Người phụ nữ hạnh phúc

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Có một chuyện bí ẩn mà ngoài bà ra, không ai được biết. Sau bao nhiêu năm thờ Phật, còn có cả pháp danh, phải chăng niềm tin trong bà đã bị lung lay?

Hồi còn con gái bà đẹp lắm, nét đẹp quý phái dù chỉ trang điểm sơ sơ, không phải chuốt. Nước da bà trắng hồng như mấy cô đầm Tây, có lẽ vì vậy bà kết giao với họ rất dễ dàng, theo họ vào lớp học ké vì thời đó phụ nữ chưa được đi học. Bà là con một, cha mẹ đã thôi nhau. Mẹ bà suốt ngày chỉ mê bài tứ sắc, thả cho bà tự do muốn làm gì thì làm. Người ta thấy bà đi chơi với mấy cô đầm, mét lại. Bà mẹ cười, có phần hãnh diện: “Nó biết tiếng Tây mà”. Có người cảnh báo coi chừng bà bị trai lừa gạt, bà mẹ càng cười lớn hơn: “Nó không có mê trai đâu. Nó ghét đàn ông lắm”.
Ừ, mẹ bà thường nói sai nhưng câu này đúng nhất nè. Quanh đi quẩn lại bà chỉ chơi với bọn con gái, đặc biệt là con gái Tây. Đàn ông con trai với bà là zero, không nghĩa lý gì cả. Duy chỉ có ông thầy trường Tây là bà hơi kính nễ, gặp ở đâu là bà “Bonjourt” ở đó. Ông thầy làm như để ý bà, luôn mĩm cười đáp lại bà. Cặp mắt xanh đen của thầy cứ long lanh mỗi khi nhìn bà mà không hiểu thầy đang nghĩ gì. Năm đó bà mới có mười sáu tuổi.
Trong dòng họ và người quen ai cũng biết tên gọi ở nhà của bà là “Gấu”, do mẹ bà đặt “cho dễ nuôi”. Bà còn nhớ như in, mỗi đêm trước khi ngủ mẹ của bà thường gọi:
● Gấu, ngủ chưa, qua đấm lưng cho mẹ chút coi.
● Dạ chưa.
● Chưa thì qua đây.
Có hôm mệt mệt trong người mà mẹ lại gọi:

● Gấu, ngủ chưa?

Bà vội đáp:
● Dạ ngủ rồi.
Mẹ bà cười khẽ:
● Ngủ rồi thì qua đấm lưng nè.

Có lẽ cái tên Gấu cũng ảnh hưởng phần nào đến giới tính của bà, khiến bà thiên về nam tính hơn.
Năm bà mười bảy tuổi thì mẹ bà tái hôn. Cha ghẻ của bà quen mẹ bà trên sòng bạc, sau này mới biết ông đánh bạc chỉ vì mê mẹ của bà. Khi lấy được vợ rồi thì ông lập tức nghỉ chơi tứ sắc. Vốn dĩ ông là một kẻ thương hồ, quanh năm mua bán trên sông nước. Cha ghẻ của bà thương bà như con ruột, mỗi lần về là cho bà rất nhiều tiền. Mẹ bà đối xử với bà không tốt là ông giận, không thèm nói chuyện và cũng không cho tiền đi “đậu chến” tiếp.
Mấy cô bạn đầm Tây của bà người nào cũng là con chiên ngoan đạo, chúa nhật nào cũng đi lễ nhà thờ. Mùa Giáng sinh là mùa vui nhất. Tất nhiên bà cũng theo bạn. Bà thuộc lòng kinh thánh, biết ai là Cha chánh xứ, ai là ông trùm, khi nào là ngày chay, bao giờ là lễ Phục sinh, lễ Lòng thương xót Chúa…Chỉ có điều bà chưa chính thức vô đạo, chưa có tên Thánh.
Lâu lâu bà ngồi nhớ lại thời con gái của mình, thấy có một điều lạ. Điều ấy như ẩn giấu, lẫn khuất đâu đó, chờ đợi được đặt tên, được mời gọi. Nó có vẻ như rất rõ mà lại tự dưng biến thành mơ hồ. Tất cả cũng do bản tính nam giới của bà át hẳn nét thùy mị đoan trang của một người phụ nữ. Điều lạ ấy chính là, thời con gái của bà không thấy xưât hiện bóng dáng đàn ông. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao đang tuổi đôi tám bà lại thích đi học võ. Thì cũng mấy cô bạn đầm Tây ấy rủ rê đó thôi.
Năm mười tám tuổi, một hôm mẹ của bà đến bên cạnh, thủ thỉ:
● Mẹ tìm được chỗ này cho con. Ông này tuy lớn tuổi, có một đời vợ rồi nhưng có công ăn việc làm ổn định lắm.
● Chắc mẹ cờ bạc hết tiền rồi nên muốn gã bán con chứ gì.
● Tầm bậy nà. Chiều nay đừng đi đâu. Người ta đến coi mắt đó.
Chiều tối người đó đến thật, dẫn theo bà mối. Đó là người thanh niên độ ba mươi tuổi, người Hoa, nói tiếng Việt chưa rành. Bà mối cho biết ông ta làm tài phú, coi sổ sách chi tiêu cho một hãng buôn. Sau này bà mới biết mẹ của bà từng thiếu nợ ông rất nhiều. Bà vâng lời mẹ, ưng lấy ông chồng hơn mình cả chục tuổi mà cũng không biết tại sao ưng. Nhưng có một điều bà cảm nhận được, đây chính là mẫu ông chồng tốt.
Rồi bà có mang, hai cô con gái sinh đôi nhưng không giữ được. Bà đau lắm nhưng không khóc. Chồng bà cũng thế, nhiều đêm không ngủ với đốm thuốc trên tay. Ông nghỉ hãng buôn, mở một tiệm hàng xén ngoài chợ cho hai vợ chồng cùng bán. Buồn buồn, ông sa vào bài bạc, thua cháy túi, cháy cả tiệm hàng xén. Bà âm thầm chịu đựng, không nặng nhẹ với chồng dù chỉ một lời. Bà tìm được chỗ bán bánh mì trong chợ, nuôi ông lúc ấy như người mất trí, có bữa lang thang khiến bà phải bỏ cả ngày đi tìm kiếm. Có lúc hơi tỉnh tỉnh, ông bảo bà:
● Mình để mặc tôi đi. Thứ người như tôi chết mới xứng.
Lần này thì bà khóc, nhưng chỉ trào nước mắt chứ không thành tiếng. Bỏ gì được mà bỏ. Dù sao cũng là tình chồng nghĩa vợ. Ông mê bài bạc có lẽ do mất hai đứa con. Không hề gì, tôi sẽ cho ông cả một bầy con khác.
Lời tự hứa của bà sao mà “linh” quá. Sau khi đi coi thầy, thầy phán phải nuôi đứa con nuôi thì những đứa sau mới giữ được. Hai vợ chồng lập tức làm theo. Vậy là mười một đứa trai có, gái có đã lần lượt ra đời, trưởng thành, sinh cho hai vợ chồng một “lô” cháu nội, cháu ngoại.
Từ ngày lập gia đình cho đến lúc tuổi già, bà chuyên tâm thờ Phật, thỉnh thoảng đi chùa. Bà thuộc nhiều kinh như Quan âm cứu khổ cứu nạn, kinh trường thọ diệt tội…Có một thời gian bà tụng tại nhà, đánh chuông gõ mõ:
Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn quãng đại linh cảm bạch y Quan thế âm Bồ tát.
– Nam mô sam mãn đà một đà nẫm án độ rô độ rô địa vĩ ta bà ha.

Một hôm bà theo bà bạn vào chùa để gọi là quy y Tam bảo, lấy pháp danh Diệu Thiện. Về, bà định ăn chay trường nhưng thấy trở ngại khi nấu ăn cho chồng con nên quyết định chỉ ăn một tháng. Chổng bà có vẻ không thích bà ăn chay vì sợ ảnh hưởng sức khỏe, bà đùa:
● Mai mốt tui thành chánh quả bay lên trời, không cho ông theo đâu.
Chồng bà cũng hài hước:
● Bà bay lên tui nắm áo bay theo.
● Nắm mà được à. Tui giật giật áo cho té xuống.
● Chèn, tu mà sao ác vậy.
Rồi cả hai cùng cười ha hả.


Bà bán ngoài chợ, ngay đầu hàng chuối, coi như “ngã tư”. Bữa kia tự dưng có bà nọ đến đặt sạp kế bên, ngặt một nỗi là cũng bán bánh mì. Bạn hàng trong chợ như nín thở, mọi ánh mắt đều dồn về hai đối thủ, chờ đợi một cơn đại chiến. Mà đúng là đại chiến thật. Đợi lúc ông chồng về nhà có việc, bà bước qua, nhìn bà nọ bằng cặp mắt sắc bén:
● Cho chị 5 phút để dọn sạp đi.
Bà nọ cũng không vừa:
● Chợ này là của mày hả?
● Chị bao nhiêu tuổi mà gọi tôi là mày?
● Giờ mày muốn gì? Biết tao là ai không?
● Không biết. Giờ có dọn đi không?
Như nhớ chuyện gì đó, bà chấp tay lại, khấn. Thì ra hôm nay bà ăn chay:
● Nam mô a di đà Phật. Xin Phật cho con nghỉ tu 5 phút để trị con nhỏ này.
Kịch tính dâng cao khi bà xuất chiêu. Bà nọ cũng đâu có vừa, né được cú đấm và túm tóc đối thủ. Bà xoay người, búi tóc bị xổ ra. Bà quyết định đánh xáp lá cà, trụ một chân, chân kia thúc lên bụng đối thủ. Bà nọ trúng đòn, ngã người, vẻ mặt đau đớn. Hình như bà ta cậy mình to khỏe, khi dễ vóc dáng mảnh khảnh của đối phương. Chưa hoàn hồn, bà ta bị tiếp một cú đấm xoáy cổ. Bà nọ chới với rồi khuỵu xuống. Lúc này mới có người chạy đến vực bà ta cho ngồi xuống ghế. Những lời bàn tán to nhỏ, những câu xì xầm hỗn tạp được dịp cất lên làm sôi động cả một vùng.
Hình như lâu lắm rồi bà mới có dịp “thi triển võ công”, không phí hoài thời trẻ đã “tu luyện”. Sau này ở tuổi 50 bà còn xuất chiêu một lần nữa, xử ông nọ vốn là võ sĩ về hưu, cũng vì dành chỗ bán. Nhưng của phải tội, đánh cho đối thủ bỏ đi rồi bà mới phát hiện ông ta là người đã đeo đuổi mình lúc xưa, thời bà còn son trẻ. Thì ra ông nhường bà, cho bà thắng vì ông đã nhận ra bà trước.
Có một chuyện bí ẩn mà ngoài bà ra, không ai được biết. Sau bao nhiêu năm thờ Phật, còn có cả pháp danh, phải chăng niềm tin trong bà đã bị lung lay. Hình như những lời cầu nguyện, xin xỏ của bà với Phật thích ca, Phật bà quan âm chưa bao giờ được hồi đáp. Nên vào tuổi cửu tuần, khi thằng con út của bà từ nước ngoài về chơi, thuyết phục bà vào đạo công giáo thì bà vội vàng chấp nhận. Ít người biết khi xưa lúc còn trẻ bà đã từng đi lễ nhà thờ, đã thuộc nhiều kinh thánh. Nhưng những người con của bà lại có cùng chung một ý nghĩ: bà theo đạo chẳng qua là để thằng con vui.
Bà được Cha chánh xứ đến tận nhà làm lễ rửa tội và chúa nhật hàng tuần có sơ đến để cùng bà cầu kinh. Tên Thánh của bà là Maria. Bà làm dấu thánh trước mỗi bữa ăn đã thuần thục. Ban đêm bà lần chuỗi Mân côi và cầu nguyện. Bà cầu những gì, chỉ có bà biết. Không biết Chúa có nghe, có ban phước lành cho bà không? Nhưng nhìn bà như một con chiên ngoan đạo, một bà mẹ vui sống trong vòng tay yêu thương của con cháu, người ta cũng có thể đoán ra phần nào.

(24/3/2022)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *