

Thời nay, điện ảnh đã được xã hội hóa. Nhiều hãng phim tư nhân ra đời, lấn át số công ty một thành viên ít ỏi của Nhà nước. Mỗi năm có khoảng hơn 50 bộ phim ra rạp, trong đó chỉ có 3, 4 phim của Nhà nước.
“Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng dòng phim chính thống trong những thập niên trước là dòng chủ lưu của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh phát triển theo xu hướng xã hội hóa rộng rãi như hiện nay là đúng theo quy luật phát triển của xã hội, nhưng không thể thiếu dòng phim do nhà nước đặt hàng. Điện ảnh phát triển hài hòa, vững vàng là phải như kiềng ba chân: dòng phim chính thống được Nhà nước đặt hàng, dòng phim giải trí ăn khách và dòng phim nghệ thuật”. (*)
Thời của tôi – thời bao cấp- chủ yếu là làm phim Nhà nước. Mỗi năm Hãng phim được tài trợ khoảng 10 đầu phim. Khác với ngày nay, kế hoạch làm phim chỉ dự tính cho có lệ chứ không bắt buộc, quay chừng nào xong thì thôi. Phim “Mùa gió chướng” tính riêng thời gian quay là 6 tháng. Các phim khác cũng không dưới 2 tháng.
Số đạo diễn biên chế của hãng khá đông, có thể đơn cử: Hồng Sến, Huy Thành, Bùi Sơn Duân, Lê Hoàng Hoa, Lê Dân, Lâm Mộc Khôn, Lê Văn Duy, Xuân Cường, Việt Linh, Hồ Ngọc Xum, Vinh Sơn, Đào Bá Sơn, Xuân Hoàng, Lê Hoàng, Trần Ngọc Phong, Xuân Thành, Cao Thụy, Lê Dũng…
36 năm làm phim, có biết bao là kỷ niệm. Phải đam mê lắm mới theo được nghề này. Và có một điều thật kỳ lạ: Đã trót theo nghề rồi thì khó chuyển qua làm nghề khác, nếu có thì cũng chỉ được một thời gian rồi cũng quay trở lại.
Làm phim, từ thời bao cấp cho đến thời kinh tế thị trường, sự khổ cực cũng như nhau, chỉ được cái ăn ở không phải ở đình chùa, trường học, nhà dân mà ở khách sạn đàng hoàng. Khổ cực ở đây chính là cường độ làm việc, quay chừng nào xong thì thôi chứ không phải theo giờ hành chánh. Thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ gì cũng quay tuốt, không nghỉ. Có khi quay cả ba ngày tết. Còn nhớ khi chúng tôi làm phim “Xích lô” của đạo diễn Trần Anh Hùng, đoàn quay xuyên tết. Bù lại anh em chúng tôi được “thưởng” một phong bì dày cộm.
Phim đầu tay của tôi là “Đêm nước rong” do chú Lâm Mộc Khôn làm đạo diễn, anh Đoàn Quốc quay phim. Đó là vào tháng 11 năm 1979. Lúc đó còn làm phim đen trắng, bối cảnh chủ yếu là ở Cần Thơ.
Bộ phim thứ hai là “Đứa con bị từ chối” do chú Lê Dân đạo diễn, quay phần lớn ở Sài Gòn. Phim thứ ba là “Tiếng đàn” của đạo diễn Bùi Sơn Duân.
May mắn của tôi là được làm phim với đạo diễn Lê Hoàng Hoa, tập 4 của bộ phim “Ván bài lật ngửa” là bộ phim ăn khách số một thời bấy giờ.
Giờ ngồi ngẫm nghĩ cũng không sao nhớ hết được các bộ phim mà tôi đã tham gia. Về hưu, có thời gian rảnh rỗi nên tôi viết lại những chuyện vui, những kỷ niệm thời làm phim, nhất là những bộ phim đi quay tỉnh dài ngày.
Thật ra bạn bè trang lứa với tôi hiện giờ vẫn còn đang làm phim, như đạo diễn Xuân Cường, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, đạo diễn Trần Ngọc Phong…vì làm nghệ thuật không có tuổi hưu.
(15/8/2023)
SĨ HUỲNH
(*) https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dong-phim-nha-nuoc-doi-ngay-tro-lai-manh-me-i665951/