20 năm không gặp lại dáng ba

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Một sáng trong tuần, vừa vào đến tòa soạn TC VNTPHCM thì được anh bảo vệ kêu xuống nhận bưu kiện. “Bưu kiện” từ Quảng Ngãi gởi vào là gói 10 cuốn Ngẫu Cảm Văn Chương 2 (NXB Hội Nhà Văn) của thi sĩ Hà Huy Hoàng. Sốt ruột nên ngồi ngay ở quán cà phê 81 TQT Q3 mở thùng sách ra. Sách đẹp nên anh em nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… hỏi xem. Phân phát liền cho các VNS đang có mặt trong quán thì hết vèo luôn! May mà anh em trả lại 2 cuốn mà Hà Huy Hoàng đã ký tặng! Ai cũng khen sách đẹp, hay! Chúc mừng nhà thơ Hà Huy Hoàng!
Dưới đây là lời bình bài thơ của HTC được in trong tập Ngẫu Cảm Văn Chương 2:

2 0 N Ă M K H Ô N G G Ặ P L Ạ I D Á N G B A

Hai mươi năm không gặp lại dáng Ba
Cái dáng ẩn nhẫn của người đàn ông cô độc
Mỗi sáng lẻ loi một mình cà phê quán cóc
Vùi đầu cả ngày “cứu độ thế nhân” (*)

Hai mươi năm thấm thía chữ Bửu Trân
Ba trao tặng, lúc chào đời con nào biết
Gởi vào tên chục đứa con những giấc mơ thao thiết
Ba trầm tĩnh không dạy đời lời đẹp ý hay

Lúc làm thơ Ba chỉ nhận: Khách Quê (**)
Dù bầu trời những năm 50 đã bềnh bồng bay khắp (***)
Người bay Huế – Nha Trang – Đà Lạt…
Đâu đâu vẫn là người cô độc lẻ loi…

Mười người con, mỗi đứa một nơi
Ba thương hết nhưng dành tình thương nhiều hơn cho con gái
Có phải Ba là người đi trước thời đại?
Nữ quyền trong nhà vẫn lấn lướt phần hơn

Trong giấc mộng đêm qua đã mơ thấy Ba con
Người vẫn khỏe, thâm trầm, tay cầm điếu thuốc
Con nói điều này liệu Ba nghe được:
Hai mươi năm rồi các con vẫn nhớ Ba!

14/4/2021 (3/3 ÂL)
HỒ THI CA

(*) Sinh thời, Ba là thầy thuốc Đông y
(**) Ba làm thơ, lấy bút danh là Khách Quê
(***) Từ những năm 1950 – 1960 Ba thường xuyên di chuyển khắp các địa phương phía Nam
………………………….
Lời Bình của nhà thơ Hà Huy Hoàng

Trong các đề tài khó có thể có thơ hay, thiết nghĩ viết về người cha chính là một đề tài như thế. Không phải vì ta không thương cha mình. Ta thương Người lắm chứ! Nhưng để có được những câu thơ hay, những bài thơ xúc động về cha thì quả thật không dễ xíu nào.
Phải chăng từ nghìn xưa, cổ nhân ta ví von mẹ là biển cả trùng dương, cha là đỉnh Thái Sơn hùng vĩ. Mà biển thì sẽ tạo cho ta cái cảm giác thân quen, gần gũi; còn cái đỉnh Thái Sơn kia có gì bí hiểm, thâm u?

Thơ viết về mẹ, thơ hay về mẹ thì trùng trùng không sao đếm xuể. Còn thơ hay viết về cha liệu có được mấy bài?

Nói là nói thế, nhưng không có nghĩa chúng ta không có thơ hay về cha đâu nhé. Những bài thơ hay về cha ta có thể thấy ở “Mắt bố” (Võ Sa Hà), “Thương cha” (Lê Thế Thành), “Tình cha” (Thái Tài), “Nỗi lòng con” (Nguyễn Tấn Hỷ), “Bầu trời thơ, hạt bụi thơ” (Nguyễn Thái Dương)…

Vâng, thơ hay viết về cha thì ta không thể không nói đến “20 năm không gặp lại dáng Ba” của Hồ Thi Ca – một thi sĩ tài hoa đang sinh sống tại Sài Gòn, nhưng gốc gác anh là dân Tây Ninh chính hiệu.
Bài thơ là những xúc cảm chân thành, rất đời rất người khi tác giả khắc họa chân dung người cha quá cố của mình bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng, chân thực và sắc nét. Giọng thơ đôn hậu, tình thơ cùng ý thơ dung dị, tinh tế pha lẫn bùi ngùi.
Đọc bài thơ này, lòng ta đâu dễ lặng yên…

“Hai mươi năm không gặp lại dáng Ba
Cái ẩn nhẫn của người đàn ông cô độc
Mỗi sáng lẻ loi một mình cà phê quán cóc
Vùi đầu cả ngày “cứu độ thế nhân” ”

Chỉ cần vài nét phát thảo về người cha của mình ở đoạn thơ mở đầu của bài “20 năm không gặp lại dáng Ba”, ngay lập tức, ta thấy hiển hiện trước mắt ta là một người đàn ông lịch lãm, trí thức nhưng sống nội tâm, không thích giao du, đàn đúm. Ngoài “cái dáng ẩn nhẫn của người đàn ông cô độc” mỗi khi một mình nhấm nháp cà phê nơi quán cóc, hay đêm khuya lặng lẽ với những vần thơ để trải lòng mình, ta dám đoan chắc đây là một con người tài năng, giàu tình cảm nhưng lại có khí chất, sự “lặng im” của một nhà hiền triết.

Thú thật, đọc đoạn thơ này tôi thật sự rưng rưng. Tôi rưng rưng bởi tôi thấy có một chút tôi trong đó.

Vâng, tôi cũng thuộc tạng người khép kín, ít giao du và rất hiếm bạn bè. Ngày mỗi ngày vẫn ly đen buồn vui cùng chiếc bóng. Với bạn văn chương, tôi chỉ thích “gặp nhau” trên tác phẩm chứ không hề có cảm hứng gặp gỡ, giao lưu. Cũng vì cái tính cách này mà anh em văn nghệ người thương tôi cũng nhiều mà kẻ không ưa tôi cũng chả ít chút nào.

Thôi kệ, mẹ cha cho hình hài, trời cho tính thì chịu vậy chứ biết sao bây giờ?

“Gởi vào tên chục đứa con những giấc mơ thao thiết/ Ba trầm tĩnh không dạy đời lời đẹp ý hay” – những câu thơ sâu sắc và thấm thía đến thế là cùng!

Thật đáng quý và ngưỡng mộ biết bao người cha của Hồ Thi Ca – thi sĩ “Khách Quê” (khi làm thơ ông lấy bút danh “Khách Quê”) còn là một thầy thuốc Đông y nổi tiếng. Bao nhiêu năm ròng rã trên những chuyến bay, ông đi khắp đó đây để bắt mạch, bốc thuốc cứu người. Với tính cách của một người như này, ngay trong vai trò của người thầy thuốc, tôi tin ông vẫn là mẫu người “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không thuộc tuýp người ba hoa, khoác lác. Không “hữu xạ tự nhiên hương” mà sao nay ông có mặt ở Huế, mai Đà Lạt, mốt Nha Trang, bữa kia Đà Nẵng ư?

Khi “vùi đầu” xong công việc cứu người, ông lại hoàn nguyên cái con người cố hữu của mình: “Đâu đâu vẫn là người cô độc lẻ loi…” – ta thấy thương, thấy xót xa cho ông cụ biết nhường nào.

“Mười người con, mỗi đứa một nơi
Ba thương hết nhưng dành tình thương nhiều hơn cho con gái
Có phải Ba là người đi trước thời đại?
Nữ quyền trong nhà vẫn lấn lướt phần hơn”

Với những câu thơ “bật mí” này của Hồ Bửu Trân (tên thật của nhà thơ Hồ Thi Ca), tôi lại tiếp tục thấy tôi cũng có chút gì trong đó. Con nào chẳng là con, gái trai gì tôi đều yêu thương tất. Thế nhưng, chả hiểu sao, tôi cứ thường hay nghĩ suy, trằn trọc và khóc bởi những “công chúa” của mình. Khi các con gái tôi vì nghèo, vì nông nỗi nên gặp hoạn nạn trong chuyện làm ăn, trong đầu tôi lại lởn vởn cái ý nghĩ bán nhà để ra tay cứu giúp, mặc dù các con đã có chồng con. Nhưng với các con trai, có lẽ tôi sẽ không có cái ý nghĩ “táo bạo” như thế bao giờ.

Cha xin lỗi các con trai của cha, đừng buồn nếu vô tình các con có đọc được những tâm sự này, các con nhé.

Mà nghĩ sâu xa, trong cuộc người này, ta cũng không nên hơn thua, so bì chi với phận đàn bà, con gái. Bởi Thượng đế đã sinh ra kiếp đàn bà là ngay từ đầu, họ đã chịu đắng cay, thua thiệt cho bản thân rồi. Nếu không phải thế sao thi hào Nguyễn Du lại có câu thơ nhức buốt: “Đau đớn thay phận đàn bà…”?

“Trong giấc mộng đêm qua đã mơ thấy Ba con
Người vẫn khỏe, thâm trầm, tay cầm điếu thuốc
Con nói điều này liệu Ba nghe được:
Hai mươi năm rồi các con vẫn nhớ Ba!”

Tôi mường tượng khi viết những dòng thơ cuối cùng của bài thơ này, đôi mắt của Hồ thi nhân đã nhòa đi trong nghẹn ngào, thương nhớ. Lời của đứa con dù có buột miệng thốt ra hay chỉ nói thầm trong tâm thức thì người cha chắc chắn vẫn nhận được tín hiệu thôi mà.

Những tín hiệu của tình phụ tử cũng như mẫu tử dẫu người âm kẻ dương đi chăng nữa thì cũng không bao giờ bị mất liên lạc nếu ta có lòng thành, đủ niềm tin về tâm linh cùng bao điều khác nữa.
Hẳn là nơi chín suối, người cha của thi sĩ Hồ Thi Ca sẽ rất vui, mãn nguyện và hãnh diện biết bao bởi mười đứa con của ông đều hiền ngoan, thành danh và hiếu thảo.

Đó chính là phúc đức của gia đình, gia tộc vậy.

Quảng Ngãi, 30/03/2023
HÀ HUY HOÀNG

Nguồn: https://www.facebook.com/nhathohothica?mibextid=ZbWKwL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: