

Mỗi lần đọc được một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, từ lúc đang xem cho đến khi hết truyện, một cảm giác hứng khởi trỗi dậy, thôi thúc tôi sáng tác. Đọc được hai, ba truyện thì tôi có thể viết một mạch ra một truyện ngắn, tuy không hay, có thể sẽ không được báo đăng nhưng đó cũng là một tác phẩm mới, còn hơn mấy năm rồi không có được một cái truyện “trình làng”.
Tôi đọc Nguyễn Ngọc Tư, từ truyện ngắn đình đám Cánh Đồng Bất Tận đến Hiu Hiu Gió Bấc, Nhớ Sông, Nhà Cổ, Bến Đò Xóm Miễu, Đau Gì Như Thể…, Nước Chảy Mây Trôi…truyện nào cũng xúc động, khơi gợi nhiều ý tưởng khiến tôi luôn có cảm giác “Rồi mình cũng sẽ viết được một truyện hay như thế”.
Không có tác giả nào có thể tạo cho tôi nỗi hào hứng ấy. Chỉ có thêm một người nữa thôi, đó chính là Chyngyz Torekulovich Aytmatov (1928-2008) là một nhà văn người Kyrgyzstan. Ông đã viết các tác phẩm của mình bằng tiếng Nga và cả tiếng Kyrgyzstan, nổi tiếng với những sáng tác văn học về quê hương ông. Tôi đã đọc Jamylia, Con Tàu Trắng, Vĩnh Biệt Gyulsary, Đoạn Đầu Đài…Và thành quả là sáng tác được truyện ngắn Hình Phạt dự thi và đoạt giải cao nhất của cuộc vận động sáng tác của Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh năm 1982.
Giờ tôi đã về hưu rồi, không được đi đó đi đây như thời còn làm phim nữa. Đó là hạn chế khiến tôi khó có thể viết hay hơn, khi suốt ngày giam mình trong bốn bức tường nhà trọ.
Có một điều lạ là tôi đã vậy, nhưng nhiều tác giả khác cũng không có gì hơn. Tôi đọc truyện ngắn của họ trên các báo thấy cứ nhàn nhạt làm sao. Lâu lắm rồi không có truyện nào nổi bật. Họa hoằn chỉ còn lại một Nguyễn Ngọc Tư. Mong rằng đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi.
Tôi tâm đắc với ý kiến của nhà văn Bảo Ninh: “Truyện ngắn hay là truyện ngắn… hay. Tôi cứ luôn cho rằng truyện ngắn thì phải… ngắn…Tôi nhớ Sang sông của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đăng lần đầu ở Văn nghệ, đâu chỉ hai hay ba cột báo, mà hay đến thế…Kinh nghiệm đọc cho tôi thấy truyện xoàng thì nhạt ngay dòng đầu, mà hay thì cũng lập tức cuốn độc giả từ dòng đầu, thậm chí chữ đầu. Bởi vì ngắn nên truyện ngắn không có chỗ cho sự vớ vẩn và sự dông dài…Kinh nghiệm đọc cũng cho thấy một truyện ngắn đáng gọi là hay nhất thiết phải có ít nhất một chi tiết hư cấu thần tình mà nếu không có nó thì dẫu cốt truyện có khác lạ cỡ nào cũng chỉ là truyện đọc đấy rồi quên…Tuy nhiên, lạm bàn vậy, chứ cái hay của truyện ngắn là sự vô cùng. Hay là hay, vậy thôi”.
Quả đúng là những nhận xét thấu đáo, hợp lý chí tình. Hay nhất vẫn là câu: “Truyện ngắn hay là truyện ngắn…hay”. Thế thôi.
Kinh nghiệm thì rút hoài không hết, như kinh nghiệm viết văn, khởi đầu cần đọc nhiều, tiếp thu các tác phẩm khác. Đọc là học, đọc để biết cách ghi mới, cảm nhận được bút pháp, ngôn từ, phương thức xây dựng câu chuyện. Tôi nói thích văn Nguyễn Ngọc Tư nhưng tôi vẫn đọc nhiều tác giả khác. Chẳng qua do truyện của Nguyễn Ngọc Tư đã mê hoặc được tôi, dẫn dắt tôi dấn bước vào con đường văn học.
Tôi có dăm ba truyện ngắn viết dở dang, giờ muốn viết tiếp để hoàn tất mà không được, không có ý tưởng. Bỏ thì tiếc nhưng nếu có viết tiếp chắc cũng chẳng ra gì. Mới đây lại thêm một truyện nữa. Hình như nếu muốn hoàn thành một truyện ngắn thì thời gian cho phép chỉ một, hai ngày. Để lâu hơn sẽ đứt mạch hứng khởi.
Để kết bài, tôi muốn ghi lại hai ý tưởng nhận định văn chương của ba nhà văn: Pauxtopxki, Aimatop và Anđecxen:
- Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm. (Pauxtopxki)
- Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng sống nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật. (Aimatop)
- Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra. (Anđecxen)
(15/6/2022)
SĨ HUỲNH