Thời tuổi trẻ của tôi


Tôi được vinh dự làm phim cùng với các đạo diễn tên tuổi như Lê Dân, Bùi Sơn Duân (Lam Sơn), Lê Hoàng Hoa (Khôi Nguyên) là lớp đạo diễn thời trước 1975, cùng với các đạo diễn cách mạng như Hồng Sến, Huy Thành, Lê Văn Duy, Lâm Mộc Khôn (Khương Minh Tuyền). Các đạo diễn trẻ tôi có dịp cộng tác như Hồ Ngọc Xum, Võ Việt Hùng, Đinh Thái Thụy, Xuân Cường, Lê Hoàng…Mỗi đạo diễn đều có phong cách làm việc khác nhau. Nhưng về điểm chung thì có một câu mà đạo diễn nào cũng phải nói trên hiện trường. Đó là câu nói dõng dạc:
▪︎ Máy! Diễn!
Có nghĩa ra lệnh cho quay phim bấm máy và diễn viên đồng loạt diễn xuất.
Xong một cảnh, đạo diễn sẽ hô lên:
▪︎ Cắt.
Ít khi diễn một lần mà đạt. Một cảnh có thể làm lại hai, ba lần là chuyện bình thường. Có đôi lúc diễn viên diễn không đạt phải quay lại chín, mười lần. Các đạo diễn rất kiên nhẫn, không ai la rầy diễn viên.
Đạo diễn Hồng Sến có một đặc điểm mà không đạo diễn nào có, là luôn sẵn sàng biến mình thành một nhân viên dựng cảnh, sẵn sàng lao xuống sông nước để dọn dẹp chà gai thiết kế bối cảnh, đôi khi khiến họa sĩ thiết kế phải e ngại.
Có một điều dễ nhận ra ở các đạo diễn, là khi tuổi già kéo đến, niềm hăng say, yêu nghề càng tăng thêm, không hề có chút suy giảm. Tôi làm việc với họ mấy mươi năm cho đến ngày họ qua đời, như các anh Hồng Sến, Lê Dân, Lâm Mộc Khôn, Bùi Sơn Duân, Lê Hoàng Hoa, Huy Thành…đều mất khi vẫn còn đang sung sức, trong tay đang có nhiều dự án làm phim.

Thời những phim như Mùa Gió Chướng, Cánh Đồng Hoang, Ván Bài Lật Ngữa, Về Nơi Gió Cát…đã tô hồng cho tên tuổi Hãng phim Giải Phóng cũng như khẳng định vị trí của các đạo diễn Hồng Sến, Lê Hoàng Hoa…trong lòng khán giả. Mấy chục năm rồi vẫn không thiếu người tìm xem các bộ phim kinh điển ấy trên Youtube.
Thời đó làm phim chiến tranh được quân đội duyệt cho mượn xe tăng, máy bay chiến đấu, ca nô, tàu bè…cấp cho nhiên liệu, thậm chí điều động cả ngàn chiến sĩ để đóng diễn viên quần chúng. Thời nay các đoàn phim không thể đủ kinh phí để thuê các phương tiện quốc phòng nữa. Muốn thực hiện lại bộ phim Cánh Đồng Hoang hay Mùa Gió Chướng hầu như là việc bất khả thi.
Phim đầu tiên tôi đi thực tập do chú Huy Thành làm đạo diễn. Phim được chuyển thể từ kịch bản cải lương có tựa đề Và Như Thế Tội Ác. Kịch bản điện ảnh mang tựa Như Thế Là Tội Ác, khi phân cảnh đạo diễn lại thay tựa là Người Bị Săn Đuổi. Đến khi hoàn tất phần hậu kỳ, đến khâu Generique, chú Huy Thành lại sửa tiếp thành Sống Trong Tình Yêu, Chết Trong Hạnh Phúc. Tuy nhiên khi Ban giám đốc duyệt lại yêu cầu lấy lại tựa đề Như Thế Là Tội Ác.
Qua phim này tôi mới thấy bên ngành điện ảnh người ta đối xử với diễn viên ngôi sao như thế nào. Trong phim, chú Huy Thành mời diễn viên Thẩm Thúy Hằng đóng vai nữ chính. Từ việc ngồi nghỉ giải lao trên hiện trường đến việc ăn trưa, ăn tối của nữ minh tinh đều được đoàn phim tiếp đãi một cách trọng thị. Chuyện ấy lại diễn ra trong thời bao cấp- năm 1979.
Tôi được phân công đi một phim của anh Tư Hồng Sến, nhưng lại là bộ phim gia công cho tư nhân. Phim này anh Tư làm có vẻ nhàn nhả hơn, không phải “lên bờ xuống ruộng”. Bộ phim điện ảnh mang tựa đề Đoạn Cuối Thiên Đường, tác giả Phạm Thùy Nhân, nhà đầu tư Lâm Huỳnh Du và diễn viên Thúy An. Phim kể về câu chuyện của anh nông dân (Thương Tín đóng) bỏ ruộng đồng để theo cô đào hát (Phương Hồng Thủy). Tôi còn nhớ mãi bối cảnh quay đoàn hát ở đình Minh Phụng quận 6, có rất đông diễn viên quần chúng trong vai khán giả. Anh Huỳnh Du sợ bị trợ lý đạo diễn kê khống số người để ăn tiền. Tôi bảo anh làm phiếu phát cho từng người, đóng xong ai có phiếu thì lĩnh thù lao.

Thời kỳ bắt đầu mở cửa, tôi là người được phân đi phim gia công nhiều nhất. Các phim Bông Lục Bình, Phù Sa, Đoạn Cuối Thiên Đường quay ở Tháp Mười, Lấp Vò, Long An. Phim Phù Sa quay được nửa phim thì tôi bị sốt rét ngã nước do tắm sông phải về Sài Gòn 10 ngày để điều trị. Phim Bông Lục Bình, đoàn phim được bố trí ở bệnh viện huyện Tháp Mười, mỗi ngày đi quay bằng tàu lớn, 3 tiếng mới đến bối cảnh.
Phim thứ hai tôi đi với đạo diễn Huy Thành là bộ phim thiếu nhi Đất Lạ, quay ở Phan Rang và Huế. Đó là lần đầu tiên tôi biết Huế, biết cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, biết cơm Âm phủ, biết trái vả, biết cơm hến, biết vị đặc biệt của bún bò Huế mà không ở đâu có.
Tôi có duyên với đạo diễn Lê Dân, làm với ông những 3 phim: Đứa Con Bị Từ Chối, Giai Điệu Xanh và Hai Chị Em. Với đạo diễn Lê Văn Duy cũng 3 phim: Hoa Cát, Người Không Mang Súng, Bông Lục Bình. Làm với đạo diễn Bùi Sơn Duân 2 phim: Tiếng Đàn và Ông Hai Cũ. Đi với đạo diễn Lê Hoàng Hoa phim Ván Bài Lật Ngữa tập 4 (Cơn Hồng Thủy Và Bản Tango Số 3) và phim Đằng Sau Một Số Phận. Làm cùng đạo diễn Lâm Mộc Khôn 2 phim Đêm Nước Rong và Phù Sa.
Mỗi bộ phim, mỗi đạo diễn với tôi đều ăm ắp kỷ niệm. Đó là thời bao cấp, thời vàng son của phim nhựa mà tôi không thể nào quên. Thời bây giờ là của phim tư nhân, của Hai Phượng, Bố Già, Lật Mặt…là những bộ phim có doanh thu trăm tỷ. Tôi đã về hưu, không còn cơ hội để tham gia vào dòng phim thị trường này nữa. Giờ ngồi bâng khuâng, ký ức chợt ùa về. Thời tuổi trẻ của tôi đây rồi. Tôi nhớ…
(27/10/2021)