

Bệnh “tám” cũng giống như nọc rắn giết người. Một liều vừa đủ, nọc rắn sẽ trở thành thần dược – MC Thanh Bạch
Với những chuyện không liên quan tới mình, tôi có thói quen là không bao giờ chú ý nghe, dù cho họ có nói trực tiếp hoặc điện thoại (nói chuyện thật to) ngay cạnh mình. Vậy mà cũng bị trách nữa đấy trời ạ.
Cũng như đi ngoài đường mà thấy người ta bu đông tôi cũng tìm cách lách qua đi cho lẹ, không có tánh thắc mắc “gì vậy ta” rồi nhào vô coi.
Nhớ có 2 chuyện buồn cười nè:
– Đi công việc với anh bạn ngang cầu chữ Y, thấy người ta xúm lại coi gì đó, anh bạn cũng tấp vào lóng ngóng. Tôi giục “đi ông ơi”. Anh bạn không chịu mà còn bỏ xe cho tôi trông, len vô đám đông. Chắc không thấy được gì nên nghe tiếng anh hỏi: “Gì vậy em?”. Có giọng ai đó trả lời: “Chết trôi!”. Anh bạn mình la lên: “Ghê quá!” rồi quay ra chở tôi đi tiếp.
– Ngồi cafe với cô bạn, thấy cô nói điện thoại to tiếng với ai đó mà nói lâu quá nên tôi lấy smartphone ra chơi game. Lát sau dứt cuộc thoại, nghe cô ấy nói: “Thiệt bực mình gì đâu á” nên tôi mới hỏi một câu cho có lệ: “Chuyện gì vậy em?”. Cô bạn quay nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên khuôn mặt: ” Trời, còn hỏi nữa! Nãy giờ em nói anh nghe hết rồi mà!”. Thật là tào lao mía lau!
Hôm nay đọc trên mạng thấy có bài viết nói về sự tò mò và tọc mạch cũng hay hay. Theo định nghĩa, tò mò là sự hiếu kỳ muốn khám phá và lý giải mọi thứ xung quanh và óc tò mò là nền tảng của sự phát triển. Còn tọc mạch cũng là mong muốn tìm đáp án cho điều mình muốn biết nhưng chỉ đơn giản do hiếu kỳ, biết chơi cho vui. Những kẻ tọc mạch thường được xem là lắm chuyện, từ miền Bắc gọi là buôn dưa lê. Thông thường bệnh này rơi vào cánh phụ nữ nên có người được goi là “bà tám”, chuyên thêm bớt, thêu dệt hay thổi phòng, thậm chí bẻ cong sự việc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể một câu chuyện cổ tích: Cách đây trên 200 năm, nhà văn Đan Mạch nổi tiếng thế giới Andersen đã viết rất hóm về “căn bệnh buôn dưa lê” này. Đại khái, buổi sáng, chị gà mái vừa nhảy khỏi chuồng thì bị mất một cái lông cánh. Chuyện rụng lông với lũ gà thì cũng bình thường thôi. Thế mà chị ngan vẫn rỉ tai chị vịt. Rồi chị vịt lại thì thào với chị ngỗng. Cứ rầm rầm rì rì. Đến lúc câu chuyện trở lại tai chị gà mái (nhân vật chính) thì đã thành một chuyện tày trời. Và chính chị gà mái lại quả quyết: “Này kinh lắm nhá. Có một mụ gà mái đánh nhau với tình địch. Đánh ác lắm đến mức trụi thùi lụi, chẳng còn một cái lông nào”.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, buôn dưa lê không hẳn hoàn toàn xấu mà vẫn có những mặt tích cực của nó, như qua các chuyện “tám” có thể chia sẻ cho nhau nhiều bí quyết, kinh nghiệm sống và nhất là giảm stress.

Nghệ sĩ hài Việt Hương cho biết: Tôi rất hay “tám” vì nhờ đó, tôi biết thêm nhiều điều. Chẳng hạn, có lần “buôn” với bạn bè, tôi biết họ có bí quyết dưỡng da rất tốt. Sau đó, tôi liền áp dụng công thức dưỡng da ấy cho mình và thấy da trở nên đẹp hơn.
Còn MC Thanh Bạch sau khi phân tích tật buôn dưa lê cũng đưa ra một kết luận vô cùng chí lý: Bệnh “tám” cũng giống như nọc rắn giết người. Một liều vừa đủ, nọc rắn sẽ trở thành thần dược.

Tuy tôi không phải thuộc dạng người tọc mạch, hay tám chuyện nhưng đôi lúc cũng sung lên khi tham gia bàn chuyện thời sự, bình luận bóng đá. Đó cũng là một cách để giảm căng thẳng do cuộc sống mang lại. Thế giới đã biến đổi, đang tăng tốc nên đời sống cũng trở nên ngồn ngộn, phức tạp, khiến ta dễ mất phương hướng. Hướng ngoại, sống cởi mở hơn, “tám” chuyện, chính là phương cách sống gắn bó, thân thiện hơn với tha nhân, đem đến sự thư giản cần thiết để tái tạo sức lao động. Điều cần thiết là phải biết chọn lọc, tiết chế, cân đối liều lượng để tránh sa vào những cuộc buôn dưa lê vô bổ.
Chuyên gia Lea Ellwardt (người Hà Lan) với nghiên cứu của mình cho rằng “buôn dưa lê” ở nơi công sở có tác dụng gắn kết tình bạn, làm tăng sự hợp tác trong công việc giữa các đồng nghiệp và thậm chí còn giúp mỗi người tự điều chỉnh những hành vi xấu của mình. Tuy nhiên, theo ông Ellwardt, mỗi người phải luôn nhớ nguyên tắc “không được nói quá nhiều” nếu không muốn bị đồng nghiệp xa lánh và bị gắn mác “lắm điều”.
Quan niệm “buôn dưa lê” nơi công sở là một thói xấu chưa chắc là đúng các bạn nhỉ?
(02/7/2022)
SĨ HUỲNH