Thương những người công nhân năm nay không có tết

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Hồi đó tôi ở chung cư do Hãng phim Giải Phóng cấp, có 30 hộ. Vì đa số người ở đây đều là nhân viên của Hãng nên không khí những ngày tết đến rất chộn rộn, vui vẻ, nhất là tin tức về thưởng tết luôn được cập nhật hàng ngày.

Để có các mức thưởng tết cụ thể, chúng tôi đã phải họp bình bầu A, B, C trước đó cả nửa tháng. Tiền thưởng tết của Hãng thuộc mức trung bình trong toàn ngành, khả dĩ đáp ứng kỳ vọng của công nhân.

Ở chung cư có cô Nhung làm phòng tài vụ nên nắm rõ tiền thưởng của anh em. Tánh Nhung rất xởi lởi nên thông báo cho từng người khi có kết quả, đặc biệt là phái nam. Như:
• Mai vô lãnh thưởng nha anh An. Của anh là… (nói số tiền luôn).
• Anh Chín mai vô Hãng lãnh tiền thưởng nhé. Anh hạng A nên được…

Có anh kia năm nào cũng giấu vợ, đưa tiền thưởng ít hơn. Những ngày ấy anh thường tránh mặt Nhung vì sợ cô ấy nói ra số tiền thực lãnh. Có một năm nghe vợ anh ta hỏi:
• Sao tiền thưởng anh ít hơn mọi người vây?
• Tại tui hạng B.
• Anh làm việc sao mà năm nào cũng hạng B hết vậy?

Tôi nghĩ lúc ấy có lẽ anh ta thù ghét chuyện ở chung cư, tập thể lắm.

Giáp tết, Hãng phim còn mua thịt heo về phân phát cho công nhân. Mỗi người được 1 kg. Không khí buổi chiều chia thịt ở căn tin Hãng thật đông vui náo nhiệt. Thời bao cấp mà được cả cân thịt heo thì thật là quý hóa. Chúng tôi còn được phát lịch treo tường, toàn ảnh của diễn viên nổi tiếng, có thể đem bán ngoài thị trường tự do. Việc xin, mua lịch diễn ra cũng khá xôm tụ.

Một việc làm rất nhân văn của Hãng phim là trợ cấp cho diễn viên nổi tiếng nhưng nghèo, như diễn viên Robert Hải, được cấp lương thực hàng tháng và được tiêu chuẩn tết như một công nhân.

Tôi nhớ thời của chú Ba Lê giám đốc Hãng. Trước khi nghỉ tết chú Ba ghé thăm hỏi công nhân ở các chung cư, trong đó có chung cư của chúng tôi. Điều đặc biệt là chú Ba hé lộ thông tin cho mọi người biết luôn (Đó là điều Ban giám đốc không muốn công bố sớm):
• Qua tết còn thưởng nữa!

Thường thì tết Nguyên Đán hàng năm gia đình tôi về quê, khi thì quê chồng, khi thì quê vợ. Có năm tôi “thử” ăn tết ở Sài Gòn thì mới biết không được vui như ở quê. Mồng Một tết tôi dong xe trên phố, tìm các con hẽm có lắc bầu cua để chơi lấy hên. Đến nơi mới thấy toàn là con nít chơi. Tôi đặt trái bầu một ít tiền. Hên quá, trúng. Xong tôi quay xe tìm hướng khác. Sài Gòn những ngày tết vắng lặng hơn ngày thường vì mọi người về quê hết.

Ở chung cư cũng vậy. Tết đến vắng hoe. Ai cũng có quê để về. Chỉ còn lại vài hộ.

Nhớ có năm tôi làm cò bay, cò đậu cho người ta chơi hòn non bộ, làm cả đêm giao thừa để sáng giao hàng, mệt mà vui vì…có tiền. Thời bao cấp mặc dù khó khăn, nghèo khổ nhưng vẫn không thiếu niềm vui. Thường thì ai cũng tìm được việc làm thêm, như tôi lúc đầu làm cò bay cò đậu, sau làm board tăng công suất âm thanh. Làm riết… ghiền luôn. Nghề làm cò là do anh bạn truyền lại. Cò được làm bằng dầu hắc, sườn cò là mấy cọng dây đồng. Nắn xong thì nhúng sơn trắng, mỏ và chân cò thì sơn màu đỏ, mắt chấm màu đen. Anh bạn thì làm con hổ, con nai, ông tiên đánh cờ tướng…Anh là họa sĩ nên có hoa tay, còn tôi là tay ngang nên làm được con cò là cả một kỳ công. Riêng nghề làm bo mạch âm thanh là do em trai tôi truyền nghề, làm xong đem đi ép vĩ 10 cái, giao hàng trong chợ Nhật tảo.

Sẵn nhắc vụ làm cò mới nhớ mà thương thằng con lớn, “chuyên gia” thắt sườn cò bay bằng dây đồng, tôi chỉ việc nhúng dầu hắc rồi nắn. Mỗi ngày, trước khi đi học, con ngồi thắt 50 cái sườn cò bay. Con thắt rất đẹp đến anh bạn dạy nghề còn khen.

Không biết mọi người thế nào, chứ riêng tôi bao giờ cũng háo hức tết, từ nhỏ đến giờ, tình cảm ấy không hề thay đổi. Vui những ngày sắp tết và buồn khi tết đã ra đi. Chỉ duy nhất có một năm với tôi không hề có tết, đó là năm đại dịch Covid. Tàn dư của cơn dịch quái ác vẫn còn đến hôm nay: Xí nghiệp không có đơn hàng, công nhân mất việc…Tết năm nay lại là cái tết nghèo. Thương những người công nhân năm nay không có tết.

(17/01/2023)
SĨ HUỲNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: