả tiếng đồng hồ để lắp ráp và cài đặt để tôi sử dụng. Nhà tôi xài 3G phát wifi rất chập chờn, mỗi ngày chỉ sử dụng được 2Gb. Đến phần cài đặt Fronpage để tôi làm web thì mạng đứng. Sinh nói:
- Chừng nào có mạng lại ba cứ down tiếp về máy rồi giải nén ra nhé.
- Ừ. Con về đến nhà nhắn tin ba biết nhé.
- Dạ.
Sinh về rồi tôi ngồi thừ người ra bên chiếc PC mới còn đang mở. Thương thằng con quá. Và nhớ hai đứa cháu nội, nhớ nhất là ku Tủn mới được sáu tháng tuổi. Lâu lắm rồi tôi chưa đến thăm.
Hơn một tiếng sau thì có tin nhắn của Sinh, báo đã về tới nhà. Tôi nhắn:
- Ủa, nãy ba quên hỏi: hôm nay con nghỉ làm hả?
- Dạ, con xin nghỉ một ngày.
(05/5/2020)




