Ghi chép 

Lời tự sự của kẻ về hưu

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Cầm tờ giấy quyết định về hưu, tôi chỉ đọc thoáng qua rồi đem về bỏ vô xấp hồ sơ, từ đó đến nay không coi lại lần nữa. Thật ra làm nghề điện ảnh như tôi vốn không có tuổi hưu, miễn còn làm tốt là còn được mời. Nhưng không hiểu sao tôi đã chán nghề sau 36 năm cống hiến, muốn được nghỉ ngơi. Có đôi khi tôi ngồi cố nhớ lại những bộ phim mình đã tham gia, nhưng không thể nhớ hết nên đành bỏ qua. 36 năm, liên tục mỗi năm đều có phim đi, không nghỉ năm nào. Đi từ Huế, Đà Nẳng, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết…đến Lâm Đông-Đà Lạt…đi miền Đông, Đồng Nai, Tây Ninh…về miền Tây, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ…đặc biệt là Bà Rịa Vũng Tàu là đi nhiều nhất.
Về hưu rồi tôi vẫn không có cảm giác “nghỉ hưu”, giống như đang nghỉ chờ phim. Ngày ngày vẫn cà phê cùng bạn thân, thỉnh thoảng rủ nhau đi hát karaoke. Tôi ở trọ bên quận 7 nhưng thường sang quận 1 ngồi La Mode coffee ở góc Bùi thị Xuân – Tôn thất Tùng để làm thơ, viết văn cả ngày hoặc tiếp bạn bè. Lâu lâu tôi lại đổi địa điểm, đến quán cà phê Vườn Thảo Mộc ở đường Trường Sơn quận 10. Sở dĩ tôi đến quán này vì nó gần nhà cô bạn nhỏ, tiện lợi cho cô ấy đi lại để gặp gỡ, tâm tình. Cô ấy nhỏ hơn tôi mấy chục tuổi, chúng tôi quen nhau với một tình bạn dễ thương trong sáng. Có hai lần cô bạn chở tôi về Bến Tre thăm má tôi, 3 giờ sáng đi, 4 giờ chiều lên lại. Lần thứ hai đến Long An trời mưa như trút nước phải vào quán ven đường để đụt mưa. Ai dè quán xá đơn sơ, mưa gió tạt vào, chúng tôi phải ngồi gần sát cửa sau mới không bị ướt. Đó là kỷ niệm không thể nào quên.
Về hưu, tôi mở tiệm kem dừa trên đường 3 tháng 2 gần rạp Hòa Bình. Bè bạn, đồng nghiệp nhiều người ghé ủng hộ nhưng mỗi người chỉ đến một lần, không có lần thứ hai. Sau vài tháng ế ẩm, tôi thuê mặt bằng khác trên đường Trường Sơn, đối diện công viên Thỏ trắng, quyết “làm ăn lớn”, bán vừa kem dừa, vừa bán trà sữa. Nhưng tôi không có tay mua bán nên chỉ vài tháng sau cũng dẹp tiệm. Từ đó tôi không làm gì thêm cả, chỉ ở không chơi. Tôi vẫn ở nhà trọ bên quận 7, vẫn hàng ngày đi cà phê, ca hát với bạn bè. Có vài phim mời, trong đó có một phim của Hàn quốc, họp tới họp lui, đi chọn cảnh ở Xuyên Mộc, Vũng Tàu và Mộc Hóa xong rồi ngưng vì kinh phí cao không kham nổi. Vài dự án làm phim khác cũng dừng lại ở giai đoạn khảo sát. Tôi không có show để đi nhưng không buồn, xem như là chuyện bình thường, ngày qua ngày tiếp tục rong chơi thỏa thích.
Không hiểu sao tôi ít khi nào nghĩ ngợi về thời làm phim. Thỉnh thoảng viết vài bài ghi chép mới cố nhớ lại những chi tiết liên quan. Có lẽ do tôi không muốn nhớ cái nghề lang bạt kỳ hồ, muốn lãng quên cả một thời rày đây mai đó. Về già, tôi tiếc đã chọn nghề làm phim, à không phải, tiếc vì nghề làm phim đã chọn tôi, để cho mấy mươi năm trôi qua ít có thời gian gần gũi bên gia đình, con cái. Tuy nhiên cảm giác này chỉ mới nảy sinh trong thời gian gần đây, chứ trước kia tôi rất hứng khởi khi được phân công đi một phim mới. Nghề điện ảnh vốn có một lề lối, qui tắc làm việc riêng, đôi khi rất khắc nghiệt nhưng tự thân luôn mang yếu tố tài tử, nghệ sĩ. Đi phim lâu ngày sẽ bị ghiền, nghề làm phim như là ma túy.
Giờ tôi chỉ nhớ phim “đầu tay” là Núi Lửa Trên Sông Hàm Luông (sau đổi tựa thành Đêm Nước Rong” và phim cuối cùng là Đường Xuyên Rừng. Tôi hân hạnh được đóng góp công sức cho bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, tập 4 – Cơn Hồng Thủy Và Bản Tango Số 3. Đó là lần đầu tiên được làm việc với đạo diễn tài ba Lê Hoàng Hoa. Phong cách tại hiện trường của anh thật khoa học và đầy tính kỹ thuật, không hề sáng tạo tại hiện trường mà tất cả đều tuân thủ theo kịch bản phân cảnh. Vào giai đoạn hậu kỳ, đạo diễn Lê Hoàng Hoa lại tự mình làm dựng phim chính, biến người dựng chính thành phụ dựng.
Từ năm 2000 “sự nghiệp điện ảnh” của tôi được lật sang trang mới. Tôi tham gia làm phim truyền hình, phim quảng cáo, phim tự giới thiệu. Các bộ phim video như Hoa Và Nước Mắt, Cây Huê Xà…làm cho Hội Điện Ảnh thành phố Hồ Chí Minh; các mẩu phim quảng cáo như mì ăn liền, gạch bông…do tôi viết kịch bản…đã lấp đầy khoảng trống phim nhựa do Nhà nước hạn chế đầu tư. Tôi còn tham gia làm phim tài liệu cho Công An thành phố dự thi toàn quốc về an toàn giao thông. Bộ phim chống đua xe của chúng tôi thực hiện theo đơn đặt hàng của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ đã đoạt giải nhì.
Tôi được công ty Sud Est production chuyên sản xuất phim quảng cáo mời làm chủ nhiệm, chuyên lo thủ tục giấy tờ và xin phép quay phim. Về sau hãng phim có hợp đồng dịch vụ với đài truyền hình nên tôi về làm phim nhiều tập. Có thể đơn cử vài phim, như Truy Tìm Dấu Vết, Sóng Tình, Tham Vọng, Cô Nàng Bất Đắc Dĩ…
Tuy không có gì tự hào, hãnh diện nhưng phải nói rằng tôi là người quản lý sản xuất may mắn làm đủ các thể loại phim: phim điện ảnh, phim truyền hình, phim quảng cáo, phim tài liệu, phim tự giới thiệu và cả phim sit com (Cô Nàng Bất Đắc Dĩ) và phim hoạt hình (2 mẩu phim quảng cáo về thức ăn gia súc). Tôi bán được hai kịch bản phim quảng cáo (gạch bông và kem trị nấm) và một số mẩu quảng cáo mì ăn liền Vifon, nước tinh khiết đều do tôi viết kịch bản.
Tôi viết miên man, nhớ đâu kể đó nhưng tương đối cũng theo thứ tự thời gian. 36 năm làm phim có quá nhiều sự kiện mà trong nhất thời không kịp nhớ. Có nhiều việc khi nhớ ra bỗng giật mình buột miệng: “Trời, mình mà cũng làm được vậy sao?”. Ví dụ năm đó tôi vừa làm phim dịch vụ cho Đức, đi chọn cảnh ở Quảng Nam, vừa làm phim quảng cáo quay tại Sài Gòn. Tất cả đều do biết cách tổ chức. Từ Hội An tôi chỉ đạo anh trợ lý đang dẫn đoàn đi quay Thủ Đức bằng điện thoại.
Trước đây tôi thường nghĩ rằng khi về hưu chắc sẽ có nhiều điều để viết, nhưng không ngờ chất liệu lại nghèo nàn đến thế. Có thể do trí nhớ tôi kém, hoặc vả do tánh cầu toàn nên nhiều sự việc diễn ra suốt cả 36 năm tôi chỉ xem là vụn vặt. Cuối cùng chỉ còn lại vài chuyện đáng để viết.
Giờ tôi đang về hưu nhưng chưa phải gọi là dưỡng già. Nếu có lời mời tôi vẫn có thể đi phim. Vấn đề là: tôi không còn hứng thú làm phim nữa.

(20/10/2021)

Related posts

Leave a Comment