Món xà bần của má

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Về Bến Tre những ngày cận Tết, không khí trong lành, gió mơn man mát rượi. Những nụ hoa vàng, tím, đỏ…tươi thắm dọc đường đi. Chợ họp sớm từ lúc đèn đường còn chưa tắt. Bạn hàng bận bịu không ngừng tay, khách mua lúp xúp, vội vã. Những quầy hàng thực phẩm tươi sống chộn rộn cân đong. Tết đã tràn về, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm.
Nhà tôi ở thị xã, cách chợ chừng 3  cây số. Mấy chục năm, ba má tôi chuyên bán bánh mì lẻ để nuôi đàn con hơn 10 đứa. Mỗi dịp Tết về, má tôi lại mua một khúc vải lớn, kêu chị thợ may đến nhà đo để may quần áo cho chúng tôi. Đó là những bộ đồ hoa văn, màu sắc y như nhau vì chung một loại vải. Má không nói nhưng tôi biết may như thế là để tiết kiệm. 
Nói thế không có nghĩa nhà tôi ăn những cái Tết nghèo, mà ngược lại là đằng khác. Má tôi là người giữ tay hòm chìa khoá, dù phải chịu cảnh nợ nần cuối năm, bao giờ cũng lo cho chị em tôi một cái Tết đầy đủ. Đầu năm, ông chủ lò bánh mì ghé nhà tôi chúc Tết, lì xì cho chị em tôi rất hậu hỉ, xoá nợ trong năm cho ba má tôi. Má chơi nhiều dây hụi, cũng đã tranh thủ hốt trước Tết. 
Những ngày cuối tháng chạp, má dành ra buổi sáng để đi chợ mua đủ thứ thực phẩm, củ quả về chuẩn bị làm món Tết. Nào là thịt giò, ruột heo, gà vịt, nào là khoai tây, cà chua, dưa cải…Năm nào má cũng nấu một nồi to thịt kho trứng, canh khổ qua dồn thịt, cà ri gà và nhất là món “xà bần” mà tôi thích. Đúng ra xà bần là món ăn không ai bán, được nấu lại từ thức ăn dư trong Tết như thịt kho tàu, rau củ xào, vịt kho, gà luộc…Tất cả cho chung vào một nồi lớn, nêm nếm gia vị rồi hầm lên. Riêng xà bần má tôi nấu có phần đặc biệt hơn, gồm cải chua, cải rổ, thịt ba rọi, ruột heo, da heo khô, khô mực, hầm lên cho chín nhừ. Nấu xà bần chỉ nêm nếm bằng muối chứ không dùng nước tương, nước mắm. Đến giờ tôi vẫn chưa quên được mùi vị của nồi xà bần má nấu. Dưa cải và cải rổ mùi vị chua ngọt cay hăng, sẽ làm giảm bớt vị béo ngán của thịt mỡ. Ruột heo, da heo khô và khô mực làm tăng độ ngọt thanh, tạo cảm giác ngon miệng khi nhai cùng món cải mềm mụp. Mở nắp nồi xà bần hầm vừa chín tới, khói bốc nghi ngút, tỏa lên mùi hương thơm lừng quyến rũ. 
Thật ra ở nhà tôi chỉ có tôi là ghiền món xà bần má nấu. Tôi lên Sài Gòn đi học rồi đi làm, mỗi năm xuân về tết đến má lại nấu cho tôi ăn. Về sau má “chế” bớt, không còn da heo khô và khô mực nữa, nhưng mùi vị vẫn thơm ngon không khác mấy. Tết hàng năm món gì có thể thiếu chứ món xà bần thì luôn luôn có mặt. Má tuy đông con, đứa nào má cũng thương, nhưng tôi cảm nhận má thương tôi nhất. Tôi nhớ có lần về thăm má, má cầm hộp đựng tiền để trên đầu nằm, mở ra lấy hết tiền đưa cho tôi. Đó là tiền để dành của má, do con cháu cho những lúc về thăm, tiền mừng tuổi dịp Tết. Má bảo: “Con lấy tiền này mà xài”. Tôi từ chối: “Con có tiền mà. Má giữ đó đi để mua bánh trái ăn”. Má cười móm mém: “Con lấy đi. Lần nào về cũng mua này mua nọ cho má tốn tiền quá”. Tôi vẫn không chịu nhận. Má buồn, quay mặt vào vách làm bộ ngủ. 
Năm 2008 má 85 tuổi, vẫn còn nấu ăn, giặt giũ được. Má sống với hai đứa em gái của tôi trong căn nhà nhỏ gần thánh thất Cao Đài. Một ngày kia em gái tôi gọi điện kêu chúng tôi về vì má bị mệt. Ba anh em tôi ở Sài Gòn tức tốc về, đưa má lên viện tim để khám. Sức khỏe của má sau đó được phục hồi nhưng chúng tôi không cho má làm việc nhà nữa. Tết năm đó, người nấu món xà bần cho tôi ăn là đứa em gái thứ 9, có thể gọi là “đệ tử chân truyền” của má. Em tôi làm món xà bần đơn giản hơn, chỉ thịt ba rọi hầm với dưa cải. Má nếm thử, phán một câu khiến em tôi mát dạ: “Ngon”. 
Thường mọi năm cứ đến 27 Tết là tôi về với má đến mùng 6 mới trở lên Sài Gòn. Năm 2016 tôi không nói không rằng, đến mùng 3 mới về, vì tự nhiên tôi muốn đón Tết một mình ở Sài Gòn, thử xem không khí thế nào, có gì khác lạ so với Tết quê. Về nhà, thức ăn ngày Tết chỉ còn nồi thịt kho lèo tèo vài miếng. Em tôi đi chợ mua giò heo về làm phá lấu cho tôi ăn. Tôi cũng không thắc mắc nhà có nấu món xà bần không. Má thì quên còn em tôi thì giấu. Sau này em tôi mới kể năm đó hầm nồi xà bần cho tôi từ hôm 29 Tết. Đúng là chỉ làm cho tôi vì cả nhà tôi không thích món này lắm, chỉ ăn thịt kho hột vịt, cà ri, canh khổ qua. Ngày qua ngày, ba mươi, mùng một rồi mùng hai, đúng mùng ba tôi về thì nồi xà bần bị thiu, đem đổ bỏ. Nghe em gái thuật lại, lòng tôi đau nhói, tiếc ơi là tiếc. Lỗi tại tôi. Tôi hối hận và im ru, chẳng biết nói gì. Cái Tết đã trôi đi, cuộc sống vội vàng trở về bình lặng, nhưng nỗi tiếc nuối cứ bám lấy tôi trong một thời gian thật lâu. 
Ba má tôi siêng năng cần mẫn, chí thú làm ăn, cả đời làm lụng không nghỉ ngơi, không có thú vui giải trí. Có người nói ba má nghèo hoài vì căn nhà nằm ngay ngã ba, nhưng tôi nghĩ không phải. Chẳng qua vì quá đông con cái mà thôi. Bán buôn tần tảo bao nhiêu năm đã mang đến kết quả tốt đẹp khi chị em chúng tôi ai cũng được học hành đến nơi đến chốn. 
Tuổi thơ của chúng tôi trải qua nhiều cái Tết vui vẻ, đủ đầy. Đến lúc trưởng thành tôi để ý mới thấy thiếu vắng nụ cười trên môi ba má những khi năm cùng tháng tận. Tôi bắt đầu hiểu về nỗi lo toan canh cánh của hai đấng sinh thành. 
Má tôi mất hồi năm rồi, không kịp ăn Tết cùng con cháu. Còn đúng bốn năm má sẽ tròn trăm tuổi. Người phụ nữ một đời làm tiểu thương, sinh hơn chục đứa con mà sức khỏe vẫn bền lâu, thật phước đức. Tết năm rồi chúng tôi vẫn tụ họp về nhà để thắp hương cho bàn thờ gia tiên, cho ba má. Tôi vẫn đi chợ hoa để mua về những chậu vạn thọ, cúc, phụng vĩ…về bày trí trước sân nhà, vì lúc còn sống má rất yêu hoa Tết.
Bữa trưa ba mươi Tết được dọn lên, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy bát xà bần bốc khói, em tôi theo lệ cũ nấu cho tôi ăn. Mùi thơm hăng hăng, chua chua, cay nồng lan toả. Tôi nhắm mắt, tưởng tượng má đang ngồi bên cạnh, gắp miếng thịt ba rọi hầm vừa chín tới vào chén tôi. Rồi má bảo:

• Ăn đi con. Món này do má chế ra, không biết đặt tên gì nên gọi đại là xà bần. Chỉ nhà mình có thôi đó. 

SĨ HUỲNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: