Báo chí Sài Gòn trước năm 1975: Vất vưởng những tờ báo nghèo, báo đối lập

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

* Ảnh bìa: chợ Bến Thành trước năm 1975

Sài Gòn trước 1975 mỗi ngày có khoảng 50 tờ nhật báo được xuất bản. Ngoài 3 tờ của chính quyền (tờ Tiền tuyến của Tổng cục chiến tranh chính trị, tờ Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu, tờ Quật cường của Trung ương tình báo) và một số tờ thiên về kinh doanh, thành công về mặt tài chính (như Trắng Đen, Tia sáng, Thách đố, Chính luận) là mạnh giỏi, thợ thầy khấm khá; phần nhiều các tờ báo còn lại (trong đó có các tờ đối lập, chống chính quyền) thường gặp khó khăn, thợ thầy sống vất vưởng, lang thang…

Tồn tại nhờ… mua bán giấy

Có những những tờ báo sống chủ yếu nhờ “bán giấy”. Họ chạy chọt giấy phép để cho ra một tờ nhật báo, từ đó được nhà nước hỗ trợ giá giấy rẻ. Chẳng hạn, họ xin phép xuất bản mỗi số báo là 30.000 tờ, nhưng kỳ thật họ chỉ in một vài ngàn tờ cho có lệ. Số giấy còn lại họ đem bán “chợ đen” lấy lời trang trải chi phí cho tờ báo. Chủ yếu là bán giấy cho những tờ báo ăn nên làm ra như tờ Trắng Đen, tờ báo này thường phải mua thêm gấp 3 lần số giấy mà chính quyền bán giá hỗ trợ.

Những tờ báo nghèo này không có tiền để ký hợp đồng với những phóng viên uy tín, những tin chủ lực trang ngoài thì họ mua lại của các hãng thông tấn như VTX, AP, UPI, Reuteur hoặc mua những bản tin “xe cán chó, chó cắn xe”, “tình tiền tù tội” của các nhóm thông tín viên Văn Đô, Thanh Huy, Đức Hiền. Các báo loại này cũng không có nhiều tiền cộng tác với các nhà văn tên tuổi để có những tiểu thuyết feuilleton hay, trang trong của họ thường là bài của những nhà văn thất nghiệp, không tiếng tăm nên không có độc giả xem. Họ tiết kiệm nhân lực đến mức tờ báo không có ký giả phụ trách chuyên đề, thiếu người phụ trách kĩ thuật…

Tòa soạn và ban trị sự các báo “kinh doanh giấy” kiểu này đặt ra cho có, chứ thật ra bộ sậu chỉ lèo tèo vài người, tòa soạn nằm chung với phòng sắp chữ, nhà in; chỉ có thể mướn được những nhà in ế ẩm, nghèo nàn – phòng ốc, chữ chì, máy in, trang thiết bị… thiếu thốn và lạc hậu. Tiền lợi nhuận từ việc mua bán giấy không đủ để trang trải cho một tờ nhật báo. Để cứu vãn, họ bán manchette hoặc cho thuê, cũng có khi liên doanh, hùn hạp. Có khi họ đứng tên với chức hàm là chủ bút cho oai, cho ra vẻ của một người từng có một thời là chủ báo “chủ nhiệm kiêm chủ bút”, chứ thật ra mọi việc của một tờ báo đã giao đứt cho người khác.

Gian nan thợ sắp chữ

Trang nhật báo ngày xưa có khổ 45cm x 60cm, chia thành 8 cột, mỗi cột 4,5cm. Các báo có số trang khác nhau, nhưng thường là 4 trang hoặc 8 trang. Các báo đều ra vào buổi chiều, vì vậy mà tòa soạn phải vận hành vào lúc sáng sớm. Ông Trương Văn Cung (xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, Long An) – một người thợ sắp chữ cho nhiều tờ báo ở Sài Gòn thời ấy – kể: “Trang trong, chuyên đề điện ảnh, kịch trường, gỡ rối tơ lòng, tiểu thuyết feuilleton thì chúng tôi sắp trước vào buổi chiều, xong giao cho thợ vỗ bản, đổ chì. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi phải có mặt ở nhà in lúc 4h để trả lại chữ đã sắp chiều hôm qua vào hộc, sửa soạn đâu vào đó để khoảng 5h sáng là “chạy” bài trang nhất”.

Gọi là “chạy” bài trang ngoài vì trang nhất thường là loại thời sự nóng bỏng, những vấn đề thời cuộc mà độc giả đang quan tâm. Chẳng hạn, vấn đề nóng hổi mà độc giả đang quan tâm là chuyện “Sinh viên đại học văn khoa biểu tình chống chương trình tổng động viên”. Phóng viên sau những giờ căng thẳng xuống đường chống chính quyền cùng sinh viên đã liều mình thoát khỏi vòng vây cảnh sát bay về tòa soạn. Về đến nơi, phóng viên viết ngay bản tin để đưa cho thợ sắp chữ, viết khoảng vài chục chữ thì đưa cho thợ, viết tới đâu, thợ sắp chữ sắp tới đó. Mỗi người thợ sắp một đoạn ngắn, xong ráp lại thành một bài”.

Phòng sắp chữ của một tờ nhật báo trong giờ làm việc lúc nào cũng chật chội. Rất nhiều hộc chữ được kê sát với nhau thành hàng, thành dãy, những người thợ đứng gần nhau, nóng nực và ngột ngạt. Người thợ sắp chữ không được ngồi trong suốt thời gian làm trang. Khi sắp xong một đoạn ngắn của một bài trên trang nhất hoặc trang 3 thì lăn mực lên chữ, lấy tờ giấy vuốt nước thật nhẹ, in thật khéo lên mặt chữ, xong đem lại bàn “thầy cò” (người sửa lỗi) để sửa chính tả. Xong, đi lấy một đoạn bài sắp tiếp, rồi đi lăn mực… Hết một bài thì ráp lại.

Chính vì làm việc bằng cả đôi chân, việc khẩn trương, thường thì đi như chạy nên những người thợ sắp chữ cho những tờ nhật báo thời ấy được gọi là thợ “chạy bài”. Từ thư ký tòa soạn, phóng viên, thầy cò đến anh em thợ sắp chữ làm việc hết sức khẩn trương để khoảng 10h30 trưa kết thúc trang. Khoảng từ 11h tới 12h đem nộp bản kiểm duyệt. Tùy theo số báo phát hành của từng nhật báo mà báo ra sớm hay muộn, trễ lắm là 15h chiều. Sau 15h chiều, các nơi phát hành không nhận nữa.

Ông Cung cho biết, hằng ngày, ông phải dậy từ lúc 3h sáng để đến tòa soạn. Khuya, trong khi người dân thành phố còn đang ngon giấc, cánh thợ sắp chữ cho các tờ nhật báo đạp xe đến tòa soạn. Suốt một ngày quần quật trong tòa soạn, đến chiều tối họ mới về tới nhà. Công việc vất vả, cực nhọc đến vậy nhưng đồng lương thì rẻ mạt, việc làm lại bấp bênh, không ổn định.
Một trang báo Sài Gòn trước năm 1975.

Nghèo nàn lạc hậu

Ông Cung kể tiếp, khoảng 1971 – 1972, ông xin vào “chạy bài” cho nhật báo Báo Đen của thi sĩ Trần Dạ Từ. Dưới cái manchette “Báo Đen” thật ấn tượng là dòng chữ được in đậm “Tiếng nói của người dân ngu khu đen” – “Nồi niêu xoong chảo, chổi cùn rế rách”. “Tôi cũng đã từng vất vưởng, lang thang, làm thợ sắp chữ cho nhiều tờ nhật báo “nghèo” thời đó, nhưng chưa thấy tờ nào nghèo như Báo Đen. Tòa soạn là một cái nhà in loại nhỏ có 2 tầng, tầng dưới làm văn phòng – tòa soạn và trị sự, cũng là phòng làm việc của chủ nhiệm, chủ bút. Tầng trên là phòng sắp chữ, phòng sắp chữ bề ngang khoảng 4m, dài khoảng 12m. Ê-kíp sắp chữ chúng tôi có khoảng 17 người vừa sắp chữ trang trong vừa chạy bài trang ngoài”, ông Cung kể.

Nhật báo Báo Đen có 4 trang, trang 2 – 3 dành cho các chuyên đề như văn hóa nghệ thuật gồm có: Điện ảnh, sân khấu, thoại kịch, cải lương, tân nhạc… Trang văn nghệ gồm những mục như: Truyện ngắn, thơ, tuổi học trò, thiếu niên, nhi đồng… Trang phụ nữ và gia đình bao gồm những nội dung như: Tình yêu, hôn nhân, gia đình và xã hội… Và các tiểu thuyết feuilleton hàng ngày. Trang 1 và 4 là trang ngoài, gồm những tin tức trong nước và quốc tế, những vấn đề thời cuộc nóng bỏng mà dân chúng đang quan tâm. Trang 4 là trang nối tiếp thông tin từ trang 1 và cũng là trang quảng cáo. Nhà in quá nghèo, chủ báo không mua thêm chữ chì nên chữ lúc nào cũng thiếu.

Cánh thợ sắp chữ đến tòa soạn rất sớm, có người mới 3h sáng đã có mặt rồi – để mót mái những chữ còn sót lại trên bàn “dàn trang”, o bế cho hộc chữ của mình ngon lành để khoảng 5h là “chạy bài” trang nhất. Tờ báo nghèo đến nỗi, tòa soạn và trị sự đóng cửa im ỉm tối ngày. Bài vở trang trong được giao cho chú Tám Rúng – sắp chữ kiêm luôn thư ký tòa soạn. Chỉ trang ngoài là có chủ báo Trần Dạ Từ đến coi, chăm sóc. Bài vở trang ngoài của tờ Báo Đen không có gì đặc sắc, hầu hết đều là của các hãng thông tấn và của các nhóm thông tín viên.

Trong nghề sắp chữ cho nhật báo nghèo, cảnh “hết chữ” là nỗi lo hàng đầu. Không lo làm sao được khi bài thì còn mà hộc chữ của thợ cạn đáy. Hồi đó, trong tất cả các tờ nhật báo ở Sài Gòn, có lẽ tờ Báo Đen là mắc lỗi chính tả nhiều nhất. Người sửa bản in có sửa lỗi chính tả. Khi in sơ bộ, chủ báo cũng đã xem qua. Nhưng, lỗi vẫn hoàn lỗi, không thể nào khắc phục được. Vì, chữ ở đâu mà thay, những hộc chữ đã trơ đáy hết rồi. Thí dụ như cụm từ: “Chuyện vui buồn quân ngũ”, nhưng vì hết chữ “ũ” nên thợ nhét bừa chữ “ủ” vào, thành “Chuyện vui buồn quân ngủ”…

Do môi trường làm việc chật chội, ngợp ngụa nên thợ sắp chữ luôn mình trần trùng trục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Vất vả sớm hôm mà đồng lương thì rẻ mạt. Vậy mà, anh em thợ khi ra khỏi tòa soạn thì quần áo bảnh bao, trên tay người nào cũng có tờ báo biếu, ra vẻ người trí thức – chân mang giày đi bồm bộp, túi áo cài bút máy, áo bỏ vô quần đàng hoàng, có người còn chơi comple bốn túi – ngày ấy người ta gọi là đồ ký giả.

Ông Cung kể: “Một kỉ niệm trong thời gian tôi sắp chữ cho tờ Báo Đen, đôi khi nhớ lại tôi cười cười một mình. Hồi đó, anh chủ báo Trần Dạ Từ có chiếc xe hơi cổ Traction Avant do hãng Citroen của Pháp chế tạo khoảng năm 1939. Anh đến tòa soạn bằng chiếc xe cổ này. Lần nào nổ máy cũng vất vả, thường thì phải quay bằng tay quay. Có lần, cả đám thợ sắp chữ thay phiên quay, chiếc xe rung lên, nghiêng qua nghiêng lại mắc chứng gì máy vẫn không nổ. Một, hai, ba… chúng tôi hè nhau đẩy, chiếc xe rên lên “khực khực… khực khực…” mệt mỏi, vô vọng. Tới ngã tư đèn đỏ, dừng lại. Đèn xanh, đẩy tiếp. Qua hai ba cái ngã tư mà máy vẫn không nổ… Tới đường Cống Quỳnh thì… nổ. Báo hại, trên đường trở lại, hình ảnh anh thợ sắp chữ ăn mặc như ký giả, phóng viên của chúng tôi biến mất, thay vào đó là đám thợ… quần đùi, mình trần ốm nhom, mồ hôi nhễ nhại, đi ngông nghênh giữa phố phường đông đúc”.

Bài đăng trên báo Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: