

Các đám cưới, tiệc tùng thường thuê dàn nhạc sống phục vụ, đó là một ban nhạc với đầy đủ nhạc công có thể đáp ứng việc chơi nhạc theo yêu cầu của khách. Ngày nay ban nhạc sống đã trở thành một phần không thể thiếu nếu như cặp đôi có ý định muốn buổi tiệc được thêm phần vui vẻ, sôi động. Ban tổ chức sẽ mời khách lên hát góp vui cùng với dàn nhạc sống bao gồm các nhạc cụ như guitar , bass , lead , trống điện , organ … Thường thì với yêu cầu của chủ tiệc, ban nhạc sẽ có các ca sĩ chuyên hát đám cưới , sự kiện, một hoặc hai MC dẫn dắt chương trình.

Hai năm dịch giã vừa qua các buổi tiệc cưới đều bị cấm. Có lúc chỉ được tổ chức 2 bàn tiệc. Các ban nhạc sống cả nước đều bị thất nghiệp. Các nhạc công, ca sĩ, MC phải tìm việc làm khác để kiếm sống nhưng cũng rất bấp bênh vì thu nhập chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa nghề của họ là chơi nhạc, không biết làm nghề khác nên rất khó cho họ tìm việc. Hai năm trôi qua với gánh nặng kinh tế đè trên vai các ca sĩ, nhạc công đám cưới khiến họ nản lòng, thất chí.
Thời Covid, nhiều cặp đôi phải hoãn đám cưới, có cặp làm vợ chồng trước chờ lễ cưới sau. Khi đại dịch lắng xuống, thiên hạ ùn ùn tổ chức đám cưới. Những ngày cuối tuần các đám tiệc diễn ra liên tục. Em vợ tôi là MC kiêm ca sĩ tự do, mấy tháng qua bận rộn với các show đến tối tăm mặt mày. Lịch của cô ấy đã kín hết tháng 7. Cô ấy kể, có đám cưới khi ra mắt cô dâu chú rễ cô giới thiệu luôn đứa bé còn ẳm trên tay. Thì ra họ đã là vợ chồng và đã sinh con, trong lúc chờ hết dịch để làm đám cưới.

Tôi có vài lần lên sân khấu hát đám cưới. Ban nhạc có khi hay khi dở nhưng tóm lại đều làm tròn trách nhiệm của mình, hài lòng gia chủ. Trước đây bài hát đám cưới thường là những bài phù hợp, vui là chủ yếu. Ngày nay không còn giới hạn nữa, khách mặc tình hát búa xua, kể cả nhạc bolero ủy mị. Thực khách ngày nay cũng dễ chịu, không còn ai phàn nàn về thể loại nhạc đám cưới. Mà, thật ra người ta đi đám cưới chủ yếu là để ăn và trò chuyện, ít người để ý, quan tâm đến khách hát, ngoại trừ nhóm khách cổ xúy cho “gà nhà”. Các ca sĩ của ban nhạc thường hát hay vì là chuyên nghiệp nên được mọi người thưởng thức, có vài người lên “boa” tiền. Đi đánh nhạc tiền công thì ít mà có lúc tiền “boa” lại nhiều. Khi được khá thì vài trăm, một triệu, chia cho cả ban nhạc.
Khi tôi viết bài này, lên mạng tìm thêm tư liệu thì tình cờ đọc được bài phóng sự kể về mặt trái của nghề đánh nhạc, một nghề cũng có lắm trái ngang. Chẳng là trong một đám cưới, có gã thanh niên kia say rượu liên tục yêu cầu nhạc công chơi đàn để anh ta hát bằng cái giọng lè nhè đến khó chịu. Vị nhạc công này đánh được 4, 5 bài thì hết kiên nhẫn đành phản ứng bằng cách chơi đàn theo kiểu qua loa, cho có. Dè đâu gã thanh niên này nhận ra nên chờ cơ hội “cho anh nhạc công một bài học”. Đêm đó khi tàn tiệc, vừa xách đàn ra khỏi ngõ thì anh nhạc công bị nhóm thanh niên say rượu cầm dao đuổi đánh và chém gây thương tích. Sự thiếu kiềm chế đó đã khiến anh nhạc công phải ân hận.

Search Google chả tìm được tư liệu gì về chuyện ban nhạc đám cưới, chỉ có mấy bài viết về các bầu sô ca nhạc thuở xưa. Những người lớn tuổi ai cũng biết ngày xưa có “tứ quái” bầu sô: nhất Biếu (Hoàng Biếu), nhì Giao (Ngọc Giao), tam Ngọc (Duy Ngọc), tứ Đặng (Sỹ Đặng). Trong thời điểm đó, 4 “ông vua” này còn điều phối cả những ca sĩ nổi tiếng đắt giá như Elvis Phương, Duy Quang, Thái Thanh, Giao Linh, Lệ Thu, Phương Dung, Mộng Tuyền, Thái Châu…
(20/6/2022)
Sĩ Huỳnh