“Con ruồi” trong đời tôi

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Chợt nhớ nhà văn Thổ nhĩ Kỳ Azit Nexin, trong truyện ngắn Giá Đừng Có Ruồi

☆ Ảnh bìa: minh họa của Tuổi Trẻ Cười

Sáng ra mình ngồi bàn vi tính, nhấm nháp cà phê và cố hồi tưởng những chuyện xưa để viết bài. Chẳng có gì mới cả, toàn là những chuyện vụn vặt, không đâu vào đâu, không có mở đầu, không đoạn kết. Như mình nhớ hồi nhỏ 3, 4 tuổi, sáng ra sân móc đất ăn và thấy ngon. Vậy thôi, đơn giản như đang giỡn. Hay là chuyện má nuôi vịt, chiều đang ăn cơm cùng cả nhà thì bầy vịt kéo vào, kêu cạp cạp liên hồi kỳ trận khiến má phải ra cho ăn và âu yếm bảo: “Đói sớm vậy con”. Chuyện chỉ có vậy, không có thêm chi tiết gì, không có liên tưởng gì. Càng cố nhớ càng sa vào vòng rối rắm.
Hay là viết về chuyện thời nay đi nhỉ? Ối giào, chuyện thì đầy ra đấy nhưng nếu không hư cấu thêm thì cũng chẳng ra chuyện gì. Mà mình đang viết tạp bút, phải là chuyện thật cơ.
Thời tiết vẫn oi bức, gió vẫn lặng, mới 8 giờ mà nhiệt độ trên di động đã báo 30⁰. Có bữa gần trưa còn 36⁰ nữa đấy. Nóng kinh. Trong tình cảnh này muốn sáng tác văn chương cũng là một việc khó. Viết đến đây mình chợt nhớ nhà văn Thổ nhĩ Kỳ Azit Nexin, trong truyện ngắn “Giá đừng có ruồi” đã tả về một cậu thanh niên từ năm 20 tuổi đã có ước mơ sáng tác tiểu thuyết. Nhưng cậu luôn đổ thừa cho hoàn cảnh, cho đến năm 42 tuổi khi đã có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, sự nghiệp văn chương của cậu cũng không tiến triển thêm được bước nào. Lý do lần này là…ruồi. “Thế nhưng… phải mỗi cái tội là… ruồi! Ruồi nhiều quá! Ruồi không còn làm ăn gì được nữa! Nó cứ bâu vào người, cứ vo ve bên tai nghe sốt cả ruột, tư tưởng không sao tập trung được! Ban ngày không chợp mắt nổi vì ruồi, thành ra ban đêm không còn sức để thức mà sáng tác nữa”.
Tôi nghiệm ra rồi: Viết văn không phải cứ muốn viết là viết. Phải có cảm hứng. Sáng tác vốn là một loại hình lao động đặc biệt, Trước hết đó là lao động trí óc. Có vài lần tôi cố làm một bài thơ, cuối cùng phải bỏ đi vì quá tệ.
Thêm nữa, nhà văn còn cần phải đi thực tế, chứ ngày nào cũng ru rú trong căn phòng chật hẹp như tôi thì chỉ có làm ra thứ phẩm.
Có một nghịch lý như sau: Thời xưa còn làm phim, đi đây đi đó quanh năm suốt tháng, trãi qua nhiều sự kiện, nhiều kinh nghiệm sống, nhưng vì bận rộn quá không sáng tác được gì. Giờ hưu rồi thì cứ quẩn quanh một chỗ, rảnh rỗi nhiều mà vốn sống cằn cỗi, muốn viết mà chẳng biết viết gì. Đúng là tôi cũng có “một con ruồi” trong đời. Sự nghiệp văn chương đành bỏ phế.
Với các nhà văn chuyên nghiệp, “những chuyện vụn vặt không đâu vào đâu” vẫn chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tác.

Có một câu rất hay có thể mượn tạm để kết luận bài này. Đó là câu kết của bài Giá Đừng Có Ruồi của Thầy Đề đăng trong Tuổi Trẻ Cười – Đường link bên dưới (*):
“Giá không có ruồi!” – nhà văn tương lai kêu gào, còn độc giả chúng ta thì vẫn cố nuôi hi vọng. Bởi, một ngày kia, khi giống ruồi phá hoại bị tiêu diệt sạch sành sanh trên thế gian này, thì biết đâu nhân loại lại được thưởng thức một tác phẩm vĩ đại. Hãy chờ xem!

(18/6/2022)

Sĩ Huỳnh

(*) https://tuoitre.vn/gia-khong-co-ruoi-280187.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: