Người bảo thủ


Ảnh bìa: Hỷ, nộ, ái, ố – tranh sơn dầu – Phan Trọng Văn.
Anh luôn tìm cách phân trần với vợ những chuyện mà anh cho là do người ta không hiểu anh mới ra cớ sự. Hình như anh chẳng để ý đến việc cô vợ luôn đứng về phía anh. Dù vợ có nói nhiều lần câu “anh nói đúng”, anh vẫn lằng nhằng, kể lể. Vợ anh là người ít học, tính khí đơn giản, có phần hơi nhu nhược. Chị luôn cảm thấy không xứng với chồng nên lúc nào cũng sẵn sàng bênh vực chồng bất kể đúng sai. Với người nhà, chị thường van nài mọi người bỏ qua cho chồng mọi lỗi lầm nếu có và cố gắng “ừ” với anh nếu có thể.
Vừa rồi có một việc khiến anh bực mình. Trong lúc anh đang phơi đồ thì cha vợ đến. Ông kêu tên vợ anh tức con gái ông và “đập” cổng rào. Còn vài cái quần cái áo anh định phơi nốt lên sào rồi ra mở cửa, không ngờ lúc ra đến nơi thì cha vợ đã đi mất. Đợi vợ về, anh “mắng vốn”:
– Em coi ổng kỳ không? Đợi một chút cũng không được.
Vợ anh gật gù:
– Ừa, làm gì gấp dữ vậy không biết.
Đến tối anh đi cà phê với bạn, cha ghé qua, chị hỏi chuyện, ông cười khà khà:
– Tao đem mấy trái bưởi qua cho bây nè. Đợi 5 phút không thấy ai nên về. Mà tao đâu có “đập” cửa, chỉ lắc lắc cái ổ khóa thôi.
– Mà cha có giận ảnh không? Nếu có thì cho tui xin.
– Chuyện nhỏ nhặt vậy mà giận nỗi gì.
Anh ngồi quán cà phê cóc ngoài đường lớn với hai người bạn, say sưa kể về chuyện bệnh tiểu đường của mẹ vợ:
– Tui hỏi bả ai biểu khám, bả nói bị chóng mặt nhức đầu, đi bệnh viện huyện bác sĩ cho làm xét nghiệm đủ thứ: siêu âm tim, thử máu các kiểu. Phát hiện đường huyết 211.
Một người bạn nói:
– Cao quá. Vậy là bị tiểu đường rồi.
Anh cười khẩy:
– Tui nói bả không có bệnh gì hết. Đó chẳng qua là sự nhầm lẫn. Hồi đó tui đi thử máu ở bệnh viện nổi tiếng kia, nó đánh nhầm kết quả mỡ trong máu 189 thành đường huyết. Về đi khám bác sĩ cho thuốc uống, chút xíu sau bị hạ đường huyết, vã mồ hôi và mệt. May mà tui cũng có ít kiến thức về y khoa nên ăn đường vô liền mới từ từ khỏe lại.
– Trời, bệnh viện gì ẩu vậy!?
– Tui nói với bả rồi: Má không có bệnh gì hết. Ráng ăn ngon ngủ kỹ là được. Mấy bác sĩ đó tào lao lắm.
Hai người bạn quá biết tính anh nên cho qua, không thèm cãi lại. Có lẽ nhờ vậy họ mới thành bạn thân.
Về chuyện này vợ anh biết từ lâu và cũng đã “ừ hử” với anh cho qua chuyện, mặc dù sau đó mẹ chị đã thật sự bị tiểu đường tuýp 2. Không ai báo lại cho anh biết và anh cũng không buồn hỏi.
Dưới mắt mọi người, anh có vẻ từ tốn, ít nói, nhưng gặp chuyện thì cũng khá là bô lô ba la, nhất là khi tranh luận luôn giành phần thắng, không khi nào chịu lép vế. Ở công ty anh rất được việc, siêng năng và nghiêm túc, đã nói là làm, không bao giờ đổi ý. Chuyện kể rằng có lần anh xin nghỉ để làm chỗ khác, sếp anh năn nỉ mãi không được nên nói câu thòng: Sau này nếu anh trở lại công ty vẫn nhận. Anh nghỉ, 2 tháng sau thì xin về làm lại. Tất nhiên công ty chấp nhận nhưng mức lương anh đã khác, như một nhân viên mới.
Anh đã có một đời vợ. Người này làm chung công ty. Có lẽ sự đối chọi luôn luôn giữa hai vợ chồng đã khiến cuộc hôn nhân sớm tan rã. Cô ấy bảo không thể chấp nhận một người mà “cái gì cũng cho là mình đúng”. Cao điểm mối bất hòa là sự hiếm muộn, cưới nhau cả năm rồi mà chưa có con. Cô ấy bảo anh đi khám nhưng anh quyết liệt từ chối, cho rằng chính vợ mới bị vô sinh. Cãi nhau tới cao trào, cô ấy bảo rằng mình đã đi khám và kết quả là bình thường, nhưng không trưng ra được bất cứ một thứ giấy tờ gì. Anh cho rằng vợ hàm hồ, không trung thực. Hai người ly hôn và cô vợ bỏ lên Sài Gòn lâu nay không thấy về nữa.
Sau chia tay người vợ đầu tiên, anh đã trải qua vài cuộc tình chóng vánh, chẳng đi đến đâu. Đến lúc
anh cảm thấy chán nản chuyện vợ con thì gặp được người vợ sau này. Cô ấy là nhân viên phục vụ căn-tin của công ty, người chất phác, hiền hậu. Anh hài lòng nhất là thái độ phục tùng của cô. Nhưng điều khiến anh quyết định cưới cô xuất phát từ lòng thương hại. Cô đã thú thật với anh rằng do thuở nhỏ trèo cây bị té nên mất khả năng sinh sản. Trên lý thuyết, chuyện không có con không thể kết luận là lỗi của anh, nhưng thực tế ai cũng nghi ngờ anh, vì đã hai đời vợ. Có điều, sợ anh buồn, mọi người đều im lặng không đá động gì về chuyện ấy.
Có lần một người bạn vô tình kể câu chuyện cặp vợ chồng ly hôn vì sống với nhau đã lâu mà không có con, nguyên nhân là do anh chồng “yếu tinh trùng”. Anh có ý kiến ngay:
– Sao biết yếu? Tinh trùng khi xuất ra có hàng tỷ con. Con này yếu thì có con kia mạnh. Tôi nghĩ nguyên nhân là do cô vợ. Khả năng của nữ bị vô sinh nhiều hơn nam.
Người bạn cãi:
– Ai nói? Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ vô sinh ở cả nam và nữ là ngang nhau. Theo thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả hai vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân.
– Ông dẫn chứng theo Google chứ gì? Chưa chắc đúng đâu. Google map chỉ đường còn sai mà.
– Chuyện. Đây là kiến thức do các tổ chức y tế thế giới cung cấp mà, sao sai được. Google chỉ dẫn nguồn thôi.
– Tôi thì chỉ theo thống kê thôi. Mấy kiến thức đó rồi cũng có thể sẽ lạc hậu.
Người bạn sực nhớ tính khí của anh, biết khó “đấu” lại nên im lặng, coi như chịu thua. Anh buông một câu vừa như thổ lộ vừa để kết luận:
– Như tôi đây, hai cô vợ đều bị vô sinh. Không phải bệnh này phụ nữ chiếm đa số là gì?
Người bạn nghe qua lấy làm kinh ngạc, nhưng chỉ trong chốc lát đã bình tâm trở lại, thầm nghĩ rằng đó chỉ là lời biện hộ.
Mùa dịch Covid-19 vừa qua, khi thời gian làm “ba tại chỗ” ở công ty anh kết thúc, có câu chuyện anh muốn quên đi mà mọi người cứ nhớ. Chuyện kể, sếp của nhóm phân công nhân viên kia ra phụ làm dây chuyền sản xuất nhưng anh là sếp của tổ cương quyết không cho, bảo rằng ra đó dễ bị mắc Covid. Sếp nhóm bảo dễ hay khó không tùy theo khu vực sản xuất mà do ý thức của mọi người. Anh cố cãi, bảo nếu cứ điều động nhân viên của anh một cách “tùy tiện” như thế thì anh sẽ từ chức. Sếp nhóm thấy căng quá nên thôi, cắt cử người của tổ khác ra làm. Sau 3 tuần ra làm line, nhân viên đó trở về an toàn, trong khi tổ của anh có ba nhân viên mắc Covid.
Sau “sự cố” trên, tưởng anh sẽ bình tâm trở lại, bỏ bớt tính bảo thủ, cố chấp, xét đoán mọi vấn đề theo tiêu chí khách quan hơn. Nhưng không, anh vẫn là anh, không có chút gì thay đổi.
Sự việc gần đây nhứt, vừa xảy ra hôm qua đã giáng một “đòn chí tử” vào những nguyên tắc, những ý nghĩa, những quan điểm của anh về cuộc sống. Đó là sự trở về của người vợ cũ. Vài người bạn của anh đã gặp cô ấy, mà điều đáng nói là gặp luôn bé gái 2 tuổi con của cô. Ai cũng bảo “giống mẹ như khuôn đúc”. Lâu rồi mọi người mới thấy anh ngượng ngùng, đỏ mặt. Ồ, vậy ra chính anh mới là người vô sinh. Anh về nhà kể vợ nghe và bảo:
– Cô ấy vô sinh thật nhưng đã chữa khỏi. Y học thời nay thật tiến bộ.
SĨ HUỲNH
Theo Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh