Đi quay ở Mỹ Khánh

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Năm 1979 tôi đi quay ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền Cần Thơ. Đó là bộ phim truyện nhựa màu “Đêm Nước Rong” do chú Lâm Mộc Khôn làm đạo diễn.

Qua cầu Cái Răng, xe đoàn trực chỉ vào các nơi mà chủ nhiệm đoàn đã xin phép trước. Đó là những hộ dân cư của xã Mỹ Khánh, cho nhân viên đoàn phim ở nhờ để thực hiện bộ phim. Tổ của tôi ở nhà chú Sáu Xệ, gồm có tôi, chủ nhiệm Hùng Hải, phó chủ nhiệm Bùi Đức Tầm, Y tá kiêm thủ quỹ Ông Thanh Sỹ, Bích Nga hoá trang, Oanh trợ lý đạo diễn kiêm diễn viên, Phụng cấp dưỡng, dì Bảy và dì Út cấp dưỡng. Nhà chú Sáu Xệ khá rộng, có vườn tược, ao cá và khoảng sân để anh em đoàn có thể tập trung họp hành, ăn uống. Các nhóm khác ở cũng gần đó. Bà con ai cũng vui mừng, niềm nỡ đón tiếp đoàn phim.

Đường vào huyện Phong Điền có dòng sông Cần Thơ lênh đênh đò thuyền, có khu chợ Nổi, những khu vườn cây ăn trái trù phú. Nhà dân ở không cách xa nhau mấy, gần chợ thì san sát, hàng quán kế cận nhau trông rất náo nhiệt.

Trước nhà chú Sáu Xệ, bên kia đường là mé sông đoàn phim có thể giặt giũ, tắm bơi. Thời chúng tôi đến Mỹ Khánh vẫn còn những cầu tiêu cá tra, có cái nằm sát đường đi. Có câu chuyện vui về vụ này: anh Sỹ y tá của đoàn quen cô kia bán nước mía ở chợ. Một bữa đi quay về, anh thấy cô ấy bước ra từ cầu cá ven đường, đáng lẽ làm lơ luôn nhưng anh lại đón đầu cô và hỏi:

  • Ủa, em đi đâu vậy?

Cô bé mắc cở, cúi đầu đi thẳng không thèm trả lời. Rồi cô giận anh ấy cho đến ngày quay xong phim.

Anh em ở lâu, người trong xã đều quen mặt hết, nên thường khi đến quán này quán nọ nhậu nhẹt xong rồi là ký sổ, đợi đến kỳ phát lương mới trả. Tôi nhớ, ở được hai tháng mấy thì bối cảnh huyện Phong Điền xong, chuẩn bị ra Cần Thơ để quay Trà Nóc. Đồ đạc đã thu dọn xong, chuẩn bị cho lên tàu thì chủ nhiệm sực nhớ, gọi tôi lại:

  • Quên nữa Sĩ ơi. Cháu đi các quán nhậu ở đây hỏi xem anh em đoàn còn thiếu nợ bao nhiêu thì trả cho người ta rồi mai mốt trừ lương lại. Chứ để mang tiếng chết.

Tôi y lệnh, cùng với anh Sỹ thủ quỹ đi liền. Bà con mừng lắm, khen chủ nhiệm đoàn nức nở. Có chủ quán vui vẻ nói:

  • Không trả cũng không sao. Thấy anh em đoàn nghèo quá cũng tội.

Trên đây tôi có nói đoàn “lên tàu” là vì cầu Cái Răng bị sập khi đoàn vào Mỹ Khánh quay được hơn tháng vẫn chưa sửa xong. Chủ nhiệm phải liên hệ bên quân đội cho tàu há mồm vào chuyên chở xe cộ và nhân viên ra Cần Thơ. Xe đoàn gồm 2 chiếc tải lớn, 1 xe máy đèn, 2 xe microbus và 1 xe jeep.

Nói về tổ cấp dưỡng của đoàn chúng tôi không ai quên được chị Cẩm tổ trưởng. Hai chị em dì Bảy và dì Út làm được gần một tháng thì có việc nhà, xin nghỉ. Không biết ai đó đã giới thiệu chị Cẩm để thay thế. Chị Cẩm tuổi hơn ba mươi, người đẹp gái với làn da bánh mật và nụ cười luôn nở trên môi. Nấu ăn cho tập thể không phải chuyện đơn giản nhưng đối với chị lại là chuyện “đang giỡn”, món nào ra món đó, ngon bá chấy. Chỉ có món cơm chiên ăn sáng thôi mà anh em đoàn đã nức nở khen. Mà cơm chiên không thôi chứ đâu có gì. Những lúc đoàn quay đêm, chị nấu ca ba ngon khỏi phải nói, anh em cứ ăn sì sụp, như các món: cháo lòng, cháo gà, cháo vịt, mì, nui…Tôi nghĩ, ở Sài Gòn chắc có lẽ chị Cẩm từng hành nghề bán cơm, đồ ăn thức uống.

Chú Sáu Xệ có bà mẹ già tuổi tám mươi, bị lẫn rất nặng, nhưng tánh tình hiền hậu. Cả ngày bà ngồi ở nhà sau trên chiếc ghế xếp, thấy ai đi ngang bà cũng kêu:

  • Rót cho bà ly nước!

Ai không biết, rót nước đem đến cho bà, bà liền cầm lấy hất đổ.

Ban đêm, giữa khuya nghe bà hét lên:

  • Xệ ơi, cứu má. Má té dưới sông rồi con ơi.

Thế là chú Sáu chạy tới dỗ dành:

  • Rồi, rồi. Con kéo má lên rồi nè.

Vậy là bà im, ngủ một giấc đến sáng.

Chú Sáu Xệ thật có hiếu. Chú lại là người nông dân chân chất, hiền lành. Tôi nhớ, nói chuyện với ai chú đều nở nụ cười trên môi. Chú có mấy đứa con, trong đó có đứa con trai bị bệnh thận, bụng trướng nước. Hồi đó vợ cũ của tôi làm điều dưỡng ở bệnh viện Chợ Rẫy, nghe tôi kể liền nói:

  • Anh kêu chú Sáu đưa thằng bé lên Chợ Rẫy đi, để em nhờ bác sĩ chữa cho.

Tôi nghe lời, về báo lại với chú Sáu. Chú mừng lắm, liền dẫn con khăn gói lên đường. Về sau thằng bé hết bệnh, lớn lên cưới vợ sinh con bình thường. Chú Sáu mang ơn cô vợ cũ của tôi, thường hay gởi cho trái cây, quà bánh.

Xã Mỹ Khánh nói riêng, huyện Phong Điền nói chung là vùng miệt vườn nổi tiếng về cây ăn trái. Sau phim Đêm Nước Rong tôi không có dịp nào trở lại. Nghe nói về sau có Làng du lịch Mỹ Khánh là điểm đến đang được nhắc tên khá nhiều vào những kỳ nghỉ cuối tuần của người dân Tây Đô và các tỉnh lân cận.

1979-2020! Đã 41 năm rồi. Thời gian quả đúng như bóng câu qua cửa sổ. Phim Đêm Nước Rong là bộ phim đầu tiên tôi đến với điện ảnh. Chắc chắn là còn nhiều chuyện đáng kể nữa nhưng trong lúc này tôi đã tạm quên. Có khi nào sẽ quên mất luôn không nhỉ? Có thể lắm, vì trí óc đã già nua, những tế bào thần kinh đã ngừng phát triển. Nhưng tôi vừa đọc trên báo mạng, một nghiên cứu mới đã khẳng định não người già vẫn sản xuất nơ-ron thần kinh, việc học tập, sự hình thành trí nhớ và cảm xúc vẫn như người trẻ tuổi.

Để xem, một thời gian nữa nếu tôi nhớ lại nhiều chi tiết thú vị khác liên quan đến câu chuyện làm phim này, tôi sẽ kể hầu các bạn.

(18/4/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: