

Thập niên 80-90 ở quận 3 Sài Gòn có nhiều quán ăn lề đường rất ngon. Sáng đưa con đi mẫu giáo, hai cha con tôi bữa thì ăn hủ tíu gà ở góc đường Võ văn Tần- Trương Định, hôm thì ăn hủ tíu Nam vang ngã tư Lê quý Đôn- Võ văn Tần, có khi ăn cơm tấm “dừa rụng” gần ngã tư Ngô thời Nhiệm- Nguyễn Thông. Gọi là “cơm tấm dừa rụng” vì quán nằm trên lề có cây dừa, lâu lâu rụng xuống một trái, tuy cách bàn ngồi một khoảng nhưng cũng khá nguy hiểm. Từ bữa đang ngồi ăn gặp dừa rụng, cha con tôi bỏ quán đó luôn.
Tôi có hai thằng con cách nhau 7 tuổi, mỗi sáng sớm có nhiệm vụ đưa con đi nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học. Thập niên 80 thì đưa đón thằng con đầu. Thập niên 90 đưa đón thằng út. Hai con tôi luôn được ăn sáng rẻ mà ngon, nên sau này khi trưởng thành, được ba rủ ăn sáng ở mấy tiệm mắc tiền, hai đứa tỏ vẽ không hài lòng, mời thêm lần sau thì không đi nữa. Tôi rất ghiền phở Dậu ở hẻm Khu phố 4 đường Nam kỳ khởi nghĩa, rủ hai đứa con đi ăn, chỉ được một lần, từ đó đến nay không có lần thứ hai. Đứa nào cũng chép miệng “Mắc quá ba ơi”.
Thuở đó có ba quán hủ tíu Nam vang lề đường của ba chị em, một trai hai gái, bán gần nhau trên trục đường Lê quý Đôn, Võ văn Tần, Trần quốc Thảo. Cha con tôi hay ăn, thấy khẩu vị ba quán giống nhau nên thắc mắc và được ông chủ quán cho biết như vậy. Điều đáng nói là cả ba quán hủ tíu đều bán đắt, khách đông có lúc không còn chỗ ngồi.
Hủ tíu gà ở góc Võ văn Tần – Trương Định có lẽ là ngon nhất mà từ lâu lắm rồi tôi không còn được thưởng thức. Quán lề đường ấy bán chưa được một năm đã dọn đi đâu mất. Tôi nhớ mãi vị nước lèo thơm mùi mỡ gà, những miếng thịt gà to, dai dai như thịt gà ta, những miếng da gà beo béo. Khách luôn đông nhưng không ai phải chờ lâu. Bà chủ mập béo tròn trĩnh, ít cười nhưng gương mặt chừng như lúc nào cũng rạng rỡ. Có nhiều quán ăn lề đường cực ngon nhưng khi dẹp rồi thì chẳng biết đi đâu, như quán bún bò góc Lê thánh Tôn – Thi Sách. Sau này có người bạn cho tôi biết quán dời về đường Nguyễn Xí gần D2 nhưng tôi “quần thảo” khu đó hai lần rồi mà không thấy. Bún bò nấu rất khó ngon. Không có quán nào có thể so sánh được với quán ấy. Có một thứ mà chỉ ở quán ấy mới có, đó là thịt giò bằm cuốn lại hầm trong nồi nước lèo, khách kêu thêm thì xắt ra từng khoanh cho vô dĩa.
Còn có quán phở gà kiểu Bắc, lúc đầu nằm ở góc đường Lê quý Đôn – Ngô thời Nhiệm, ngay trường Marie Curie. Sau quán dời vào bên trong trường, cổng Điện biên Phủ. Tô phở thịt gà xé, nhiều rau tươi cắt nhỏ. Còn có trứng non nữa, khách kêu thêm mới có. Vị phở thơm ngất ngây, nước lèo trong vắt, ai thích thì kêu thêm chén nước béo. Về giá cả, không thể còn quán nào rẻ hơn. Có một hôm đang ngồi ăn, thấy bà chủ hàng đang tiếp một cậu chuyên bỏ mối gà làm sẳn. Cậu ta cứ thuyết phục bà chủ bỏ mối cũ để lấy gà của mình, đưa ra giá cả hấp dẫn. Mấy hôm sau tôi ghé ăn, thấy thịt gà quá bở, khách ai cũng phàn nàn. Vậy là bà chủ phải lấy lại mối gà cũ.
Hàng cơm tấm trên lề đường gần chợ Vườn Chuối, nhỏ mà có võ, thấy khách mua mang đi khá nhiều. Miếng sườn to to, mỏng mỏng, thơm mùi thịt nướng, miếng chả cắt vuông vức, thơm mùi trứng, cọng bì trộn thính ngon như nhà mẹ làm, nước mắm pha tí ớt, ai thích ăn cay thì múc thêm nửa muỗng ớt trong hủ nhỏ. Thằng con út tôi có vẻ thích cơm tấm quán này.
Còn tiệm phở lề đường góc Bà huyện Thanh Quan -Nguyễn thị Diệu, có từ lâu đời, cha con tôi cũng thường ghé ăn, nhưng có một bữa thấy có con sâu to đùng bò lắng quắng trong dĩa rau thơm, tôi thấy gớm quá nên bỏ quán. Cũng tiếc, vì phở rất ngon, hương vị không lẫn với tiệm nào khác.
Còn có mấy quán ăn lề đường nữa ở trung tâm quận 3, thường chỉ tồn tại một thời gian không lâu, phải nói là vừa ngon vừa rẻ mà thời nay không còn. Không hiểu người ta nấu nướng thế nào mà càng ngày càng dở, không còn giống như lúc xưa, đó là chưa nói đến trong gia vị nêm nếm còn pha thêm hoá chất gì đó nữa. “Bí quyết gia truyền” ngày nay dường như đa số đã “thất truyền” và hình như khách ăn cũng ít quan tâm đến.
(06.11.2020)