Đời làm phim


Đã lâu lắm rồi. Những chuyến đi mấy mươi năm trước chỉ để lại những dấu tích mờ nhạt. Các điểm đến giờ đây chắc đã có nhiều thay đổi. Đời làm phim rày đây mai đó, khổ nhiều sướng ít nhưng buồn ít vui nhiều. Vậy nên mới có sự gắn bó với nghề gần bốn mươi năm, để đôi khi ngoảnh nhìn quá khứ mà không khỏi kinh ngạc: mình làm nghề ngần ấy năm rồi sao?
Năm 1979 mình đi phim ‘đầu tay” là Đêm Nước Rong, đạo diễn là chú Lâm Mộc Khôn, quay chủ yếu là ở Cần Thơ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Đoàn phim được chủ nhiệm bố trí ở nhà dân theo từng bộ phân: tổ đạo diễn, tổ quay, tổ thiết kế, tổ ánh sáng, tổ chủ nhiệm, tổ diễn viên. Bối cảnh quay là vùng sông nước miền Tây. Thời gian quay ở đây khoảng chừng 2 tháng.
Chủ nhiệm đem phim của hãng và mấy bộ phim của khối xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức đến chiếu phục vụ ở các công ty nhà nước. “Lại quả” là các món hàng văn phòng phẩm được công ty duyệt bán với giá chính thức cho anh em đoàn phim.
Phim thứ hai là Đứa Con Bị Từ Chối nói về phi công Nguyễn Thành Trung do chú Lê Dân làm đạo diễn, bối cảnh chính là ở Sài Gòn.
Phim thứ ba, thứ tư, thứ năm…
Sau mấy chục bộ phim, đến bộ phim cuối cùng là Đường Xuyên Rừng do anh Xuân Cường làm đạo diễn thì mình chính thức về hưu.
Nhưng làm điện ảnh, trực tiếp đi phim thì vốn không có tuổi hưu, cứ làm đến lúc “làm hết nổi” thì thôi. Như đạo diễn Xuân Cường hiện tại vẫn đi phim, đạo diễn cho bộ phim có tựa đề là Phơi Sáng của hãng phim Giải Phóng.
Những đạo diễn tên tuổi mà mình được vinh dự cộng tác nay đã qua đời gần hết, như Hồng Sến, Huy Thành, Lê Hoàng Hoa, Lê Dân, Bùi Sơn Duân… Mỗi đạo diễn đều có cái hay riêng, “gu” riêng, như Hồng Sến gu phim chiến tranh, Lê Dân gu tâm lý xã hội, Lê Hoàng Hoa gu hình sự tình báo…Các chú đã đào tạo nên những lớp kế thừa cũng khá nổi tiếng như Nguyễn Vinh Sơn, Hồ Ngọc Xum, Xuân Cường hiện tại vẫn còn đang cống hiến cho nghệ thuật thứ bảy.
Làm phim là phải nói đi xa, đi tỉnh này tỉnh nọ để tìm bối cảnh đẹp, phù hợp với nội dung kịch bản. Ngày nay có một vài bộ phim còn đi quay ở nước ngoài như Thái Lan, Anh, Mỹ…Thời bao cấp thường đi quay xa hàng mấy tháng trời, anh em sống bên nhau thời gian dài nên có nhiều tình cảm gắn bó, nhiều kỷ niệm. Nhờ làm phim nên mình mới được đi Huế, Đà Nẳng, Nha Trang, Qui Nhơn, An Giang, Cần Thơ, Châu Đốc…, được vào cả buôn làng sống với người dân tộc thiểu số và nhất là được thưởng thức những món ăn đặc sản của từng nơi. Nhờ vậy nên mình mới thấm đẫm được tình yêu quê hương đất nước, đến đỗi không thích đi nước ngoài, thà ở Việt Nam…
Sống rồi để thấy: những người ra đi rốt cuộc rồi cũng trở về. Đó chính là tình cảm thiêng liêng quê hương dân tộc.
(15/03/2023)
SĨ HUỲNH