Tiếng Sài Gòn

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Tiếng Sài Gòn nói riêng hay Nam bộ nói chung có nhiều đặc điểm mang tính dân gian, không sang trọng điệu đà như miền Bắc hay thâm trầm như tiếng Huế.

Lấy ví dụ như tiếng “dạ” có nghĩa là đã nhận biết, đã hiểu hay là lời đáp lễ phép, giống như tiếng “vâng” của miền Bắc nhưng lại biến tấu rất đặc biệt:
▪︎ “Dạ” với âm điệu bình thường có nghĩa là đã nghe.
▪︎ “Dạ” lên giọng một chút, như chữ “dã” thì có nghĩa là không nghe rõ, nhờ lặp lại.
▪︎ “Dạ” xuống giọng nghĩa là đã hiểu.

Người Sài Gòn khi cầm điện thoại lên hay nói “Dạ a lô”. Tôi có phê bình mấy đứa nhỏ nhưng bọn chúng cứ cười hì hì. Riết rồi tôi cũng quen với chuyện ấy và cho đó là một cách nói chuyện lễ phép và người gọi chắc cũng vui lòng.

Nhưng dùng với nghĩa nào, gốc rễ của tiếng dạ vẫn là lễ phép. Cho dù đôi khi không tâm phục, dạ một cách hững hờ, hoặc tỏ ý phản kháng, xẳng giọng thì thái độ ấy cũng chỉ là diễn ra sau lưng, còn trước mặt vẫn là cái nép mình theo khuôn phép.

Còn nhiều từ khác nữa từ rất lâu đã thành “thổ ngữ” của người Sài Gòn, đến đỗi một người miền khác dù có giả giọng Sài Gòn chuẩn cỡ nào mà nói chuyện không dùng thổ ngữ cũng dễ bị phát hiện. Ví dụ như:
▪︎ “Bữa hôm đó” –> người Sài Gòn nói là “Bữa hổm”.
▪︎ “Từ bữa đó đến bữa nay = Hổm rày.
▪︎ “Ông ấy / Bà ấy / Anh ấy / Chị ấy / Cô ấy” –> người Sài Gòn nói là “Ổng / Bả / Ảnh / Chỉ / Cổ”.
▪︎ Ở trong ấy = ở trỏng.
▪︎ Ở bên ấy = ở bển.
▪︎ Ở ngoài ấy = ở ngoải.

Người Sài Gòn kể cũng lạ, rõ ràng là mua một món đồ nhưng lại bỏ qua chữ “bán”:
▪︎ Cho một chén chè đi!
▪︎ Cho tô phở!
▪︎ Cho 10 đồng hành lá.

Trong bài “Tiếng Nam tiếng Bắc: có khác gì nhau?” của PGS. TS. Phạm văn Tình đăng trên tạp chí Tuyên Giáo có đoạn phân tích rất hay:
“Đây là tổ hợp song âm nhưng tiếng Nam chọn yếu tố thứ nhất còn tiếng Bắc chọn yếu tố thứ hai: dơ bẩn, đau ốm, lời lãi, bao bọc, mai mối, hư hỏng, dư thừa, kêu gọi, sợ hãi, hình ảnh, la mắng, bồng bế, hăm dọa… Còn đây là những tổ hợp ngược lại, người miền Bắc chọn yếu tố đầu, “nhường” người miền Nam chọn yếu tố sau: thóc lúa, giẫm đạp, đón rước, lừa gạt, sắc bén, lau chùi, thứ hạng, chăn mền, chậm trễ, tìm kiếm, vâng dạ, đùa giỡn, thuê mướn, mau lẹ, hung dữ, trêu chọc…”.

Nhiều từ vựng, phương ngữ miền Bắc quen dùng từ thuần Việt, phương ngữ miền Nam hay dùng từ Hán-Việt như: hát/ca, chè/trà, bèo tây/lục bình, quán/tiệm, mướp đắng/khổ qua, đỗ/đậu… Ở chiều ngược lại, phương ngữ miền Bắc thông dụng từ Hán-Việt thì phương ngữ miền Nam hay dùng từ đã Việt hóa như: hoa quả/trái cây…

Có một điều lạ mà vui, người vùng này lại dùng từ của vùng kia, như người miền Bắc gọi con heo là lợn nhưng lại nói “Mượn đầu heo nấu cháo”. Trong khi người miền Nam lại kêu “Bánh da lợn” chứ không phải là “Bánh da heo”.

Về các từ khác âm đồng nghĩa, có đến hàng loạt như: bát/ chén, cốc/ ly, màn/ mùng, quả/ trái, mùi/ ngò, sắn/ mì, doi/ mận, đắt/ mắc, phanh/ thắng, dong/ đao, bố mẹ/ ba má, xấu hổ/ mắc cỡ…

Về cách xưng hô của người Sài Gòn nghe cũng dễ thương, như gặp người trạc tuổi ba mẹ thì cứ gọi là cô, dì, chú, bác và xưng “con” ngọt xớt chứ không xưng “cháu” như người miền Bắc. Trong gia đình, chị Hai thì gọi lược đi là Hai. Dì Út thì gọi tắt là Út:
▪︎ Hai ơi em nói cái này nè…
▪︎ Út ơi, mai dẫn con đi Đầm Sen chơi nghen.

Ngẫm lại thấy tiếng Việt của mình có lẽ phong phú bậc nhất thế giới, vì ngay trong nước đã có sự khác biệt về ngôn ngữ vùng miền rất đa dạng. Như trong bài phân tích rất sơ lược này, đã thấy chỉ riêng một vùng đất Sài Gòn đã có nhiều từ ngữ rất riêng và thú vị.

(20/7/2022)
SĨ HUỲNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: